Chuyện của Dịu

Chiều nay, vợ chồng cái Hiền đưa con qua nhà chơi với ông bà ngoại. Nhân tiện vừa được lĩnh lương, Dịu bảo các con ở lại ăn cơm. Vừa dứt lời đã thấy trên gác lửng có tiếng xoảng một cái, Dịu ngó lên thấy chồng mặt cau có đang lầu bầu: Mẹ kiếp, đã nghèo rớt mồng tơi còn sĩ diện. Nhà nó thiếu đ… gì mà phải mời?

Minh họa: Bing

Minh họa: Bing

Máu trong người hừng hực, chị phi thẳng lên trên gác; mắt long lên: Đồ thần kinh! Con gái con rể và cháu ngoại ông đấy! Nửa tháng nó mới sang một lần, nó thèm cơm nhà ông hử? Đ… biết, mời chúng nó ở lại thì bỏ tiền ra mà mua thức ăn; ông trên răng dưới dép, chả có đâu!

Nghe chồng nói, Dịu càng uất: ông thử nghĩ lại xem, hàng tháng ông mang về nhà bao nhiêu tiền? Có nuôi được đứa nào? Tôi nói cho mà biết, tiền lương chưa đủ đút lỗ miệng ông đâu nhé! Tuyến ngạc nhiên: Ơ, phản rồi. Mụ vợ hiền dịu như cái tên hôm nay giở chứng ư? Dám bật lại mình cơ đấy! Hắn rít lên: A, con này láo nhỉ? Bố mà điên lên, bố lôi ra ném xuống sông Trà Lý bây giờ! Dịu cũng chả vừa: Giỏi thì làm đi! Tôi cũng đang muốn chết đây! Mắt hắn long lên: Được, cứ đợi đấy! Đã mời chúng nó thì tự lo đi, tao đếch cần biết. Nói xong, hắn nhảy phắt lên giường, ngắm trần nhà; mặc cho Dịu tha hồ ấm ức…

Thằng con rể xung phong đi chợ. Dịu đưa tiền cho con, rồi nựng đứa cháu ngoại mới đầy năm. Tuyến lừ lừ đi xuống rồi bĩu môi: Gớm! Cứ tưởng bở là con rể giàu, mời ở lại ăn cơm thì đưa tiền đi chợ nó không lấy! Dịu bậm môi, không thèm chấp. Hắn càng tức! Hóa ra nó coi lời của mình như c… ấy! Hắn ngồi vào bàn, rót nước vào cốc thành tiếng: tồ, tồ, tồ. Cu Tít thấy thế mím môi cười, cái Hiền cùng cái Thục thì nhăn mặt. Chả ai nói gì về hành động ấy của hắn, bởi kiểu “Chí phèo” này là chuyện cơm bữa trong nhà.

Rồi chàng rể cũng đi chợ về, Dịu cùng hai cô con gái vào bếp và trổ tài nấu nướng món ưa thích. Chả thịt nướng, đậu nhồi, bò bít tết, nem rán, canh cáy; cứ như là bữa cỗ vậy. Thằng Tít mới lớp 6 cũng phải lễ mễ bê thùng bia 333 từ ngoài xe của anh nó vào nhà. Thấy thế, Tuyến lầu bầu: mẹ kiếp, đãi con rể như cán bộ tỉnh về ấy! Cả 5 người im lặng, không ai nói gì mà chỉ chăm chú vào việc đặt các món ăn lên chiếc chiếu đã trải sẵn. Rồi tất cả cùng ngồi xuống để thưởng thức bữa cơm chiều. Tuyến cứ ngồi gác chân lên bộ salon, mặc cho mọi người tề tựu. Chồng cái Hiền thấy vậy vội xoa tay: Con mời bố xuống ăn cơm ạ! Nhà của tao, chẳng khiến mày mời! Chàng rể chưng hửng. Cả ba chị em Hiền, Thục, Tít đồng thanh lên tiếng: mời bố xuống ăn cơm! Tuyến cứ vểnh cái ria con kiến bé tí lên mà không thèm nói. Cực chẳng đã, Dịu mới bảo: ông còn định ngồi thi gan à? Hắn nặng nhọc nhấc chân khỏi mặt bàn rồi lê cái thân hình như con gấu đen ra khỏi ghế và lủng bủng: ăn thì ăn! Cứ như ăn để mà còn chết ấy.

Hắn ngồi xuống chiếu, mắt đảo khắp mâm cơm: ngon đấy nhỉ! Dễ đến hơn triệu bạc. Rồi thủng thẳng: miệng ăn núi lở. Ngày nào cũng thế này thì bán nhà rồi xuống chân cầu Tịnh Xuyên mà ở… Dịu e hèm: cả nhà ăn cơm đi, cu Tít bỏ đá rót bia vào cốc cho bố! Hai đứa con gái nhanh nhảu mời bố mẹ ăn cơm, chàng rể thì lí nhí trong miệng. Tuyến nhấc cốc bia, cạn sạch. Rồi làm miếng bít tết to đùng và nhồm nhoàm nhai. Mỗi lon rót ra cốc, hắn chỉ tợp một hơi là hết. Tất cả chăm chú vào bữa, còn Dịu một tay bế cháu, tay kia xúc cơm nhón nhén ăn. Uống được tầm 4, 5 lon bia, Tuyến quay sang chỗ cu Tít: vừa nãy thằng này câm hả? Ngồi xuống là sục đầu vào bát, chẳng thèm mời ai! Con có mời bố mà, lúc con rót bia cho bố ấy! Đấy là mày mời bia tao, chứ có mời ăn cơm đâu? Nghe vậy cả 4 đứa con đều trợn mắt, há hốc mồm nhìn bố. Dịu quay sang: uống ít thôi. Có tí bia rượu lại lè nhè. Để chúng nó còn ăn. Hắn im, rồi múc muôicanh vào bát và sì sụp húp. Sau vài lon bia, hắn quay sang cái Thục: còn mày nữa, cho ăn học đầy đủ đến lớp 12 rồi vậy mà dốt như bò! Ơ, con được xếp học lực giỏi đấy ạ. Trung bình môn cả năm cũng trên 9,0 mà bố! Nhưng dốt văn. Nhà ngoại chúng mày vẫn tự hào ai cũng có năng khiếu văn mà tổng kết chưa được 8,0. Cái Thục rơm rớm nước mắt, hết nhìn bố rồi quay sang mẹ. Dịu hầm hừ: ông vừa vừa thôi. Không gây chuyện là ăn không ngon à? Con học như vậy, còn chê. Ngày xưa chắc ông giỏi lắm nhỉ? Giỏi sao không làm ông nọ ông kia đi mà chỉ làm cái anh thợ uốn sắt xây dựng? Nói người phải nghĩ đến ta. Ông soi chân ông xem, có sạch không! Tuyến trợn mắt lên: Hóa ra mấy mẹ con mày vào hùa với nhau chống lại tao hả? Chả ai vào hùa cả. Chửi đúng, người ta mới phục. Hắn căm tức nhìn Dịu, rồi quay sang con gái đầu: cả mày nữa, suốt ngày vác con sang hành, rồi ăn chực. Thấy bố quay sang chửi mình, mắt Hiền ầng ậng nước. Nó nói trong tiếng nấc nghẹn: tưởng gần bố gần mẹ thì sướng, nào ngờ… Thằng con rể cúi mặt, không dám ngẩng đầu lên nhìn bố vợ. Nhìn: hắn bảo nhìn đểu. Phân bua, hắn chửi, thậm chí bạt tai luôn, chẳng kể là con rể. Dịu đưa cháu cho con gái rồi đứng phắt lên: ăn bữa cơm nhà ông mà tủi cực. Ông có xứng làm bố, làm ông không? Tao có vậy thôi! Không chịu được thì xéo! Xéo hết! Chúng mày thu dọn đồ đạc mà cút hết đi. Thằng con rể nháy mắt cho vợ, cả hai len lén ra cửa rồi dắt xe chở nhau về. Tuyến chộp vỏ lon bia, ném vù theo: cút mẹ chúng mày về đi. Từ giờ đừng sang nữa, tao cấm cửa!

Dịu lẳng lặng thu dọn mâm cơm, cái Thục nhanh nhẹn đưa bát đũa vào trong bếp. Cu Tít tót về phòng. Hắn cười lên sằng sặc rồi quay về salon, gác chân lên mặt bàn kính. Nhìn chồng, nỗi uất hận nghẹn bứ lên cổ. Biết làm gì đây? Dịu dắt xe máy, rồ ga đi vô định… Ô, ra đến cầu Tịnh Biên rồi. Cô dừng xe sát thành cầu, nhìn xuống dòng sông cuộn chảy mà hét lên: giời ơi! Sao đời con khổ thế này! Hu hu hu… Nhớ tới bữa cơm tối mà lòng như xát muối. Sống như thế này mà gọi là sống sao? Ông trời nỡ đọa đày con đến vậy ư? Dịu gào đến khản cổ, đôi mắt thất thần nhìn về ánh đèn phía xa xăm… Đã bao đêm, Dịu ra cây cầu này mà hét lên với dòng sông như thế, cô cũng không nhớ nữa.

Năm Dịu 18 tuổi, một hôm mẹ cô đi ăn cỗ cưới về, bảo Dịu: Bu chọn cho con mối này, anh ta cũng khỏe mạnh, chăm chỉ. Dịu cười: Con mới 18 tuổi vậy mà bu đã bắt đi lấy chồng à? Mẹ bảo: Con gái tuổi 18 đôi mươi thì lấy chồng là phải. bu ngày xưa lấy bố mày cũng mới có 16 thôi đấy. Định ở nhà ăn bám bu mãi à? Với lại nhà ấy cũng là chỗ quen biết, con ạ. Nhưng từ lúc mối lái đến khi thành vợ chồng cũng gần 1 năm, nhưng chưa bao giờ anh ta tặng cô bông hoa, nói gì đến quà; thậm chí một lời yêu thương. Bỏ học giữa chừng khi mới vào lớp 11, lại vừa thoát khỏi cái tuổi chăn trâu, cắt cỏ; nào biết đâu là tình yêu, tình báo gì? Tuyến là út, nên khi cưới nhau; cả hai đứa ở chung với bố mẹ chồng. Từ khi về làm dâu, mọi việc đến tay Dịu. Việc đồng áng đến việc gia đình, cô phải cáng đáng. Tuyến đi làm thợ sắt cho các công trình, thi thoảng quẳng cho vợ ít tiền rồi dặn đi dặn lại phải tiết kiệm. Tiết kiệm gì chứ? Cả năm ở cái xóm nghèo, có tiền cũng chẳng biết mua gì; đồ ăn quẩn quanh chỉ rau, trứng nếu sang hơn thì mấy lạng thịt lợn. Quần áo mặc, các anh chị bên nhà sắm cho mấy bộ lúc đi lấy chồng, cứ thế mà thay đổi. Đến lúc có thai xin vài chiếc quần phíp của chị dâu nới chun ra. Bụng chửa vượt mặt vẫn gánh lúa, gánh phân. Ngày đau đẻ, ôm vội túi quần áo chào bố chồng rồi ra trạm xá…

Đẻ được hơn ngày, mẹ đẻ nghe được mới lật đật nhờ người đèo xuống thăm. Bà trách Dịu không gọi. Người chửa cửa mả. Nhưng biết gọi mẹ thế nào? Cùng xã đấy, nhưng cách 3,4 cây số đến cái xe đạp cũng phải đi mượn… Mẹ chồng cũng đến, khi biết con sinh cháu gái thì trề môi: Dào ôi. Vịt giời à? Lớn thì bay đi thôi! Lời của mẹ chồng như con dao đâm vào tim cô. Cô nghĩ thầm: Ơ, thế bà là đàn ông hay sao mà chê cháu gái? Không có phụ nữ thì đàn ông tự đẻ à? Uất quá, cô ôm con, quay lưng vào trong phía tường mà nước mắt lưng tròng. Nhà này xịa người quá! Biết thế, ở vậy còn hơn. Thấy thái độ của con dâu, mẹ chồng hầm hầm bỏ về. Rồi từ đó đến khi Dịu đưa con về, bà chẳng thèm ngó ngàng tới. Cũng may bà không bế, không tới gần cháu. Làm dâu mấy năm, cô chỉ thấy mẹ chồng lấy khăn ướt lau người mà chẳng bao giờ tắm. Nếu mà bế cháu, mùi hôi cũng đủ khiến cho con bé ngạt thở. Tuyến thì đi làm biền biệt, mấy tháng mới về một lần, mẹ con Dịu cứ thế lần hồi nuôi nhau! Đến khi cái Hiền vào học mẫu giáo, Dịu xin đi làm công ty. Nhà xa, Dịu thuê chỗ ở rồi đón con theo. Lúc đó bố mẹ chồng mới nằng nặc giữ con dâu, nhưng cô quyết tâm rời xa cái nhà như địa ngục ấy. Họ coi Dịu như người ở, kẻ làm thuê không công. Mọi ấm ức, Dịu không dám chia sẻ cùng ai trong nhà đẻ, sợ mẹ và các anh chị buồn lo… Trọ được một thời gian, Dịu vay mượn các anh chị mua căn nhà nhỏ, vài năm sau cái Thục ra đời. Bố mẹ chồng chì chiết: Tưởng thế nào, ấy vậy mà đẻ toàn vịt giời. Dịu ấm ức trong lòng: Ơ hay, tại con giai ông bà chứ! Nằm với vợ lúc thì nhanh nhanh, chóng chóng dăm bảy phút như kiểu thằng trộm thì trách nỗi gì? Khi Dịu sinh lần 2 thì Tuyến cũng ít về với vợ con. Mỗi lần về, sặc sụa mùi rượu. Tiền cũng chẳng đưa cho vợ. Một mình cô phải cáng đáng lo toan từ cái ăn cái mặc và chuyện học hành của con. Bao nhiêu đêm, khi tỉnh giấc thấy gối đẫm nước mắt mới biết mình khóc trong mơ. Muốn có một tấm chồng đúng nghĩa mà sao khó thế! Những lúc buồn đau, muốn dựa vào bờ vai vững chắc của chồng để có niềm an ủi, nhưng chồng của Dịu chỉ như là khách trọ, thậm chí chẳng bằng khách trọ nữa kia. Muốn bứt ra khỏi cái địa ngục ấy, mấy lần Dịu đã viết sẵn đơn ly hôn; chỉ đưa cho chồng ký là được giải thoát. Nhưng mỗi lần định giơ lá đơn ra, nghĩ đến những đứa trẻ sẽ thiếu bố, cô lại chần chừ và mong chồng sẽ thay đổi. Đúng là cá chuối đắm đuối vì con…

Khi cái Thục bắt đầu vào lớp 1 thì Dịu có thai. Lần này, cô sinh thằng Tít. Bố mẹ chồng cũng chỉ ậm ừ: May mà đứa này là trai. Dịu coi khinh, không đáp lại; cứ lầm lũi một mình nuôi con. Tuyến không một lời động viên, chăm sóc. Vợ, con ốm ư? Kệ! Ốm no thì bò dậy, ông còn đi làm, uống bia, đánh đề. Hắn đã hơn 50 tuổi, sức khỏe có hạn; lại ít giao tiếp nên người ta ít gọi đi làm cho các công trình. Không có việc Tuyến cũng xách xe đi. Nhưng cứ về là cà khịa: nhà có sạch không? Quần áo của tao đã giặt chưa? Mua làm gì lắm rau thế? Bao nhiêu tiền? Suốt ngày thịt cá. Con nhà lính, tính nhà cán bộ. Đủ thứ chuyện để hắn soi mói. Chuyện vặt vãnh cũng lôi ra chửi. Dịu cãi là hắn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay; nhiều khi thâm tím mặt mũi cả tuần. Hai đứa con gái can ngăn thì hắn đánh luôn, thằng út bé tẹo chỉ biết đứng khóc. Có lúc, chúng nói vụng với mẹ: Chán bố thật. Nói bậy như bọn xã hội đen ấy. Lắm điều còn hơn cả đàn bà. Ngày xưa làm sao mà mẹ lấy ông ấy nhỉ? Dịu chỉ biết cười buồn! Thân phụ nữ, mười hai bến nước...

Bỗng cô thấy có ai giật nhẹ tay áo. Đờ đẫn quay lại, một chàng thanh niên chừng 25, 26 tuổi đang đứng bên cạnh. Cậu ta nhìn cô với vẻ lo lắng: Cô ơi, cô đứng trên cầu lâu lắm rồi! Cô đừng nghĩ quẩn nhé! Dịu sững sờ: Là sao cháu? Cháu tưởng cô định…. À không, cô ngắm sông Trà Lý thôi mà! Nhiều đêm, cô hay ra đây ngắm dòng sông êm đềm này cho thư thái. Nghe thế, cậu ta mới nhoẻn miệng cười: Cô lãng mạn thật đấy! Mẹ cháu suốt ngày ngồi đếm tiền rồi ca cẩm thôi. Nhìn chàng trai rất nam tính với đôi hàm răng trắng bóng dưới ánh điện cao áp lung linh, Dịu thấy lòng chợt nhẹ. Cô đã hiểu ra điều mình cần phải làm sắp tới: không thể sống cam chịu như thế này mãi được! Dịu nhỏ nhẹ nói với chàng thanh niên tốt bụng: Cảm ơn cháu nhé! Cô về đây! Ngắm cảnh cũng đã lâu rồi…

Dưới cầu, sông Trà Lý vẫn lặng lẽ trôi xuôi…

Nam Định 13/6/2023– NHN

___________

Minh họa: Bing

Nguyễn Hoàng Nguyên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-cua-diu-a21256.html