Chuyện giới trẻ Trung Quốc ngại cưới, sợ đẻ qua lời kể của cô gái Việt

Theo Thương, hầu hết bạn bè cô ngại sinh con vì áp lực tài chính. Nhiều nam giới Trung Quốc cũng không dám nghĩ đến chuyện kết hôn khi chưa có nhà, xe và kinh tế ổn định.

Tranh thủ khi không phải làm việc, Lê Thị Thương (29 tuổi, quê Hải Dương), hiện sống tại Thượng Hải, ra thăm khu vườn nhỏ trên ban công - nơi cô trồng dâu tây, cà chua, cải cúc, mồng tơi, cà tím.

Đây là thú vui giúp Thương giảm bớt căng thẳng trong thời gian thành phố phong tỏa vì đợt dịch Covid-19 bùng phát gần đây.

Chia sẻ với Zing, Thương cho hay cô sống ở Thượng Hải gần 9 năm nay. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thương kết hôn với chồng là Hạ Dĩ Dương (quốc tịch Trung Quốc), từng là thầy giáo của cô ở trường, vào năm 2017. Hai vợ chồng hiện có con gái đầu lòng gần 1 tuổi.

 Vợ chồng Thương hẹn hò khi cô là sinh viên đại học, còn chồng giảng dạy trong trường. Họ có con gái đầu lòng, đặt biệt danh là “qianqian” (sự đâm chồi nảy lộc của vạn vật trong tiếng Trung).

Vợ chồng Thương hẹn hò khi cô là sinh viên đại học, còn chồng giảng dạy trong trường. Họ có con gái đầu lòng, đặt biệt danh là “qianqian” (sự đâm chồi nảy lộc của vạn vật trong tiếng Trung).

Cuộc sống trong phong tỏa

Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán, còn Thượng Hải, nơi gia đình Thương sinh sống, hoạt động bình thường.

Mọi người vẫn đi làm, học tập nhưng phải đeo khẩu trang khi ra đường và được khuyến khích giữ gìn vệ sinh cá nhân để phòng tránh dịch.

Gần đây, khi Thượng Hải thực thi lệnh cách ly kéo dài từ cuối tháng 3, cuộc sống và công việc của vợ chồng Thương bị ảnh hưởng khá nặng nề.

“Chồng mình từ việc đứng trên giảng đường giờ chuyển hẳn qua dạy học trực tuyến. Mình cũng không thể tới văn phòng làm việc như trước. Mọi công việc chỉ có thể bàn giao qua các cuộc họp online và điện thoại cho cấp trên hoặc cấp dưới. Với người làm thiết kế như mình, điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu suất công việc bởi nhiều ý tưởng chỉ có thể được biểu đạt hết ý khi trao đổi trực tiếp và có cảm hứng sáng tạo”, cô kể.

 Thương chăm sóc cây cối, rau củ trong nhà để giải tỏa căng thẳng trong đợt phong tỏa kéo dài.

Thương chăm sóc cây cối, rau củ trong nhà để giải tỏa căng thẳng trong đợt phong tỏa kéo dài.

Bên cạnh đó, toàn thành phố cách ly đồng nghĩa mọi nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, đồ dùng cá nhân sẽ khó khăn trong việc mua sắm vì mọi người không thể ra ngoài.

Tuy vậy, theo Thương, chính quyền Thượng Hải cố gắng trợ cấp cho người dân về lương thực như gạo, thịt, rau, củ, quả hay vật dụng cần thiết gồm dầu gội đầu, nước giặt...

Trong các khu dân cư, nhiều tổ chức cũng đứng lên giúp người dân mua thực phẩm online nên phần nào giải quyết được vấn đề về lương thực.

 Gia đình Thương được chính quyền cũng như công ty trợ cấp thực phẩm trong thời gian phong tỏa.

Gia đình Thương được chính quyền cũng như công ty trợ cấp thực phẩm trong thời gian phong tỏa.

Văn hóa 996

Trung Quốc vốn nổi tiếng với văn hóa 996 khắc nghiệt (làm việc từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày/tuần). Tuy nhiên, Thương cho rằng so với những gì truyền thông phản ánh, vấn đề này trong thực tế không quá nghiêm trọng.

Hay nói cách khác, giới trẻ Trung Quốc khá bức xúc và phản ứng gay gắt khi thuật ngữ này mới rộ lên nhưng giờ mọi người không còn nhắc tới nó nhiều nữa.

Theo Thương, người lao động tăng ca để hoàn thành nốt công việc không còn là điều xa lạ với đất nước đông dân này. Nhiều người tự nguyện làm điều đó, đặc biệt là dân văn phòng.

“Mọi người có thể lựa chọn về đúng giờ và không hoàn thành công việc nhưng điều đó đồng nghĩa họ chấp nhận hiệu suất làm việc của mình thua kém đồng nghiệp. Trong môi trường làm việc nào cũng vậy, những người tụt lại thường chấp nhận bị xã hội đào thải”, cô nói.

 Vợ chồng Thương bị ảnh hưởng nhiều khi phải chuyển sang làm việc online khi thành phố phong tỏa. Họ thường mở tiệc trong vườn nhà để tạo niềm vui.

Vợ chồng Thương bị ảnh hưởng nhiều khi phải chuyển sang làm việc online khi thành phố phong tỏa. Họ thường mở tiệc trong vườn nhà để tạo niềm vui.

Bản thân Thương cũng thường xuyên tăng ca để hoàn thành công việc. Cô hoàn toàn tự nguyện và cảm thấy thoải mái vì có rất nhiều đồng nghiệp cũng tăng ca.

Đây là điều bình thường ở môi trường làm việc của Thương nên cô thấy không quá áp lực hay khiến cô và đồng nghiệp kiệt sức.

“Áp lực công việc thường được cho là đè nặng lên vai giới trẻ Trung Quốc, nhưng mình nghĩ dù ở đất nước hay ngành nghề nào cũng có sự cạnh tranh nhất định. Nếu muốn có vị trí cao, vững chắc hơn và khẳng định bản thân thì việc nỗ lực không ngừng nghỉ là điều đương nhiên. Mình thấy người trẻ Trung Quốc đều khá chăm chỉ, nghiêm túc và nhiệt huyết với công việc của họ”, cô nói.

Ngại cưới và đẻ con

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đang ở mức rất thấp. Điều này Thương cảm nhận khá rõ vì xung quanh cô, từ đồng nghiệp tới bạn bè, khi được hỏi hầu hết đều nói chỉ dự định sinh một con hoặc không đẻ con. Rất ít cặp vợ chồng tính sinh 2 con dù chính phủ Trung Quốc đã và đang có chính sách nới lỏng về vấn đề sinh đẻ.

Xu hướng nam giới Trung Quốc ngại kết hôn hoặc không dám cưới vợ vì chưa có nhà, xe và tài chính vững chắc cũng có thể cảm nhận khá rõ ở hiện tại.

Thương cho hay giá nhà đất ở các thành phố lớn của Trung Quốc khá cao. Trong khi đó, nếu kết hôn, nhà trai thường chi tiền mua nhà cho đôi trẻ, còn nhà gái lo chi phí thiết kế nội thất. Thực tế, việc mua nhà tại thành phố đôi khi vượt quá khả năng của gia đình chú rể.

 Nhiều đồng nghiệp, bạn bè của Thương ngại sinh con vì áp lực tài chính.

Nhiều đồng nghiệp, bạn bè của Thương ngại sinh con vì áp lực tài chính.

Hơn nữa, sau khi cưới, nếu sinh con mà không nhận được sự giúp đỡ của bố mẹ hai bên, người chồng thường sẽ đi làm, còn vợ ở nhà chăm con. Như vậy, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình sẽ đè nặng lên vai người đàn ông.

Chính vì thế, khi điều kiện tài chính chưa cho phép, rất nhiều nam giới Trung Quốc chưa nghĩ đến việc lập gia đình.

Theo Thương, việc nuôi dạy con cái ở Thượng Hải cũng khá tốn kém. Hầu như các gia đình chỉ sinh một con nên đều muốn dành những điều tốt nhất cho con. Bên cạnh đó, với các khoản chi phí sinh hoạt khá cao, nếu không có nguồn thu ổn định hay tài chính vững vàng, các đôi vợ chồng thường chọn sinh con muộn.

“Khi quyết định sinh con, vợ chồng mình đã chuẩn bị tâm lý, lên kế hoạch cũng như chuẩn bị tài chính khá kỹ nên không gặp phải áp lực gì”, cô cho hay.

Chuyện “nhập gia tùy tục”

Trước khi lấy chồng, Thương khá e ngại về vấn đề làm dâu xứ người.

“Cũng như nhiều cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc khác, mình từng lo sợ về sự bất đồng văn hóa hay thói quen sinh hoạt hàng ngày với gia đình nhà chồng”, cô giải thích.

Tuy nhiên, Thương cảm thấy may mắn vì ông xã và bố mẹ chồng luôn tôn trọng thói quen của cô.

“Khi mình về làm dâu, gia đình chồng không hề bắt ‘nhập gia tùy tục’ mà để mình tự quyết định từ ăn uống đến các thói quen sinh hoạt khác. Có thể do mình sang Thượng Hải du học thời gian khá dài nên phần nào hiểu được văn hóa và thói quen của người Trung. Cộng với việc bố mẹ chồng thoải mái, luôn tạo điều kiện cho mình có không gian riêng nên mình không gặp khó khăn nào khi hòa nhập”, cô nói.

 Thương không cảm thấy khó khăn khi hòa nhập với gia đình chồng sau khi kết hôn.

Thương không cảm thấy khó khăn khi hòa nhập với gia đình chồng sau khi kết hôn.

Điều khiến Thương cảm thấy bất ngờ khi mới sang Trung Quốc là người trẻ rất nhiệt tình và mến khách. Khi cô gặp khó khăn và tìm người giúp đỡ, họ đều sẵn lòng dù chỉ vừa quen biết.

Sống ở Thượng Hải, Thương thấy thành phố sạch đẹp và phát triển. Môi trường học và làm việc cũng tiện nghi và văn minh.

“Hiện tại, Thượng Hải vẫn đang thực thi lệnh cách ly. Điều mình mong muốn nhất lúc này là chính phủ sớm có giải pháp tốt và hiệu quả để đẩy lùi dịch bệnh. Hy vọng đại dịch sớm qua đi, người dân sớm quay lại được với cuộc sống như trước đây”, cô chia sẻ.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gioi-tre-trung-quoc-ngai-cuoi-so-de-qua-loi-ke-cua-co-gai-viet-post1319387.html