Chung tay giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ
Những ngày qua, mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh khu vực miền núi Bắc Bộ, gây thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân. Tính đến chiều 1/8, mưa, lũ đã làm 8 người chết, mất tích, nguyên nhân chủ yếu do người dân tham gia giao thông bị lũ cuốn trôi, đất đá sạt lở vùi lấp. Nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân, các đơn vị BĐBP ở khu vực biên giới đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng giúp đỡ, hỗ trợ người dân di dời tài sản, dựng lại nhà cửa để ổn định cuộc sống.
Tại Điện Biên, mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn các huyện biên giới. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho biết, đợt mưa lớn diện rộng trong hai ngày 29 và 30/7 đã khiến 2 người chết. Mưa lớn cũng làm 35 nhà bị sạt lở, ngập lụt ảnh hưởng (huyện Mường Ảng 4 nhà; huyện Nậm Pồ 22 nhà; huyện Mường Chà 9 nhà). Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lũ, 0,7 ha lúa của huyện Mường Chà bị sạt lở cuốn trôi thiệt hại hoàn toàn; 32,95 ha lúa của huyện Mường Nhé bị sạt lở thiệt hại 30-70%; 0,06 ha đất trồng cây lâu năm của huyện Mường Ảng bị sạt lở; 2 ao cá tại huyện Mường Nhé bị vỡ bờ trôi khoảng 200kg cá. 6 tuyến đường liên xã, bản tại huyện Mường Nhé bị sạt lở khoảng 718m3; 1 tuyến đường liên xã, bản tại huyện Mường Chà bị sạt lở 150m.
Tại huyện Nậm Pồ, đêm 28/7, sáng 29/7 có mưa to đến rất to, gây sạt lở một số tuyến giao thông và một số nhà dân. Do ảnh hưởng của mưa lớn, các tuyến đường ở huyện Nậm Pồ bị sạt lở nặng nề, có đoạn không thể đi lại được. Cụ thể: Tuyến đường trung tâm xã Na Cô Sa đi xã Nà Khoa bị sạt lở tại 9 điểm khối lượng khoảng 920 m3, không đi lại được. Tuyến đường Quảng Lâm - Na Cô Sa sạt lở 1 điểm tại bản Huổi Sái Lương, xã Quảng Lâm sạt lở ta luy dương, khiến các phương tiện đi lại trên tuyến Na Cô Sa - Quảng Lâm rất khó khăn. Tuyến đường Huổi Thủng - Na Cô Sa 3 sạt lở tại 4 điểm. Đường bê tông bản Na Cô Sa 3 - Na Cô Sa 4 bị sạt lở ta luy dương 1 điểm tại bản Na Cô Sa 4, khối lượng khoảng khoảng 150 m3 (không đi lại được). Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã huy động 20 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức tuyên truyền và vận động 19 hộ dân có nguy cơ cao di chuyển đến nơi an toàn. UBND huyện Nậm Pồ đã thực hiện rào chắn, cảnh báo nguy hiểm đối với các vị trí sạt lở; huy động doanh nghiệp, nhà thầu thi công, cán bộ công chức, BĐBP, nhân dân hót sụt sạt, khắc phục tạm thời để người và phương tiện lưu thông.
Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả trận lũ quét xảy ra tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên rạng sáng ngày 25/7, tính đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã huy động hơn 520 lượt cán bộ, chiến sĩ (cơ quan Bộ Chỉ huy, Đồn Biên phòng Mường Pồn, Mường Mươn, Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, Thanh Luông, Pa Thơm, Tiểu đoàn huấn luyện - cơ động và 1 tổ quân y, cùng nhiều phương tiện, công cụ hỗ trợ đã được huy động tới hiện trường để ứng cứu người, giúp đỡ người dân. BĐBP Điên Biên đã phối hợp với các lực lượng tìm kiếm người mất tích, đưa người bị thương đi cứu chữa, đồng thời, giúp đỡ gia đình có người thiệt mạng tổ chức mai táng theo phong tục tập quán của địa phương. Các cán bộ Biên phòng cũng giúp 28 hộ dân tháo dỡ, di chuyển người, tài sản, lương thực thực phẩm đến nơi an toàn. Đồng thời, tổng dọn vệ sinh nhà cửa; hỗ trợ lắp đặt hơn 3km đường nước sinh hoạt; sửa chữa, làm đường tạm dài khoảng 4 km; vận chuyển hàng cứu trợ đến các điểm bị thiệt hại cứu trợ cho nhân dân.
Đến nay, BĐBP Điện Biên đã phối hợp với các lực lượng dựng được 9 gian nhà bạt để người dân cụm bản Huổi Ké 1 ở tạm. Thiếu tá Đặng Văn Toan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Pồn cho biết: “Hiện tại, công tác tìm kiếm người mất tích do lũ quét đã tạm dừng, tuy nhiên, 25 cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Mường Pồn vẫn ở lại địa bàn giúp người dân di dời nhà cửa khỏi khu vực nguy hiểm. Khi nào bà con tìm được vị trí đảm bảo an toàn, đơn vị sẽ hỗ trợ bà con dựng lại nhà”.
Tại Lạng Sơn, mưa lớn trong những ngày qua xảy ra mưa lớn gây ngập úng và sạt lở tại nhiều địa phương. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên khu vực biên giới, mưa lớn gây ngập úng, sạt lở đất tại địa bàn các Đồn Biên phòng Tân Thanh, Chi Ma, Thanh Lòa. Mưa lớn đã làm 26 nhà bị ảnh hưởng, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở. Cụ thể, đường tuyến trên địa bàn huyện Văn Quan (Nà Bung - Pác Làng bị sạt 5 điểm; Sạt lở taluy dương trên các 4 tuyến đường huyện (ĐH.50, ĐH.51, ĐH.56 và ĐH.59) và 1 tuyến đường xã với tổng khối lượng đất đá bị sạt lở khoảng 900m3). Huyện Tràng Định sạt lở 1 điểm taluy dương tại đường ĐH02; Thành phố Lạng Sơn bị sạt lở 3 điểm taluy âm dương trên tuyến đường Văn Vỉ và Thác Trà....
Trước diễn biến mưa lớn, gây thiệt hại về nhà cửa và tài sản của người dân, Đồn Biên phòng Tân Thanh đã cử 24 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng dân quân tới giúp 2 hộ dân ở thôn Quyết Tiến, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng thu dọn đất sạt lở, sửa chữa nhà cửa bị hư hại. Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma đã cử cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn giúp người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại do mưa lớn, đồng thời, thu dọn đất đá, cây đổ ra đường để thông đường các tuyến giao thông.
Mưa lớn kéo dài khiến các suối nhỏ chảy siết, các đồn Biên phòng đã tăng cường tuyên truyền cho nhân dân không vượt qua suối khi nước lũ đang về để tránh nước lũ bị cuốn trôi. Trong đó, Đồn Biên phòng Thanh Lòa đã dựng biển cảnh báo, rào chắn tại các khu vực ngập sâu đồng thời cử cán bộ trực 24/24, hướng dẫn, không dân không đi qua các đoạn đường ngập nước, ngầm tràn.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, từ ngày 28 đến 29/7 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to làm 1 người chết, hơn 200 ngôi nhà bị hư hại, ảnh hưởng, trong đó có 41 nhà phải di dời khẩn cấp. Ngay sau khi sự cố xảy ra, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện tại cơ sở giúp các hộ gia đình thu dọn hiện trường, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; đến thăm hỏi, động viên và huy động lực lượng hồ trợ gia đình mai táng người chết theo nghỉ lễ tại địa phương, đồng thời hỗ trợ 25 triệu đồng cho gia đình có người chết do lũ cuốn.
Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến sáng 31/7, mưa lũ từ ngày 28/7 đến 1/8 đã làm 8 người chết (Hà Giang 2, Điện Biên 2, Thái Nguyên 1, Bắc Giang 1, Tuyên Quang 1, Sơn La 1) 2 người bị thương (Bắc Kạn). Mưa lớn làm 43 nhà dana phải di dời khẩn cấp; 184 nhà bị ngập, 356 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; 2.121 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, hơn 33 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại. Về giao thông, có trên 200 điểm giao thông bị sạt lở, ách tắc với tổng khối lượng trên 24.000 m3 đất, đá, bê tông.