Chuyện quản lý: Gìn giữ thương hiệu du lịch Quảng Bình

Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, văn hóa kinh doanh du lịch cần được nâng tầm và có cách nhìn nhận chính đáng. Cơ quan chức năng cũng cần có các giải pháp phù hợp để giữ gìn thương hiệu du lịch Quảng Bình, tránh 'được nổi tiếng' theo cách không hề mong muốn.

Những ngày này, trên các diễn đàn du lịch “nóng” lên chuyện một cơ sở ăn uống tại TP. Đồng Hới đã “sao chép” y nguyên một cơ sở lưu trú ở tỉnh bạn. Sự “giống nhau” bất thường này không chỉ từ tên thương hiệu, logo quảng bá mà còn “phảng phất” ở cả phong cách, bài trí. Ngay khi cơ sở lưu trú kia phát hiện sự việc, cơ sở ở TP. Đồng Hới đã có những động thái rất đáng buồn, như: “Hủy kết bạn” trên mạng xã hội với những ai lên tiếng và thậm chí một lượng lớn người được cho là thân quen với cơ sở này đã đồng loạt đánh giá “1 sao” cho chính chủ thương hiệu.

Sau khi bị cộng đồng mạng chỉ trích mạnh mẽ, cơ sở chỉ “nhẹ nhàng” đổi font chữ nhưng vẫn giữ nguyên tên. Mới đây, trước sức ép dư luận, một tên mới nhưng vẫn theo phong cách tên cũ được sử dụng như giải pháp tình thế cùng lời xin lỗi thiếu thành tâm. Đây thực sự là một hành xử không thể chấp nhận được trong môi trường kinh doanh du lịch chuyên nghiệp, gây phẫn nộ trong cộng đồng du lịch và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của du lịch Quảng Bình. Được biết, cơ sở ở tỉnh bạn đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình, nên việc sao chép không được phép là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Mới đây thôi, một công ty du lịch có tiếng của Quảng Bình đã bị một doanh nghiệp khác lấy luôn hình ảnh sản phẩm của mình để quảng bá ở tỉnh bạn. Nếu du khách xem hình ảnh giới thiệu thấy yêu thích, đăng ký tour, thì thay vì được giới thiệu tour “chính chủ” lại được tư vấn sản phẩm tương tự của công ty khác. Sự mập mờ “treo đầu dê, bán thịt chó” chắc hẳn sẽ làm mất thiện cảm, niềm tin của du khách đối với du lịch tỉnh, nặng nề hơn sẽ bị xem như một “chiêu trò lừa đảo” và về lâu dài ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu du lịch Quảng Bình. Đó là chưa kể đến sự mất uy tín kinh doanh, điều vốn dĩ không dễ gì có và duy trì được trong thương trường khắc nghiệt hiện nay.

Trên thực tế, thương hiệu, logo và phong cách trong kinh doanh nói chung, du lịch nói riêng đóng vai trò rất quan trọng. Đó là linh hồn của cơ sở kinh doanh, được đánh đổi bằng chính mồ hôi, nước mắt, tiền của và bao tâm huyết của người chủ. Vì vậy, nhiều cơ sở kinh doanh đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình, bất kỳ hình thức sao chép, sử dụng không được phép nào đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều đáng nói chính là những tác động xấu đến thương hiệu du lịch Quảng Bình trước mắt và lâu dài, làm mất đi sự thân thiện, cởi mở, uy tín, trách nhiệm mà bấy lâu chính quyền, các cơ sở kinh doanh du lịch và người dân địa phương đang nỗ lực xây dựng. Bên cạnh đó, việc sao chép, “mượn tạm” hình ảnh sản phẩm du lịch còn cho thấy “lỗ hổng” lớn trong tư duy của người kinh doanh, đằng sau đó là nhiều hệ lụy không chỉ đơn thuần cho doanh nghiệp phạm sai lầm, mà là chuỗi “domino” tác động lâu dài đến du lịch địa phương.

Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và nhất là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống, bất kỳ hành vi sao chép, dù tinh vi đến đâu cũng sẽ bị phát hiện và lên án gay gắt, cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có. Chính vì vậy, văn hóa kinh doanh du lịch cần được nâng tầm và có cách nhìn nhận chính đáng. Cơ quan chức năng cũng cần có các giải pháp phù hợp để giữ gìn thương hiệu du lịch Quảng Bình, tránh “được nổi tiếng” theo cách không hề mong muốn.

Quảng Hạ

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202405/chuyen-quan-ly-gin-giu-thuong-hieu-du-lich-quang-binh-2218135/