Chuyển đổi đất rừng để xây cầu nối Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu

Sẽ chuyển đổi gần 3 ha rừng phòng hộ thuộc xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để xây cầu Phước An với tổng mức đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng, kết nối hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu...

Phối cảng cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải. Ảnh: Chủ đầu tư.

Tại kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X vào ngày 15/4 vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thông qua nghị quyết quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch sang mục đích xây cầu Phước An, nối huyện Nhơn Trạch của Đồng Nai với thị xã Phú Mỹ của Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đất chuyển đổi của dự án là 2,95 ha rừng trồng phòng hộ thuộc một phần của 17 lô, 1 khoảnh, 1 tiểu khu do Ban quản lý Rừng phòng hộ Long Thành (Đồng Nai) quản lý. Mục đích chuyển đổi nhằm triển khai dự án xây dựng cầu Phước An. Dự án cầu và đường dẫn có tổng chiều dài 4,4 km, có tổng mức đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng từ giữa năm 2023.

Cầu Phước An là dự án cầu đường bộ quan trọng trong kết nối giao thông của vùng Đông Nam Bộ, giúp hàng hóa từ cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thể lưu thông dọc đường liên cảng, qua cầu để lên cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Khi cầu hoàn thành, một phần hàng hóa được vận chuyển từ cảng hay đến cảng sẽ không phải đi qua quốc lộ 51 như hiện nay.

Dự án cầu Phước An được khởi công vào tháng 6/2023, do Ban quản lý Dự án giao thông Cái Mép - Thị Vải trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 4.900 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương 2.000 tỷ đồng. Sau gần một năm khởi công, đến nay phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đường dẫn lên cầu, những khối bê tông của mố, trụ cầu đã hình thành; trên lòng sông Thị Vải, hai trụ tháp của nhịp chính cầu đã nổi trên mặt nước. Trong khi đó, phía bờ Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng nên gặp khó khăn trong công tác thi công.

Về kết cấu kỹ thuật, cầu Phước An là cầu dầm - cáp hỗn hợp (extradosed) với hai tháp trụ của nhịp chính, khoảng cách giữa hai trụ nhịp chính là 250 m. Công trình dài 4,4 km; trong đó phần cầu chính dài 3,5 km, phần đường dẫn dài 250 m. Cầu có chiều cao thông thuyền 55 m, chiều rộng mặt cầu dẫn 23,5 m, chiều rộng mặt cầu chính 27 m, bảo đảm cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng là 5 năm kể từ ngày khởi công.

Công trình cầu Phước An gồm 5 gói thầu xây lắp chính, nhưng đến nay chỉ có hai gói thầu số 38 và 39 thuộc phía bờ Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thi công và đạt tiến độ theo kế hoạch. Ba gói thầu còn lại ở phía Đồng Nai do thiếu mặt bằng nên vẫn chưa triển khai. Dự kiến đến cuối tháng 6/2024 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng phía bờ Nhơn Trạch để khởi công các gói thầu còn lại. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã đề nghị tỉnh Đồng Nai tăng tốc giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ thi công toàn dự án.

Xuân Nghi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chuyen-doi-dat-rung-de-xay-cau-noi-dong-nai-va-ba-ria-vung-tau.htm