Chuyên gia kinh tế: Muốn 'cởi nút thắt về giá' chỉ có thể tìm cách giảm thuế phí xăng dầu
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, muốn 'cởi nút thắt về giá' hiện nay chỉ có thể tìm cách giảm thuế phí xăng dầu, soát xét lại chi phí, lợi nhuận định mức trong chuỗi kinh doanh xăng dầu hiện nay.
Cùng với đó, cần thực hiện tốt các biện pháp về điều hành giá như trong các Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022.
Xăng dầu đã tăng giá 13 lần, giảm giá 3 lần
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã phát đi Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22/6/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp ngày 13/6/2022 về điều hành giá một số nhóm mặt hàng, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu.
Giá xăng dầu liên tục tăng kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu.
Cùng với đó, Bộ Công thương cần theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ ngành, địa phương phải tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cần sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho Quý III và cuối năm 2022.
Có thể nói, giá cả mặt hàng xăng dầu thời gian qua đã liên tục "leo thang", đây chính là vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm. Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 16 kỳ điều chỉnh với 13 lần tăng giá, 3 lần giảm.
Gần nhất vào ngày 21/6/2022, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá bán lẻ xăng E5 RON 92 thêm 190 đồng, lên mức là 31.300 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 500 đồng, lên mức 32.870 đồng/lít.
Đối với giá dầu (dầu hỏa, dầu diesel) ở kỳ điều hành cũng tiếp tục tăng. Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng một lít, lên mức 30.010 đồng. Dầu hỏa là 28.780 đồng một lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazút là 20.730 đồng một kg, tăng 380 đồng. Đây là đợt tăng giá xăng dầu lần thứ 7 từ 21/4 đến nay; Tổng cộng, xăng RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng/lít; còn xăng E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng/lít.
Doanh nghiệp vận tải chịu tác động mạnh từ việc giá xăng dầu "leo thang" thời gian qua. Cần sớm đề xuất các giải pháp giảm thuế, ghìm giá xăng dầu
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, trên thực tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá lớn vào thị trường xăng dầu, thành phẩm của thế giới, sản xuất trong nước cũng chỉ đảm nhiệm được 70%. Như vậy việc tăng giảm giá theo giá thế giới là một điều tất yếu. “Song điều quan trọng là chúng ta xem xét thực hiện việc tăng giá như thế nào trong điều kiện thực tế từng thời kì và phù hợp với khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống tiêu dùng của nhân dân Việt Nam”, ông Phú nói.
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, việc giá xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tăng giá làm cho giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa tăng lên, sự phát triển của doanh nghiệp và đời sống của người dân đang gặp những khó khăn cần phải có những giải pháp tức thời và mạnh mẽ hơn.
“Trong đó tác nhân tạo nên những khó khăn nhất đó chính là giá xăng dầu, vậy nếu muốn cởi nút thắt về giá hiện nay chỉ có thể tìm cách giảm thuế phí xăng dầu, soát xét lại chi phí, lợi nhuận định mức trong chuỗi kinh doanh xăng dầu hiện nay, cộng thêm với các biên pháp khác như các nghị quyết của Chính phủ đã ban hành trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022.
Dư luận đòi hỏi các bộ ngành liên quan như Công thương - Tài chính sớm nhận ra những khó khăn nêu trên và sớm đưa ra các giải pháp để đề xuất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội quyết định sớm, bởi bây giờ đã là những thời điểm giữa năm 2022 rồi”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Kiểm soát chặt chẽ việc nâng giá bất hợp lý kể cả những mặt hàng không thuộc Nhà nước định giá
Về dự báo tình hình giá cả 6 tháng cuối năm 2022, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, theo dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế và kết hợp với tình hình ở trong nước cho thấy 6 tháng cuối năm là giai đoạn còn tiếp tục nhiều khó khăn bởi kinh tế thế giới tuy có hồi phục nhưng không đồng đều và cũng chưa đạt được mức phát triển trước đại dịch.
Trong khi đó, xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn còn tiếp diễn; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa khôi phục hoàn toàn. Tình hình lạm phát ở các nước hầu hết ở mức cao, giá lương thực, nguyên nhiên vật liệu đã tăng ở 1 mặt bằng mới, cộng thêm với những khó khăn do chính sách ngừng xuất và tạm ngừng xuất dầu ăn, lúa mì, phân bón, thức ăn gia súc, … càng làm cho giá cả hàng hóa thế giới bị đẩy lên cao, trước hết là từ nay tới cuối năm.
“Điều mà Việt Nam đáng quan tâm là những mặt hàng trên nước ta vẫn phải nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, nguy cơ phải chịu đựng tác động của nhập khẩu lạm phát vẫn đang hiện hữu”, ông Phú nêu rõ.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.
Ở trong nước, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, nếu không có những giải pháp quyết liệt để kiềm chế việc tăng giá của xăng dầu, đưa giá mặt hàng này về một mức tương đối hợp lý, đồng thời ổn định được giá cả những mặt hàng thiết yếu cho đời sống tiêu dùng, CPI những tháng cuối năm sẽ có tốc độ tăng mạnh hơn những tháng đầu năm, thì việc thực hiện chỉ tiêu 4% là rất khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đề xuất một số giải pháp cơ bản, cụ thể là: Chính phủ và các Bộ ngành cần tiếp tục đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện kết nối lại các chuỗi cung ứng trong nội địa cũng như mối quan hệ xuất nhập khẩu với các nước khác. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất bền vững, cung ứng trước hết cho thị trường nội địa và hàng hóa xuất khẩu.
Thực hiện tốt chính sách tài khóa và tiền tệ. Đảm bảo thu ngân sách đầy đủ, cần dung dưỡng nguồn thu, khuyến khích doanh nghiệp nói thật, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Chi ngân sách tiết kiệm hiệu quả, chống lãng phí.
Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm chi phí về hành chính, tiền bạc, thời gian cho doanh nghiệp. Thực hiện chính sách tín dụng tích cực, thu hút vốn nhàn rỗi, sử dụng hiệu quả vốn vay ngân hàng.
Quản lý chặt chẽ thị trường chứng khoán, trái phiếu bất động sản đi đôi với đó khôi phục sức cầu nội địa. Tổ chức kiểm soát thị trường giá cả chống đầu cơ buôn lậu nâng giá bất hợp lý kể cả những mặt hàng mà trước đây không thuộc Nhà nước định giá như chỉ đạo của Chính phủ mấy ngày gần đây, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh của các gia đình Việt Nam.
Ngoài việc giảm chi phí đầu vào cho hàng hóa vật tư, nguyên nhiên vật liệu cần tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, giảm trung gian bất hợp lý và những biểu hiện dựa vào thế mạnh của doanh số và thương hiệu để ép chiết khấu các nhà cung ứng của một số đơn vị bán lẻ thao túng thị trường làm thiệt hại cho người sản xuất và cả người tiêu dùng xã hội.
Làm tốt hơn nữa công tác thống kê sát với tình hình thực tế để làm cơ sở chỉ đạo kịp thời góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
“Nếu làm được tốt những yêu cầu trên, khả năng lạm phát năm nay chỉ ở mức 4% như chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 làm tiền đề phát triển nhanh và vững chắc cho những năm tiếp theo”, ông Phú nhấn mạnh.