Chuyên gia nói gì khi hàng loạt cơn bão nối đuôi nhau vào Biển Đông?

Sau bão số 8 vào Biển Đông, có thể bão số 9 sẽ tiếp tục nối đuôi theo sau, tiếp đó là vùng áp thấp đang phát triển có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai, thời điểm tối ngày hôm qua (ngày 11/11), cùng một thời điểm có 4 cơn bão đang hoạt động ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, trong đó có 2 cơn bão đang hoạt động ở trong khu vực biển Đông của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết, vì khối không khí lạnh duy trì lâu dẫn đến nền nhiệt ven bờ ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ đang thấp hơn 26 độ C khiến bão bị suy yếu. Cùng với đó, áp cao cận nhiệt đới phía Tây Bắc áp xuống đang như một bức tường chắn bão và khối khí áp này sẽ duy trì tới 18/11 hoặc lâu hơn.

Bão Yinxing đã giảm thành một vùng áp thấp cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 120km về phía Đông. Gió mạnh cấp 6-7. Người dân ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi lưu ý có mưa lớn do hoàn lưu bão. Một số khu vực thấp trũng ở thành phố Đà Nẵng có thể bị ngập lụt cục bộ do cường suất mưa cao trong thời gian ngắn.

TS Nguyễn Ngọc Huy cho hay, hôm nay bão Toraji đã đi vào khu vực kinh tuyến 120 và thành cơn bão số 8 đi vào biển Đông trong năm nay. Tuy vậy, TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định rằng không cần quá lo lắng vì Toraji sẽ suy yếu ngay ven bờ biển đảo Hải Nam (Trung Quốc) khi đụng phải không khí lạnh và khí áp cao.

Đáng chú ý, ngay sau bão số 8, vùng thấp 27W sắp hình thành bão ngoài khơi phía Đông Philippines. Bão này có thể lại đi qua Luzon vào Biển Đông. Nếu bão vào sớm, nó lại sẽ va phải bức tường áp cao và nền nhiệt Biển Đông đang lạnh rồi yếu đi. Trường hợp bão vào Biển Đông mà áp cao cận nhiệt đới còn hoạt động thì bão sẽ bị chặn lại nhưng gây mưa ở Trung Trung Bộ trong khoảng 19-20/11. Ngoài ra còn có cơn bão Man-ji đang ở rất xa phía Đông của Philippines.

Theo phân tích của TS Nguyễn Ngọc Huy, không có các dấu hiệu nguy hiểm như bão Yagi, hầu hết các cơn bão trong giai đoạn này đều có xu hướng đi vào đảo Luzon (Philippines), khi vào trong biển Đông khu vực gần bờ biển Việt Nam thì bị bức tường khí áp cao cận nhiệt đới và không khí lạnh chắn giữ, do đó các cơn bão dù lớn cũng bị hóa giải.

TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết, sự hình thành khối không khí lạnh và áp cao cận nhiệt đới là ngẫu nhiên và may mắn đã chặn được bão Yinxing và Toraji. Tuy vậy, vẫn phải đề phòng những cơn bão sau đó đi vào biển Đông mà "bức tường vô hình" kia không còn ở đó.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nguyên nhân khiến năm 2024 có nhiều bão mạnh như Geami, Yagi, Krathon hay Helence, Milton… có thể do tác động bởi một số yếu tố khí hậu và môi trường.

Năm 2024 là năm chuyển pha El Nino sang Lania, quá trình chuyển pha quan sát được xếp vào chuyển pha nhanh nên đốt nóng và mất cân bằng nhiệt ẩm đại dương đang diễn ra mạnh mẽ góp phần làm tăng nguồn cung cấp năng lượng cho sự hình thành và phát triển của các cơn bão nhiệt đới.

Sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ của cả đại dương và khí quyển. Khi nước biển ấm lên, nó cung cấp nhiều hơi nước và năng lượng hơn cho các hệ thống thời tiết, dẫn đến việc hình thành nhiều bão mạnh hơn và cường độ của các cơn bão này cũng tăng lên.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2024 cao hơn 0,7 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020, nhiều khả năng năm nay sẽ là năm ấm nhất năm được ghi nhận và khi nhiệt độ tăng lên thì các cơn bão mạnh cũng gia tăng.

Dự báo số lượng các cơn bão trong tương lai sẽ mạnh tăng, chẳng hạn như loại bão ở ngưỡng CAT 4-5 (tốc độ gió lớn hơn 200 km/h) tức là những cơn bão có cường độ mạnh trên cấp 17 sẽ gia tăng.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chuyen-gia-noi-gi-khi-hang-loat-con-bao-noi-duoi-nhau-vao-bien-dong-94780.html