Chuyên gia công nghệ Việt ở Thụy Sỹ tìm cách 'nối dài' dự án hướng về quê hương
Tiến sĩ công nghệ Lưu Vĩnh Toàn cho rằng chỉ xây dựng một hệ thống tìm kiếm, kết nối cho người Việt chưa đủ, cần sự hỗ trợ đồng hành chung tay của các kiều bào.
Trước khi trở thành chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, TS Lưu Vĩnh Toàn - Chuyên gia cao cấp về tìm kiếm và bóc tách thông tin tại Move Digital AG, kiêm Chủ tịch Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sỹ đã được tiếp xúc với Công nghệ thông tin từ khi còn ngồi trên ghế trường THPT.
Có mặt tại Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024", TS Lưu Vĩnh Toàn đã thể hiện quan điểm cá nhân về nhiều khía cạnh trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Dù đã nghiên cứu và phát triển các ứng dụng liên quan AI hơn 20 năm, nhưng anh Toàn vẫn phải thừa nhận lĩnh vực này đang bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
VietSearch - dấu ấn người Việt
Năm 2019, TS Lưu Vĩnh Toàn đã có cơ hội gặp gỡ TS Nguyễn Đình Quý - Giám đốc công nghệ của tập đoàn điện tử Mitsubishi tại Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng" lần thứ nhất. Lúc đó, anh Quý đã có phiên bản VietSearch đầu tiên nhưng còn khá thô sơ và gặp một số vấn đề về chất lượng, công nghệ.
Trùng hợp, TS Lưu Vĩnh Toàn rất mong muốn được áp dụng kinh nghiệm của mình để xây dựng một cơ sở dữ liệu tài nguyên Việt toàn cầu. Từ đó, hai người đã quyết định phối hợp cùng Gs Nguyễn Đình Phú (Mỹ), Ths Hà Duyên Hóa (Thụy Sỹ), Ts Phạm Xuân Lâm (Việt Nam) phát triển dự án VietSearch.
Mục đích chính của VietSearch là hỗ trợ tìm kiếm, phát triển cộng đồng Việt toàn cầu thông qua công nghệ xử lý dữ liệu, vì đang có hàng triệu người Việt sinh sống và làm việc tại các quốc gia phát triển. Đây cũng chính là nguồn lực quý giá hỗ trợ phát triển đất nước ở giai đoạn này.
Thời gian qua, VietSearch đã hỗ trợ tốt các đối tác trong việc tìm kiếm chuyên gia người Việt, gốc Việt thuộc một số lĩnh vực như vaccine COVID-19, AI, chất bán dẫn, xe điện, năng lượng xanh, kinh tế số, blockchain. Cũng ngay tại Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024", VietSearch đã gợi ý cho Ban tổ chức một số thông tin người Việt có giá trị, uy tín trong cộng đồng khoa học, công nghệ có thể làm khách mời.
"VietSearch đã có hơn 5 xuất bản khoa học trình bày tại các hội thảo trong nước và quốc tế, hàng chục sinh viên, nghiên cứu sinh đã được đào tạo và thực tập thông qua ứng dụng này, đóng góp vào nguồn nhân lực công nghệ AI và xử lý dữ liệu cho Việt Nam", anh Toàn cho biết thêm.
Bên cạnh cơ sở dữ liệu về con người và dịch vụ Việt toàn cầu, VietSearch còn có các công nghệ thu thập, bóc tách, phân loại và tìm kiếm thông tin. Các công nghệ này được triển khai và tư vấn cho nhiều đối tác có nhu cầu sở hữu hệ thống tương tự. Một số đối tác cũng như công ty công nghệ lữ hành, Bộ truyền thông thông tin đã nhận được tư vấn từ VietSearch.
Để có được những kết quả đó, anh Toàn và các cộng sự đã bắt đầu hành trình từ việc “mò kim đáy bể” và “đãi cát tìm vàng” khi phải bóc tách dữ liệu về người Việt trong hàng tỷ người trên Trái đất. Trong khi đó, mọi người đều có công việc chính khác nên việc dành thời gian xây dựng, duy trì dự án là thách thức vô cùng lớn nhất.
"Khó khăn chính của chúng tôi vẫn là nguồn lực con người, cơ sở hạ tầng cho hệ thống và chi phí thực hiện. Thời điểm bắt đầu, dự án chưa có nguồn tài chính đủ mạnh để hỗ trợ nhân lực làm toàn thời gian. Ngoài ra, hạ tầng tính toán, lưu trữ dữ liệu cũng có lúc thiếu hụt vì bản chất dự án muốn xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn về chuyên gia và dịch vụ người Việt trên toàn cầu", TS Lưu Vĩnh Toàn chia sẻ.
Nền tảng công nghệ của VietSearch đang được nhóm nghiên cứu của anh Toàn chỉnh sửa để phát triển một ứng dụng khác là Vlytics - phân tích tin tức quốc tế về Việt Nam. Vì anh cho rằng VietSearch mới chỉ là công cụ tìm kiếm thông tin. Một cộng đồng muốn phát triển lớn mạnh cần phải có sự kết nối, hành động và cam kết đến đích.
AI không thể thay thế con người
Nhắc đến sự hỗ trợ con người, TS Lưu Vĩnh Toàn cũng không quên nhắc đến AI - xu hướng công nghệ đang nổi lên mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Với kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu và phát triển các ứng dụng liên quan AI, anh Toàn cho rằng có ba nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển này.
"Thứ nhất, sự phát triển của internet, mạng xã hội đã tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ đào tạo các thuật toán học máy. Thứ hai, cơ sở hạ tầng tính toán, vi xử lý và đặc biệt là điện toán đám mây, dữ liệu lớn đang phát triển rất mạnh mẽ. Thứ ba, nhiều công ty, viện nghiên cứu công nghệ đã xây dựng thành công mô hình trí tuệ nhân tạo mới", anh Toàn trình bày.
Tuy nhiên, TS Lưu Vĩnh Toàn cho rằng dù AI phát triển mạnh mẽ và hỗ trợ cuộc sống nhiều khía cạnh thì cũng không thể thay thế hoàn toàn con người. Có những việc lặp đi lặp lại nhiều lần thì dĩ nhiên máy móc sẽ làm nhanh, chính xác hơn con người rất nhiều và AI chỉ thay thế tốt cho con người ở điểm này.
Đồng thời, trí tuệ nhân tạo chỉ có thể hoạt động tốt nếu có dữ liệu đào tạo, hạ tầng công nghệ và mô hình tính toán tốt. Trong trường hợp các lĩnh vực, môi trường không thỏa mãn ba tiêu chí trên thì AI không thể thay thế được con người.
"Lượng dữ liệu đào tạo cho AI là do con người sinh ra, mô hình tính toán cũng do con người nghiên cứu ra dựa trên yêu cầu thực tiễn, cơ sở hạ tầng vẫn cần con người xây dựng nên. Ngoài ra, con người cũng nhạy cảm, linh hoạt và dễ thích ứng hơn. AI làm tốt lĩnh vực này thì con người lại tiếp tục tiên phong, phát huy thế mạnh khám phá lĩnh vực khác", anh Toàn nói.
Xu hướng mới này cũng sẽ mang đến cho doanh nghiệp tại Việt Nam cơ hội tạo ra sự thay đổi, tăng hiệu quả kinh doanh và tiết kiệm chi phí. Các bài toán ứng dụng AI rất đa dạng, doanh nghiệp chỉ cần nắm rõ đặc thù trong lĩnh vực của mình là đã có thể xác định được giới hạn AI có thể “phá vỡ”.
"Gần đây các công ty công nghệ lớn đang sửu dụng dịch vụ AI trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên và hình ảnh, cung cấp các API, mã nguồn mở để tích hợp vào hệ thống IT doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc tìm hiểu, sử dụng để có thể tiết kiệm chi phí. Thay vì mất thời gian tự xây dựng giải pháp AI toàn diện cho riêng mình", anh Toàn nhấn mạnh.
Trong trường hợp doanh nghiệp chưa xác định được rõ ràng bài toán mình muốn giải quyết, chưa có dữ liệu đào tạo, kiểm chứng các mô hình AI và không hiểu rõ nghiệp vụ, quy tắc, công thức trong doanh nghiệp mình để tùy chỉnh hệ thống AI sao cho phù hợp thì đừng lãng phí thời gian rơi vào các cạm bẫy trào lưu AI.
Các doanh nghiệp Việt Nam nếu không thể tùy chỉnh hệ thống AI phù hợp với mục đích đặt ra thì rất dễ rơi vào cạm bẫy trào lưu AI
TS Lưu Vĩnh Toàn
Nối dài dự án hướng về người Việt
Dù đã đạt được nhiều thành tự trong thời gian qua, nhưng TS Lưu Vĩnh Toàn vẫn nghĩ rằng việc xây dựng một hệ thống tìm kiếm, kết nối cho người Việt chưa thể đủ. Các kết nối chỉ có giá trị khi có hành động và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng.
Từ đó, nhóm nghiên của anh Toàn và Hiệp hội Các nhà Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã phối hợp cùng nhau nghiên cứu và phát triển nền tảng V-Space (https://vspace.global/). V-Space sẽ kết nối các nhà sáng tạo, các dự án, nhà tài trợ vào các chương trình hỗ trợ phát triển cho Việt Nam.
"Khi chúng ta phát triển một dự án, bất kì ai cũng sẽ đặt ra các câu hỏi: Dự án nào đang làm việc này, ai tài trợ cho việc này, ai là chuyên gia, cộng tác viên cho lĩnh vực này?. Trong trường hợp, có một nền tảng có thể hỗ trợ giải đáp những vấn đề trên như V-Space, thì tôi tin dự án chắc chắn sẽ rất hiệu quả và thành công", TS Lưu Vĩnh Toàn cho biết.
Tương tự còn rất nhiều chiến dịch, chương trình đổi mới sáng tạo cần thiết cho Việt Nam như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, năng lượng xanh, fintech, healthtech... đều có thể triển khai trên nền tảng như V-Space.
Để có thể hực hiện những dự án, ý tưởng lớn chúng ta luôn cần đến nguồn lực từ cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Thế hệ trẻ hiện nay chính là một trong những tấm gương sáng giá để đưa lĩnh vực công nghệ thông tin nước ta phát triển mạnh trên toàn cầu.
Do đó, tại Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024", anh Toàn đã dành thêm thời gian để gửi lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ: "Tôi nghĩ quan trọng của người làm Công nghệ thông tin là sự đam mê Giải quyết vấn đề (Problem Solving). Tôi vẫn nhớ hồi xưa dù gia đình không có điều kiện mua tính, nhưng tôi vẫn cố gắng dùng nhờ máy tính của Đại học Bách khoa Hà nội để tập lập trình, làm những trò game hay các bài toán tối ưu, quản lý dữ liệu".
Do đó, các bạn trẻ cần hình thành cho mình đam mê giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, cộng đồng. Nếu không có tố chất này thì rất khó có động lực học hỏi tìm tòi các công nghệ mới.
Ông Lưu Vĩnh Toàn nhận bằng tiến sĩ trong lĩnh vực Hệ thống tìm kiếm thông tin phân tán tại Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ tại Lausanne (EPFL) năm 2007.
Ông có hơn 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển các công nghệ Tìm kiếm và Bóc tách thông tin tại một số công ty và startup ở Thụy Sỹ, nơi ông giữ vị trí lãnh đạo nghiên cứu đổi mới. Ông cũng đã tham dự và trình bày tại một số Hội nghị quốc tế về Dữ liệu lớn từ năm 2006 dến 2015.
Trước khi đến Thụy Sỹ, ông đã đạt một số giải thưởng trong kỳ thi Olympic Tin học quốc gia và được chọn làm đại biểu Việt Nam tham dự Liên hoan Thanh niên và Sinh viên quốc tế.
Ông đã tham gia một số dự án của AVSE Global với vai trò giám đốc Dữ liệu và Nền tảng số, giám đốc công nghệ như V-Space, V-Experts, dự án cộng đồng VietSearch, mentor của nhiều dự án startup tại Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội trí thức Chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sỹ.
Tiến sĩ Toàn có nhiều ý kiến đóng góp cho Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu phi cấu trúc, chuyển đổi số trên các tạp chí của Bộ Khoa học và Công nghệ và tư vấn cho các dự án của Bộ Truyền thông Thông tin.