Chuỗi cửa hàng điện tử lớn nhất Malaysia dừng mở mới cửa hàng truyền thống, chuyển hướng bán online

Người sáng lập chuỗi điện tử lớn nhất Malaysia, Senheng New Retail tiết lộ kế hoạch ngừng mở các cửa hàng truyền thống mới từ năm 2026. Thay vào đó, chuỗi cửa hàng điện tử này sẽ chuyển sang thương mại điện tử để thúc đẩy mở rộng trước sự cạnh tranh, phát triển bán hàng trực tuyến ngày càng tăng...

Senheng hiện tại đang điều hành 125 cửa hàng vật lý trên khắp Malaysia nhưng cho biết tương lai công ty sẽ tập trung nhiều hơn vào kinh doanh trực tuyến.

Senheng hiện tại đang điều hành 125 cửa hàng vật lý trên khắp Malaysia nhưng cho biết tương lai công ty sẽ tập trung nhiều hơn vào kinh doanh trực tuyến.

Theo Nikkei Asian Review, nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch của công ty, ông Lim Kim Heng cho biết: “Chúng tôi không thể tiếp tục mở rộng, mở 10 đến 20 cửa hàng mỗi năm để thúc đẩy tăng trưởng. Công ty muốn phát triển thông qua việc bán hàng đa kênh”. Theo ông Lim, công ty đang tìm cách tăng hơn gấp đôi mức đóng góp doanh thu trực tuyến lên 15% trong năm 2024. Hiện tại, tỷ lệ này mới ở mức khoảng 6% đến 7%.

Malaysia, các công ty thương mại điện tử đã phát triển nhanh chóng trong hơn một thập kỷ qua. Điều này khiến các công ty lâu đời như Senheng phải suy nghĩ lại về kế hoạch hoạt động của mình. Bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng trong nước cũng bị ảnh hưởng trong những năm gần đây do lạm phát và sức mạnh của đồng ringgit yếu hơn.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận ròng của Senheng giảm 54,7% xuống 17,9 triệu ringgit (khoảng 3,8 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước do doanh thu giảm xuống. Ngoài ra, giá cổ phiếu của công ty cũng chứng kiến sự sụt giảm 69% kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Ông Lim Kim Heng, Chủ tịch Senheng New Retail.

"Chúng tôi không thể cạnh tranh về giá thấp với các công ty thương mại điện tử, họ có rất nhiều tiền để trợ giá. Chúng tôi vẫn sẽ duy trì các cửa hàng vật lý của mình, nhưng sẽ chú ý hơn đến việc kinh doanh trực tuyến".

Hiện tại, chuỗi cửa hàng điện tử lớn nhất Malaysia đang điều hành 125 cửa hàng trên toàn quốc. Công ty ban đầu lên kế hoạch mở rộng thêm hoặc nâng cấp 61 cửa hàng hiện tại vào năm 2024. Tuy nhiên, chủ tịch Lim cho biết, công ty sẽ kéo dài thời gian này thêm hai năm đến năm 2026 do điều kiện thị trường xấu đi và chi tiêu của người tiêu dùng giảm xuống.

Ông Lim cho biết thêm, từ năm 2026 trở đi, công ty sẽ không mở thêm cửa hàng mới nữa, ông cho biết sẽ tập trung hơn vào việc phát triển ứng dụng di động để thu hút thêm nhiều khách hàng hơn. Chủ tịch công ty tiết lộ kế hoạch đạt tối thiểu 6 triệu lượt tải ứng dụng và số người dùng hoạt động hàng tháng sẽ vượt qua mốc 1 triệu người dùng. Hiện tại, ứng dụng của Seheng có gần 4 triệu người đăng ký sử dụng. Chủ tịch của Senheng cho biết: “Tìm cách tăng trưởng mà không có cửa hàng vật lý mới là một thách thức mà chúng tôi đang phải đối mặt”.

Được thành lập vào năm 1989, Senheng là công ty tiên phong trong mô hình xây dựng chuỗi cửa hàng và đưa giá tiêu chuẩn đến tất cả các cửa hàng vào đầu những năm 2000. Công ty là nhà cung cấp cho khoảng 280 thương hiệu, trở thành nhà bán lẻ điện tử lớn nhất Malaysia tính theo doanh thu. Senheng có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài như Harvey Norman của Úc và Courts Asia, thuộc sở hữu của Nojima (Nhật Bản).

Tuy nhiên, làn sóng thương mại điện tử đầu tiên tại Malaysia buộc công ty phải bắt đầu tập trung vào kinh doanh trực tuyến. Doanh thu của công ty bắt đầu đi xuống vào năm 2013, khi những gã khổng lồ về thương mại điện tử trên thế giới bắt đầu gia nhập Malaysia. Năm 2013, Lazada của Singapore, hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba Group Holdings bắt đầu hoạt động tại Malaysia và Shopee của Tập đoàn Sea cũng gia nhập vào thị trường lớn này 2 năm sau đó.

Doanh thu của Senheng bắt đầu phục hồi khi công ty bắt đầu mô hình đa kênh vào năm 2017. Mô hình này giúp khách hàng có thể nhận được sản phẩm ngay tại nhà trong vòng 24 giờ thông qua dịch vụ hậu cần và kho hàng hoặc bằng cách nhận sản phẩm tại cửa hàng gần nhất. Người dùng có thể tận hưởng các ưu đãi về chi phí và hỗ trợ đặt hàng trực tuyến.

Ông Lim cho biết, “chìa khóa thành công” của Senheng nằm ở các chương trình khách hàng thân thiết. Với mức phí hàng năm là 24 ringgit (khoảng 5 USD), người dùng có thể được hưởng thêm một năm bảo hành ngoài bảo hành từ nhà sản xuất và các phần thưởng có thể được dùng để mua hàng trong tương lai.

Theo Statista, doanh thu thị trường tiêu dùng thương mại điện tử của Malaysia ước tính đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2024, trong đó doanh số bán hàng trực tuyến đóng góp 21,6% tổng doanh thu. Điều này có nghĩa là gần 80% doanh thu vẫn phụ thuộc vào đồ điện tử bán lẻ truyền thống.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt khi những đối thủ như TikTok (thuộc ByteDance) bước vào thị trường mua sắm trực tuyến vào năm 2022. "Chúng tôi không thể cạnh tranh về giá thấp với các công ty thương mại điện tử, họ có rất nhiều tiền để trợ giá. Chúng tôi vẫn sẽ duy trì các cửa hàng vật lý của mình, nhưng sẽ chú ý hơn đến việc kinh doanh trực tuyến", ông Lim cho hay.

Quỳnh Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chuoi-cua-hang-dien-tu-lon-nhat-malaysia-dung-mo-moi-cua-hang-truyen-thong-chuyen-huong-ban-online.htm