Chuông treo lủng lẳng trước xe

Đã lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại tiếng chuông ấy. Lẫn trong gió sớm xôn xao, thanh âm của quả chuông nhỏ khiêm nhường, phải tinh ý lắm mới nghe được. Tiếng chuông đánh thức dậy ký ức tuổi thơ đằm sâu trong một góc nhỏ của tâm hồn tôi.

Món kẹo kéo gắn liền ký ức tuổi thơ bao người - Ảnh: H.C.D

Món kẹo kéo gắn liền ký ức tuổi thơ bao người - Ảnh: H.C.D

Ngày ấy, trên con đường làng, chúng tôi thường tụ lại cùng nhau chơi trò trẻ nít. Bất thình lình đâu đó vang lên tiếng chuông đồng leng keng, nhoáng sau đã thấy chiếc xe đạp cà tàng thong thả trờ tới. Trẻ con trố mắt thèm thuồng khi người đạp xe cất tiếng rao “kẹo kéo đây”.

Người bán kẹo ấy tên Thới, chúng tôi thường gọi là chú “Thới kẹo kéo”. Chú chừng ngoài ba mươi tuổi, nghe nói nhà cơ cực vì đông con. Chú lại cao lêu nghêu, khuôn mặt gầy trơ xương chẳng bao giờ nở được nụ cười, thoáng qua trông rất sợ. Trẻ nít đứa nào hay khóc nhè đều bị các bà, các mẹ dọa “bán cho chú Thới kẹo kéo”, thế là nín ngay. Nhưng tới lúc biết ăn kẹo kéo, trẻ con đều rất mến chú Thới. Có khi chú dừng xe, sai đứa nào chạy vào nhà rót cho chú ca nước chè rồi chú cho cái kẹo kéo.

Chiếc xe đạp của chú cũ mòn gỉ sét, tróc hết màu sơn. Trước ghi đông treo một quả chuông nhỏ hình bánh ú. Xe qua những con đường làng gồ ghề, ổ gà xốc nẩy, chuông lại rung lên leng keng và miệng chú cất tiếng rao “kẹo kéo đây”. Nghe quen, thành ra nhiều khi chú không rao, chỉ cần cái chuông lúc lắc là từ xa trẻ con đã biết ngay.

Phía sau xe, trên gác baga chở một cái hộp ván gỗ đựng cục kẹo to màu trắng giống bột lọc, bên ngoài bọc túi nilon bóng và một lớp vải nỉ dày che nắng. Đấy là thứ nước đường sền sệt sánh dẻo được nhào nhuyễn, mà phải có nghề mới làm ra được. Dừng xe, chú dùng chiếc khăn bọc lấy bàn tay phải kéo cục đường ra một khúc. Rồi bất ngờ bẻ khúc kẹo vừa kéo ra, quấn vào đó một miếng giấy báo để cầm tay không bị dính.

Chúng tôi thích thú coi chú Thới kéo kẹo, đôi khi không có tiền mua vẫn xúm tới nhìn. Bàn tay chú dẻo, vừa kéo vừa vuốt. Khi lắc tách cây kẹo khỏi cục đường, chú đánh lưỡi trong miệng phát ra tiếng kêu tróc, giống như tiếng gẫy giòn. Trong thế giới tuổi thơ tôi, chú bán kẹo kéo như một nhà ảo thuật. Chỉ cần vuốt vuốt một chút thì cục đường trắng bọc lấy những hột đậu phộng rang bóc vỏ.

Trẻ con rất thích ăn kẹo kéo, cắn vào miệng thì ngọt lịm, dẻo dính, lại có thêm hạt đậu giòn béo. Đấy là món quà xoa dịu tuổi thơ thiếu thốn và luôn thèm thuồng đồ ngọt. Kẹo kéo được làm nguyên chất từ đường với đậu nên rất an toàn cho răng miệng trẻ con. Nó không hề có chất bảo quản, hồi đó lại chưa có tủ lạnh cất trữ, nên cứ tầm chiều chiều hễ chưa bán hết thì mặt chú buồn xo.

Ăn kẹo kéo cũng phải thật nhanh vì để lâu nó chảy ướt dính xuống tay, vì thế mà ngấu nghiến, có bị mắc vào răng vẫn phải nhai liên tục. Từ việc ăn kẹo kéo mà có thêm một thành ngữ, hễ ai nói chuyện ngọt ngào thường bị trêu “miệng dẻo như kẹo kéo”.

Một cây kẹo kéo hồi đó chỉ mấy trăm đồng, song đôi khi chẳng cần tiền, trẻ con vẫn có kẹo kéo để ăn. Ấy là nhờ chú bán kẹo xởi lởi vui tính, có thể cho đổi kẹo bằng những món đồ phế liệu. Trẻ con chỉ cần nhặt vỏ chai, vỏ lon, đôi dép nhựa cũ mòn, mấy thanh sắt gỉ sét, hoặc gom lông vịt để đổi kẹo kéo. Thế là không cần tiền, chúng tôi vẫn có quà để ăn. Dường như chính việc làm rất nhỏ đó đã rèn luyện cho những đứa trẻ nhà quê tính chịu khó, biết chắt chiu dành dụm.

Càng ngày trẻ con càng có thêm những thứ quà ăn vặt khác, kẹo bánh bây giờ đầy rẫy, nên hình ảnh xe đạp chở kẹo kéo bán rong thưa dần rồi vắng hẳn trên đường làng. Chú Thới nay đã già và không còn hành nghề bán kẹo dạo nữa, thương mãi câu nói của chú, “cái nghề này lang thang ngoài đường nắng nôi, cực lắm”.

Thế mà bất ngờ sáng nay tôi lại nghe thanh âm ký ức, được nhìn thấy quả chuông treo lủng lẳng trước ghi đông chiếc xe đạp cũ đang chở kẹo kéo đi bán dạo. Tôi cứ nghĩ chắc trẻ con bây giờ không còn thèm thứ kẹo ấy nữa. Nhưng từ trong ngõ nhà, đứa trẻ ù chạy ra kêu vống lên “Chú ơi! Chú bán kẹo kéo ơi!”. Người bán kẹo luống cuống rà chân xuống mặt đường hãm xe thật nhanh. Cứ như chú sợ để vuột mất điều gì đó, không hẳn là một cái kẹo bán được, mà còn hơn thế.

Hoàng Công Danh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chuong-treo-lung-lang-truoc-xe-185766.htm