Chuồn chuồng bay từ miền cổ mẫu...!

Trước đây đứa trẻ nhà quê nào cũng thuộc câu: 'Chuồn chuồn bay thấp trời mưa/ Bay cao trời nắng, bay vừa trời râm'. Cô giáo sinh vật giải thích, vì hấp thụ hơi nước trong không khí (tức sắp có mưa), cánh bị nặng nên chuồn không bay cao được. Vào đầu thu, tiết heo may, chuồn bay đầy trời, các cụ lo lắng nói: 'Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão'. Quả nhiên, một vài ngày sau bão về…

Những trưa hè oi ả, với bọn trẻ, thú nhất là đi bắt chuồn. Chẳng mũ nón, mê mải đi rình chuồn bên bờ các hồ ao, đầm, ruộng... Trời càng nắng, chuồn càng đẹp. Con nào cũng có ánh kim trên cả cánh, cả thân. Ánh nắng phản xạ vào chuồn toát lên vẻ lấp loáng lung linh rất mê hoặc. Nhất là những con chuồn chuồn ngô, to, oai vệ chễm chệ đậu trên cành tre…

Đôi mắt to lóng lánh xanh như ngọc, choán gần hết cả đầu. Đẹp mê hồn. Đứa nào may mắn gặp thì cố thu mình nhỏ lại, quỳ khom xuống, rón rén đến gần và… giơ tay. Bỗng có tiếng hét toáng lên: “Chuồn chuồn có cánh thì bay/ Có thằng cu Tí thò tay bắt mày”... Chuồn ta thấy động biến mất. Thế là cãi nhau ỏm tỏi cả lên… Những lời cãi nhau, trách nhau, thề bồi… sẽ đi theo nhau suốt đời!

Chuồn chuồn ngô.

Chuồn chuồn ngô.

Có cả “thế giới” chuồn chuồn, ớt, ngô, kim, xanh, đỏ… Bắt để chơi, còn bắt để cho nó “cắn rốn” mà biết bơi. Nhà quê không biết bơi thì bị cười “thối mũi”. Có đứa hôm trước cho chuồn cắn rốn, hôm sau biết bơi thật. Lại có đứa bị chuồn cắn chảy cả máu mà vẫn chỉ biết “bơi trên bờ”… Nhưng tại sao chuồn “cắn rốn” chứ không phải biết bao nhiêu con khác? Chuyện ấy chưa bàn nhưng với người nhà quê thì chuồn rất có ích, nhất là trong việc bắt muỗi. Mỗi ngày một con chuồn có thể bắt được trên dưới 20 con muỗi. Thế nên ngày xưa ao, hồ, đầm, phá nhiều mà ít muỗi hơn bây giờ. Vì người ta lấp dần hồ ao, chuồn ít đi, muỗi nhiều lên. Ngoài ra chuồn còn ăn các loài vi sinh vật có hại. Lũ trẻ trâu rất thích đàn chuồn, lúc chiều tối bám vào trâu bò bắt rận… Lúc này không một đứa nào bắt chuồn.

Theo khoa học sinh vật, sải cánh của chuồn chuồn ngày nay dao động từ 0,6 inch, tức 20mm (ở loài chuồn chuồn đỏ Trung Quốc) đến 6,2 inch, tức 15cm (ở loài Petalura ingentissima nước Úc). Nhưng trên hóa thạch của chuồn chuồn Griffinfly thuộc kỷ Than đá (cách đây 360-300 triệu năm) thì sải cánh dài hơn 60cm, tức to hơn ngày nay 3,4 lần. Có khả năng bay lượn tuyệt vời đến mức các chuyên gia công nghệ phỏng sinh học đã bắt chước chuyển động của chúng để chế tạo rôbốt hiện đại.

Trước đó người ta bắt chước mô hình và nguyên lý bay của chuồn để chế tạo máy bay trực thăng (tức máy bay chuồn chuồn). Đặc trưng của cánh chuồn chuồn là có thể chuyển động độc lập từng cánh theo hướng lên xuống, trước sau, do vậy chúng có thể bay thẳng theo bất kỳ hướng nào, kể cả bay lùi. Lại có thể dừng lại giữa không trung, rẽ ngoặt và lượn. Chuồn có thể di chuyển với một tốc độ 45 dặm một giờ.

Ấn tượng nhất bề ngoài của chuồn chuồn là đôi mắt cực lớn. Theo sinh vật học phân tích, mỗi mắt kép có tới 28.000 mắt đơn (thấu kính) nên tạo ra góc nhìn 360 độ. Nếu mắt người nhìn được 170 độ, với 100 độ là tầm nhìn ngoại vi thì mắt chuồn vượt xa người về quang phổ và khả năng nhìn thấy cả tia cực tím. Khi đậu, cánh của chuồn chuồn ngô mở ra khỏi cơ thể giống cánh máy bay, còn cánh của chuồn chuồn kim khép lại ở phía sau. Do vậy bắt được chuồn chuồn ngô rất khó. Phát hiện ra bóng người hoặc nghe thấy âm thanh rất nhỏ là chuồn đã vút vào không gian rồi.

Chuồn chuồn bay khắp nơi trên thế giới miễn là nơi đó có mặt nước. Thực ra vòng đời của chuồn chuồn phần lớn ở trong nước. Trứng đẻ trên mặt nước nở thành nhộng thủy sinh, qua 6 đến 16 lần lột xác trong khoảng 4 năm. Lần cuối cùng ấu trùng bò lên khỏi mặt nước để lột xác mới thành con chuồn chuồn. Tạo hóa cực kỳ kiên nhẫn, cũng cực kỳ công phu để tạo ra một sự sống! Không ngẫu nhiên chuồn chuồn bay trong mọi nền văn hóa và hầu như đều được kính trọng, quý mến.

Với người Nhật, chuồn tượng trưng cho mùa hè, mùa thu được ngưỡng mộ và tôn trọng. Các Samurai lấy chuồn chuồn làm biểu tượng cho sức mạnh, sự nhanh nhẹn và chiến thắng. Có lẽ căn cứ vào tập quán sống cứ vào cữ hoàng hôn, hàng đàn chuồn từ các nghĩa địa bay tỏa ra không gian kiếm ăn mà người Nhật tin rằng chuồn chuồn đại diện cho linh hồn của những người thân đã khuất, mỗi chiều tối lại bay tìm về chốn xưa… Chuồn bay nhiều hơn cả trong thơ haiku. Nhà thơ Kobayashi Issa được coi là có nhiều thơ hay, tinh tế về hình tượng này: “Ngọn núi xa/ soi trong mắt/ chuồn chuồn”. Mắt chuồn trở thành tấm gương của vũ trụ!

Mẫu hóa thạch chuồn chuồn cách nay hơn 300 triệu năm.

Mẫu hóa thạch chuồn chuồn cách nay hơn 300 triệu năm.

Theo quan niệm phương Đông cổ xưa thì chuồn chuồn có mối liên hệ gần gũi với loài rồng, được coi là linh hồn của rồng. Rồng là biểu tượng của quyền lực, sự cao quý nên chuồn chuồn được coi là biểu tượng cho sự thịnh vượng, hài hòa. Chuồn bay vào nhà sẽ mang lại phước lành cho gia chủ. Theo sử sách, nông gia Trung Quốc xưa rất quý chuồn chuồn vì chúng diệt sâu bọ có hại, nhất là về khả năng dự đoán thời tiết có sự chính xác khá cao. Thậm chí còn có năng lực dự đoán, nếu chuồn đậu vào cần câu, nghĩa là sẽ có cá cắn mồi. Màu sắc của chuồn còn cho biết loại cá nào sẽ cắn…

Ở thời nhà Thương xuất hiện loại đồ chơi chuồn chuồn tre. Theo mô tả thì dùng chất liệu tre mỏng, nhẹ để làm mô hình con chuồn chuồn bay được (như mô hình máy bay trực thăng hiện đại), giữa thân chuồn khoan lỗ để cắm trục tre. Người chơi dùng hai bàn tay kẹp trục tre xoay mạnh, “chuồn chuồn” sẽ bay lên... Người Mỹ xem chuồn là một biểu hiện của hạnh phúc, tốc độ và sự tinh khiết. Các ngày lễ người ta tặng nhau mô hình chuồn chuồn ngộ nghĩnh, bắt mắt. Nhà giàu tặng nhau máy bay chuồn chuồn thật… Người Anh gọi chuồn chuồn là Dragonfly, theo truyền thuyết, xưa vốn là rồng (dragon)…

Không chỉ Việt Nam mà trong nhiều ngôn ngữ đều có thành ngữ gần gũi: “(Biết) cái tổ con chuồn chuồn” ý nói biết được cái bí mật sâu kín nhất. Bởi trên thực tế chuồn chuồn không có tổ mà ban ngày đi ăn, ban đêm đậu vào nơi bất kỳ có thể (cành cây, bờ ruộng, mái nhà…) để ngủ. Minh họa cho thành ngữ này là “Sự tích chuồn chuồn” có ở nhiều nước, chung mô tip: Các con vật trong khu rừng ngập nước nọ họp nhau lại bàn việc làm nhà trước mùa mưa. Ve Sầu đi tìm những hốc cây. Kén Tằm thì cố sức nhả tơ làm những tổ kén dầy chắc chắn. Tò Vò mải miết kiếm đất xây nhà… Riêng Chuồn Chuồn vẫn mải rong chơi, có “người” khuyên nên biết lo xa, chuồn đáp: “Tôi cánh nhiều, mắt nhìn rộng, bay khắp nơi được… chẳng có gì phải sợ cả. Bão đến là tôi biết liền, bay tránh chỗ khác… Không ngờ năm ấy bão gió liên miên, chẳng còn cách nào, chuồn chỉ còn biết nay đây mai đó. Từ đấy thành tập quán chuồn không bao giờ đậu lâu một chỗ, cứ đi tìm kiếm cả ngày, lúc thì ở đầm sen, lúc lại ở bờ ao… Và không bao giờ có tổ. Câu chuyện mang tính ngụ ngôn giải thích tập quán sống của một loài vật quen thuộc, qua đó gửi gắm bài học giáo dục phải chăm chỉ, biết nhìn xa trông rộng mới có cuộc sống ổn định, hạnh phúc.

Về câu đồng dao: “Chuồn chuồn cắn rốn, bốn ngày biết bơi”, thì hoàn toàn không có cơ sở khoa học, vì giữa các sự vật hiện tượng chẳng có mối liên hệ bản chất gì. Phải chăng giải thích bằng cách dựa vào “cổ mẫu” và các đặc trưng cơ bản của biểu tượng: một, chuồn chuồn gắn liền với mặt nước, đẻ trên mặt nước, sinh ra từ nước nên tất phải giỏi “bơi”. Hai, trong quan niệm phương Đông, “rốn” là trung tâm của người, khi trong bụng mẹ rốn có vai trò kết nối cơ thể thai nhi với mẹ. Với người lớn, “rốn” cũng là “cửa ngõ” nối cơ thể với vũ trụ. Do vậy cho con vật “bơi giỏi” tác động (cắn) vào nơi trung tâm (rốn) tức là hành động “khai mở” ra một chu trình (bơi) mới. Ba, lại thêm trong “vô thức cộng đồng”, chuồn chuồn gần gũi với rồng - vật thiêng, vừa có thể bay trên giời, lại có thể bơi lội dưới sông… Chuồn chuồn “cắn” tức là được “rồng” mở ra “huyệt đạo” quan trọng nhất để biến cơ thể đó “giống như rồng”… (!?).

Các nghiên cứu sinh vật đang cảnh báo, khoảng 16% trong 6.016 loài chuồn chuồn có nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân chính là do con người cứ lấp dần các vùng đất ngập nước. Nước ta cũng trong tình trạng này. Cách nay nửa thế kỷ, mỗi chiều hoàng hôn, ở nhà quê chuồn bay rợp trời, yên lành và thi vị. Nay thì vắng hẳn, vì ao hồ không còn…

Chả lẽ chuồn chỉ còn bay trong quá khứ và đậu trong ký ức sao?

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/chuon-chuong-bay-tu-mien-co-mau--i732030/