Chương trình giao lưu nghệ thuật 'Sống mãi với non sông'
Tối 5/8, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) phối hợp với Công ty Cổ phần Phát triển Truyền thông Văn hóa Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật 'Sống mãi với non sông' để Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Sống mãi với non sông” được tổ chức nhằm tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam, đồng thời kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước tiếp tục dành sự quan tâm thiết thực, tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách - người có công với cách mạng. Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết: “Theo số liệu thống kê, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ ngã xuống. Gần 50 năm đã trôi qua, đất nước ta đã im tiếng súng, nhưng dân tộc chúng vẫn còn một việc lớn thiêng liêng phải làm đối với 53 vạn liệt sĩ, đồng nghĩa với gần 53 vạn người mẹ, người cha, người vợ khắc khoải chờ mong từng ngày, từng giờ đưa được hài cốt người thân của mình về nơi chôn nhau, cắt rốn.
Trong số đó hiện vẫn còn 18 vạn hài cốt liệt sĩ đang nằm lại trên chiến trường. Họ hy sinh nhưng để lại trong mỗi chúng ta niềm mong nhớ, xót thương. Có nhà thơ đã nói: “Có ai biết sao đời này khổ thế/Sống có tên, mà chết chẳng biết tên”. Trong tháng 7, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã tri ân tặng quà cho 1.100 thân nhân gia đình liệt sĩ; tặng 10 nhà tình nghĩa; di chuyển 20 hài cốt liệt sĩ về với đất mẹ yêu thương; giám định ADN cho 19 liệt sĩ, trong đó có 4 trường hợp đúng tên liệt sĩ; tổ chức khám cấp thuốc miễn phí cho gần 3.000 thân nhân gia đình liệt sĩ”.
Tại chương trình còn diễn ra phần giao lưu với một số khách mời: Đó là Đại tá Nguyễn Tiến Lợi - Phó Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Hòa Bình - người đã dành nhiều thời gian để thu thập, đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ và cùng các gia đình đưa hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ tại quê nhà; đó là câu chuyện của ông Vũ Đình Luật, Hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước - gia đình có 3 liệt sĩ và ông Luật cũng là người cùng đồng đội đi tìm mộ liệt sĩ trong nhiều năm qua; là chia sẻ ông Phạm Trung Hiệu, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội - người đã dành nhiều thời gian cho các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là chăm lo cho người có công với cách mạng.
Tại chương trình, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã trao kết quả giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cho 4 gia đình liệt sĩ. Đây là niềm động viên lớn đối với thân nhân các gia đình liệt sĩ, đồng thời bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, góp phần xoa dịu nỗi đau đối với thân nhân và gia đình các liệt sĩ chưa tìm được người thân.
Dịp này, Ban tổ chức đã vận động các doanh nghiệp đồng hành tài trợ 3 căn nhà tình nghĩa cho 3 gia đình chính sách, thân nhân gia đình liệt sĩ mỗi căn nhà trị giá 60 triệu đồng; tặng một số suất quà đến các Mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Sống mãi với non sông” còn là những tiết mục nghệ thuật cùng những bài ca đi cùng năm tháng như: Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Đất nước, Miền xa thẳm, Đất nước tình yêu, Đêm nay Anh ở đâu, Đồng Lộc 10 bông hoa bất tử, Khát vọng tuổi trẻ…với sự thể hiện của nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ, nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng, nghệ sĩ ưu tú Phương Nga, nghệ sĩ Anh Thơ cùng nhiều nghệ sĩ khác.