Chung tay ngăn chặn lừa đảo sang Campuchia làm 'việc nhẹ lương cao'
Chứng kiến những nạn nhân của 'việc nhẹ lương cao' trở về từ Campuchia, cùng những cảnh báo của ngành chức năng, người dân ở khu vực ven biển Lâm Đồng đang ngày càng ý thức cảnh giác hơn.

Người dân chia sẻ về ý thức, cảnh giác với việc nhẹ lương cao.
Từ nghe và thấy
Có được việc nhẹ lương cao là điều mơ ước của nhiều người khi cuộc sống ngày càng khó khăn. Chính vì vậy, không ít người cần việc làm cứ thấy ở đâu có việc làm nhẹ, mức lương khá là tìm cách tiếp cận để xin làm. Trong đó, có người tìm việc qua mạng xã hội, gặp đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo, dẫn dắt xuất cảnh sang Campuchia làm việc. Nhưng khi qua làm việc rồi họ mới thấy vỡ mộng. Phần lớn họ là thanh niên thuộc gia đình nghèo khó, sống buông thả, cùng sự thiếu giám sát của cha mẹ.
Ông N.V.L ở khu phố Phú Xuân, phường Hàm Thắng, cha của N.Q.T, người bị tử vong ở Campuchia chia sẻ, T gọi điện về báo làm việc ở Campuchia thì gia đình tôi mới biết. Cuối năm 2024, có người đàn ông lạ gọi điện cho tôi nói, đưa cho ông ta 120 triệu đồng, ông ta đưa thi thể T đến cửa khẩu Mộc Bài ở Tây Ninh, gia đình tôi đến nhận. Lúc đó tôi chưa tin, mãi đến khi bạn bè của T gọi điện đến nói T đã bị giết và hướng dẫn cách đưa T về nhà, tôi mới tin, đó là thật”.
Ngoài gia đình ông L, còn nhiều gia đình khác cùng hoàn cảnh, nhưng cũng có gia đình may mắn hơn, được người tốt giúp đỡ hoặc ngành chức năng nước sở tại can thiệp nên con họ còn sống sót trở về. Gia đình bà N.T.P ở xã Hàm Liêm là trong số đó. Bà P kể: con trai bà là N.H.H, làm nghề thợ hồ. Vào một chiều năm 2024, sau khi nhận tiền công cho một tuần làm thợ hồ tại một công trình xây dựng ở phường Phú Thủy, H lẳng lặng vào TP Hồ Chí Minh. Vài ngày sau H gọi điện về cho bà, thông báo đang làm việc ở Campuchia. Từ đó, H mất liên lạc. Đến khoảng 1 tháng sau, H gọi điện về cho bà báo tin “chạy tiền chuộc H về”. Với số tiền 140 triệu đồng thì quá lớn đối với bà P, một người bán vé số dạo. Nhưng “cuộc đời vẫn mỉm cười” với bà, sau đó nhận được tin từ H gọi về nói đang bị ngành chức năng của Campuchia bắt giữ trong một cuộc chạy trốn, nơi H làm việc. H thoát được là do một phụ nữ người Việt Nam tốt bụng lén thả mình cùng với 50 người khác. Đến tháng 2/2025, H được trả về Việt Nam sau cuộc điều tra nhân thân của cảnh sát Campuchia, có sự phối hợp với công an phía Việt Nam.
Ý thức, cảnh giác
Như được về từ cõi chết, nhiều nạn nhân của “việc nhẹ lương cao” ở các khu tự trị Campuchia khi trở về nhà đã kể lại cho người thân, hàng xóm, bạn bè nghe việc mình đã nếm trải những gì ở đất khách quê người. Trong đó có nói nhiều về làm việc không đúng yêu cầu của chủ người Trung Quốc bị phạt, đe dọa, đánh đập, tra tấn, bỏ đói, chích điện hoặc nếu tiếp tục làm việc không hiệu quả, họ sẽ bị bán sang công ty khác…
Từ những gì đã nghe và chứng kiến, cùng với những cảnh báo của ngành chức năng về lừa đảo sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”, người dân, nhất là người lao động đang dần ý thức, cảnh giác hơn. Ông Trần Văn Sáu – Bí thư Chi bộ khu phố Phú Xuân nơi có nhiều gia đình có con qua Campuchia làm việc cho biết, từ năm 2024 trở về trước, ở đây nhiều thanh niên qua Campuchia làm việc, nhưng từ đầu năm đến nay thì không còn ai đi. Một phần vì họ được cảnh báo trên truyền thông, phần vì ở đây có người đi đã bị thiệt mạng. Hơn nữa, Công an phường Hàm Thắng thường xuyên phối hợp với khu phố tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về tình trạng bị lừa sang Campuchia làm việc. Chưa kể trong các cuộc họp ban chấp hành khu phố, chi bộ, ngày hội đại đoàn kết đều đưa vấn đề này tuyên truyền để đảng viên, Nhân dân nắm bắt, nhắc nhở người thân trong gia đình.
Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là thanh niên còn chủ quan, xem nhẹ cảnh báo rủi ro sang Campuchia làm việc, ngành chức năng cần thường xuyên theo dõi an ninh trật tự ở địa bàn dân cư, để qua đó cảnh tỉnh người dân, nhất là những người đang trong độ tuổi lao động.