Chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác chợ Nghệ An: Chậm, do đâu?

Trước tình trạng chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn Nghệ An còn chậm, gặp nhiều khó khăn và đạt tỷ lệ thấp, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan đôn đốc khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn.

Chợ cá Cửa Lò

Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, tính đến tháng 7/2019, trên địa bàn tỉnh có 405 chợ đang hoạt động; trong đó, 7 chợ hạng 1; 18 chợ hạng 2; 244 chợ hạng 3 và 136 chợ tạm. Từ năm 2011 - 2015, số chợ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo từ nguồn ngân sách nhà nước là 42 với tổng vốn hỗ trợ 39,850 tỷ đồng; từ năm 2015 đến nay, 8 chợ được hỗ trợ với tổng vốn 6,850 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lifsap Nghệ An đã thực hiện nâng cấp và bàn giao đưa vào sử dụng xong 41 khu bán thực phẩm tươi sống tại 41 chợ trên địa bàn tỉnh với kinh phí 86,8 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Nghệ An) - cho biết, thời gian qua, các sở, ngành đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về chợ; một số quận, huyện đã tập trung triển khai có hiệu quả với tỷ lệ hoàn thành đạt mức cao trên nhiều mặt. Tuy nhiên, chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ nhìn chung còn chậm. Một số địa phương chậm chuyển biến về xây dựng, phê duyệt giá dịch vụ chợ, xác nhận kiến thức, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, phân hạng chợ…

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do chính quyền một số quận, huyện, thị xã chưa quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt; chưa bố trí cán bộ, đầu tư kinh phí, nguồn lực thích đáng cho công tác quản lý, phát triển chợ. Cùng với đó, việc cải tạo nâng cấp, đầu tư xây dựng chợ mới gặp nhiều khó khăn do hiệu quả kinh doanh khai thác chưa cao; khó khăn trong kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa; cơ chế sử dụng ngân sách để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ còn vướng mắc.

Hệ thống chợ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương. Các chợ đã tạo hàng nghìn việc làm; tổng lưu chuyển hàng hóa chỉ chiếm khoảng 60% phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chợ, góp phần chấm dứt việc hình thành chợ tạm, chợ cóc gây ảnh hưởng đến chợ truyền thống và hệ thống siêu thị tiêu thụ thực phẩm an toàn có ý nghĩa quan trọng. Xác định điều này, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 72/2016/QĐ-UBND "Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Từ khi quyết định có hiệu lực, đến nay, 15 huyện, thành phố, thị xã thành lập Ban Chuyển đổi chợ cấp huyện; 4 huyện, thị xã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ và 9 huyện/thị xã đang thẩm định kế hoạch. Trên địa bàn Nghệ An, đã có 22 chợ chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh khai thác, trong đó, 16 chợ chuyển đổi trước khi tỉnh ban hành Quyết định số 72/2016/QĐ-UBND. Cùng đó, đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và hướng dẫn hộ kinh doanh trong chợ ký cam kết theo quy định.

Bà Võ Thị An - Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An:
Quá trình chuyển đổi mô hình chợ cần kêu gọi xã hội hóa để đầu tư xây dựng, nhưng việc cải tạo chợ thường quy mô nhỏ, lợi nhuận không cao, quản lý phức tạp. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, tiểu thương thường không đồng thuận ý kiến khiến doanh nghiệp thiếu mặn mà khi tham gia đầu tư xây dựng mới hệ thống chợ.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-mo-hinh-quan-ly-khai-thac-cho-nghe-an-cham-do-dau-125485.html