Chuyên gia Nga: Việt Nam cần hướng tới nền kinh tế tri thức

Những năm tới, để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như đã được nêu trong các văn kiện trình Đại Hội lần thứ XIII của Đảng, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần hướng tới nền kinh tế tri thức.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam kiên định mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, tham gia đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Việt Nam cũng duy trì đường lối đối ngoại mềm dẻo, cân bằng với tất cả các đối tác. Tất cả những yếu tố này đã giúp nền kinh tế đạt được những thành quả đáng tự hào về quy mô, tốc độ tăng trưởng, gia tăng thu nhập, phúc lợi xã hội cho người dân...

Tuy nhiên, trong những năm tới, để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như đã được nêu trong các văn kiện trình Đại Hội lần thứ XIII của Đảng, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần hướng tới nền kinh tế tri thức. Về vấn đề này, VOV thiệu góc nhìn của GS.TS khoa học kinh tế Vladimir Mazyrin-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Nga, qua trả lời phỏng vấn của PV VOV thường trú tại LB Nga.

GS.TS khoa học kinh tế Vladimir Mazyrin-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

GS.TS khoa học kinh tế Vladimir Mazyrin-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

PV: Thưa GS.TS Vladimir Mazyrin, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển kinh tế của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong những năm gần đây?

GS.TS Vladimir Mazyrin: Chính sách đổi mới đã mang lại kết quả vượt bậc trong hơn 35 năm mà không ai trên thế giới có thể đoán trước được. Việt Nam, vào đầu những năm 1990 là một trong những nước lạc hậu nhất trên thế giới, đã trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội mang tính hệ thống, trở thành một "con hổ" mới của Châu Á, một quốc gia có trình độ phát triển trung bình. Về quy mô, nền kinh tế của Việt Nam lọt vào top 40 và vào năm 2035, dự kiến sẽ lọt vào top 20. Tốc độ tăng trưởng cao mang lại sự khởi sắc như vậy đặc biệt đáng chú ý trong 5 năm qua so với các nền kinh tế của các nước ASEAN hàng đầu và Trung Quốc, những nước đang cho thấy sự giảm động lực. Kết quả của những nỗ lực cải thiện mức sống và phúc lợi của đông đảo quần chúng nhân dân, khắc phục tình trạng đói nghèo ở Việt Nam là độc đáo. Trong giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tính theo đơn vị tiền tệ tăng gấp 10 lần, tỷ lệ những người sống dưới mức nghèo khổ giảm xuống còn 3%. Những thành quả này không thể không tăng cường uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

PV: Ông vừa nhấn mạnh vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam trong những thành tựu phát triển kinh tế của đất nước. Vậy trong bối cảnh phức tạp và bất ổn hiện nay trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam càng chứng tỏ được sự đúng đắn trong đường lối, chính sách của mình như thế nào, thưa ông?

GS.TS Vladimir Mazyrin: Thành công của nền kinh tế Việt Nam trở nên đáng chú ý hơn trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, có ý nghĩa quyết định là do chính sách dài hạn, thực dụng của Đảng cộng sản Việt Nam. Nó cho phép phát triển tự do các quan hệ thị trường và các lực lượng dưới sự kiểm soát của nhà nước, qua đó tìm cách củng cố khu vực tư nhân và bảo toàn tài sản công, kết hợp giữa cơ chế quản lý thị trường và các công cụ kinh tế vĩ mô. Rủi ro, nhưng hiệu quả là đường hướng hội nhập quốc tế, làm giảm sự cô lập trước đây. Nhờ đó, dòng vốn đầu tư và thương mại nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam đang tăng nhanh, quy mô lớn, làm chủ được công nghệ hiện đại, được xây dựng thành chuỗi giá trị - nền tảng của trật tự thế giới hiện đại.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy một ví dụ về việc thu hút thêm nguồn vốn để tài trợ cho nền kinh tế, cũng như tạo việc làm, bằng cách tổ chức xuất khẩu lực lượng lao động ra nước ngoài với quy mô lớn. Một kết quả đáng chú ý khác là dòng tiền gửi về các gia đình từ Việt kiều đều đặn nhờ chính sách hòa giải. Ngày nay, thông qua các kênh này, dòng vốn này có khối lượng tương đương với lượng vốn FDI mà Việt Nam thu được trong một năm.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực ngày càng căng thẳng, đặc biệt ở biển Đông, việc duy trì chi tiêu quốc phòng là chính đáng. Chúng giúp hiện đại hóa Lực lượng vũ trang và nền kinh tế nói chung, đồng thời tăng cường tiềm lực và ảnh hưởng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên thế giới. Đồng thời, sự tham gia tích cực của quân đội vào đời sống kinh tế giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách quân đội.

PV: Ông cho rằng hội nhập quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Vậy ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?

GS.TS Vladimir Mazyrin: Hội nhập đã được mở rộng nhiều lần trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết con số kỷ lục là 17. Đảng cộng sản Việt Nam đang thúc đẩy quá trình này bằng mọi cách có thể, nghiên cứu các hệ quả mâu thuẫn của nó và thảo luận các cách để tối ưu hóa chúng.

Cho đến nay, kết quả tích cực của hội nhập lớn hơn nhiều lần so với chi phí của nó – chi phí thực tế và dự kiến. Việt Nam, đi sau các cường quốc hàng đầu, dựa vào sự hỗ trợ của các trung tâm tài chính tiền tệ thế giới, thu được lợi ích tối đa cho mình trước tình hình căng thẳng hiện nay. Điều này được thấy rõ trong ví dụ về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, việc chuyển sản xuất từ những nước có chi phí cao hơn sang những nước có chi phí thấp hơn, và cơ sở hạ tầng tiên tiến đã được tạo ra.

Cơ chế quyết định để đạt được thành công là chính sách cân bằng lợi ích xung đột của các siêu cường, và trụ cột chính của hội nhập là ASEAN. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng kinh tế, với tư cách là thị trường chung trong tương lai của các nước Đông Nam Á, không chỉ tạo ra sự đảm bảo cho sự tăng trưởng về quy mô sản xuất và tiêu dùng mà còn là hậu phương tin cậy cho Việt Nam. Bước tiếp theo đầy hứa hẹn trên con đường này là việc hình thành Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực Châu Á-Thái bình dương.

PV: Theo ông, những nhiệm vụ nào đang được đặt ra đối với Đảng Cộng sản Việt Nam sau Đại hội XIII để đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới?

GS.TS Vladimir Mazyrin: Điều kiện chính cho việc này là sự tiếp tục chính sách kinh tế của Đảng sau Đại hội XIII, bất chấp sự thay đổi của các thế hệ lãnh đạo và một số cá nhân. Nhiệm vụ là tiếp tục tiến bộ thông qua các biện pháp cân bằng, không có chủ nghĩa cấp tiến không cần thiết. Tôi nghĩ rằng, các cơ quan đã được đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ hành động theo cách này. Đồng thời, mong muốn rằng, Đảng cộng sản Việt Nam sáng tạo và tích cực hơn nữa trong việc hiện đại hóa nền kinh tế. Nếu không chuyển sang mô hình phát triển đổi mới trong 5-10 năm tới, không trở thành nền kinh tế tri thức, thì sẽ không tránh được bẫy của mức thu nhập trung bình và không bù đắp được sự suy giảm tự nhiên của tăng trưởng kinh tế, tức là sự suy giảm vai trò của các yếu tố phát triển theo chiều rộng. Theo chúng tôi, điều kiện then chốt để phát triển bền vững tập trung vào lợi ích quốc gia là giảm triệt để sự phụ thuộc vào vốn nước ngoài, ngăn chặn độc quyền toàn bộ các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế của các tập đoàn xuyên quốc gia và sự kiểm soát của các đối tác phương Tây.

Điều quan trọng nữa là phải đưa ra đầy đủ các nhiệm vụ cho tương lai trong các quyết định của Đại hội. Chẳng hạn, việc tăng thu nhập bình quân đầu người từ 2.800 USD lên 5.000 USD/năm vào năm 2025. Khi lập kế hoạch đến năm 2045, cần chú ý tới viễn cảnh khí hậu ấm lên và mực nước biển thế giới dâng cao, có nguy cơ gây ngập lụt các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam trên các đồng bằng sông lớn.

Hậu quả của đại dịch Covid-19 cũng cần được đánh giá nghiêm túc hơn: việc Việt Nam vượt qua thành công những đợt sóng đầu tiên không có nghĩa là những hậu quả tiêu cực trong tương lai đối với nền kinh tế được nhận thức rõ.

Nhìn chung, Đảng Cộng sản Việt Nam mong muốn tập trung nhiều hơn vào giải quyết các vấn đề quốc gia và giải phóng tích cực hơn tiềm năng bên trong của nền kinh tế, vốn rất cao, đặc biệt là nguồn vốn con người.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Anh Tú/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chuyen-gia-nga-viet-nam-can-huong-toi-nen-kinh-te-tri-thuc-832286.vov