Chứng khoán Trung Quốc có phiên khai xuân kém nhất kể từ năm 2016
Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm khi đóng cửa phiên giao dịch chiều 2/1, ghi nhận khởi đầu năm mới kém nhất kể từ năm 2016, do dữ liệu sản xuất thấp hơn kỳ vọng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ.
Chốt phiên này, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,66% xuống đóng cửa ở mức 3.262,56 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,18% xuống 19.623,32 điểm.
Một khảo sát của khu vực tư nhân cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong tháng 12/2024. Doanh số bán hàng chịu ảnh hưởng do các đơn đặt hàng xuất khẩu giảm, giữa những lo ngại về triển vọng thương mại.
Chứng khoán Trung Quốc năm 2024 đã ghi nhận năm tăng trưởng đầu tiên sau ba năm suy giảm liên tiếp. Gói chính sách kích thích kinh tế đã giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư dự đoán thị trường sẽ thiếu định hướng rõ ràng cho đến khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc diễn ra vào tháng Ba. Tại đây, chính phủ sẽ công bố các mục tiêu tăng trưởng và các biện pháp kích thích kinh tế.
Bà Minyue Liu, chuyên gia đầu tư về cổ phiếu Trung Quốc tại công ty quản lý tài sản BNP Paribas Asset Management, nhận định, nếu không có các dữ liệu vĩ mô vững chắc, kết quả kinh tế khả quan và những thông báo chính sách lớn trong hai tháng đầu năm, thị trường sẽ có nhiều biến động.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc cần phải có thêm các biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề xuất mức thuế nhập khẩu hơn 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cam kết thực hiện các chính sách chủ động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các nhà phân tích của công ty chứng khoán Huaxi Securities cho biết trong một thông báo rằng sự không chắc chắn về khả năng tăng thuế nhập khẩu từ chính quyền của ông Trump có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Do đó, việc thúc đẩy nhu cầu trong nước vẫn là yếu tố quan trọng để phục hồi kinh tế.
Đồng NDT đã suy yếu xuống mức thấp nhất so với USD trong gần 14 tháng, trong khi trái phiếu của Trung Quốc tăng giá do các nhà đầu tư tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 2/1, chỉ số VN-Index tăng 2,93 điểm lên 1.269,71 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 0,26 điểm lên 227,69 điểm.