Chuyển đổi tư duy từ 'xử lý sự cố' sang 'tư duy kịch bản'

Nắm thế chủ động giữa cơn sóng lớn. Trong môi trường kinh doanh hiện nay, biến động gần như đã trở thành điều bình thường mới. Giá nguyên liệu biến động, khách hàng thay đổi hành vi, công nghệ mới xuất hiện bất ngờ, rủi ro địa chính trị hay dịch bệnh có thể làm đảo lộn kế hoạch.

Nhiều doanh nghiệp chỉ biết “chạy theo” để chữa cháy khi khủng hoảng ập đến, tiêu tốn nguồn lực và mất vị thế. Nhưng điều làm nên bản lĩnh lãnh đạo không nằm ở khả năng phản ứng nhanh nhất, mà ở năng lực đón đầu, chuẩn bị kịch bản, nhìn xa và dẫn dắt đội ngũ chủ động trong mọi hoàn cảnh.

Chuyển đổi tư duy từ “xử lý sự cố” sang “tư duy kịch bản”

Nhiều chủ doanh nghiệp thường chỉ tập trung vào các vấn đề trước mắt: làm sao giảm chi phí khi doanh thu giảm, xoay tiền trả lương, tìm khách hàng thay thế khi mất hợp đồng lớn. Đó là những phản ứng cần thiết, nhưng không đủ. Lãnh đạo cần học cách đặt câu hỏi chiến lược: “Nếu thị trường thay đổi hoàn toàn trong 6 tháng tới thì sao?”, “Chúng ta chịu được cú sốc gì? Không chịu được gì?”, “Giải pháp dự phòng là gì?”. Xây dựng các kịch bản không phải để lo sợ, mà để sẵn sàng. Khi đội ngũ hiểu được khả năng xảy ra của các biến động và kế hoạch ứng phó, doanh nghiệp sẽ bớt hoảng loạn và ra quyết định nhanh, chính xác khi cần.

Bí quyết để đón đầu biến động là xây dựng một đội ngũ linh hoạt, chủ động và được trao quyền.

Bí quyết để đón đầu biến động là xây dựng một đội ngũ linh hoạt, chủ động và được trao quyền.

Trao quyền và xây đội ngũ sẵn sàng thay đổi

Không có lãnh đạo nào đủ sức “gồng” hết mọi khủng hoảng. Bí quyết để đón đầu biến động là xây dựng một đội ngũ linh hoạt, chủ động và được trao quyền. Nhiều doanh nghiệp thất bại không phải vì thiếu kế hoạch, mà vì nhân viên sợ thay đổi, sợ trách nhiệm, chờ chỉ đạo từ trên xuống. Để tránh điều này, lãnh đạo cần tập trung huấn luyện nhân sự hiểu rõ tầm nhìn, chia sẻ thông tin minh bạch và cho phép họ tham gia vào các giải pháp. Một đội ngũ được tin cậy và rèn luyện sẽ luôn tìm ra cách thích ứng, thậm chí nhìn thấy rủi ro trước cả lãnh đạo.

Theo dõi tín hiệu sớm và chủ động ra quyết định

Doanh nghiệp cần phát triển khả năng “đọc tín hiệu sớm” của thị trường. Thay vì chờ doanh số sụt giảm mới hành động, hãy theo dõi thường xuyên chỉ số bán hàng, phản hồi khách hàng, động thái của đối thủ, xu hướng công nghệ. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, doanh nghiệp cần có quy trình thảo luận, đánh giá và ra quyết định sớm. Quyết định sớm đôi khi không hoàn hảo, nhưng sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại và giữ được thế chủ động. Ở môi trường nhiều biến động, chậm trễ đồng nghĩa với mất cơ hội.

Lãnh đạo bản lĩnh không chạy theo biến động mà dẫn dắt nó. Trong thế giới không ngừng thay đổi, “phản ứng nhanh” vẫn chỉ là chiến lược phòng thủ. Muốn thực sự phát triển, doanh nghiệp cần chuẩn bị trước, huấn luyện đội ngũ và thiết lập quy trình ra quyết định kịp thời, linh hoạt. Đón đầu biến động không có nghĩa là tiên đoán hoàn hảo tương lai mà là chuẩn bị để không bị bất ngờ, biến rủi ro thành lợi thế. Là một nhà lãnh đạo, bạn cần dám đặt câu hỏi khó, dám đầu tư vào năng lực thích ứng và truyền cảm hứng để cả tổ chức cùng sẵn sàng thay đổi. Khi làm được điều đó, bạn không chỉ tồn tại mà sẽ dẫn đầu trong chính cơn sóng lớn.

ThS. Trần Gia Thông

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chuyen-doi-tu-duy-tu-xu-ly-su-co-sang-tu-duy-kich-ban-167601.html