Chưa tương xứng với tiềm năng

Trong những năm qua, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn (gọi tắt là du lịch nông nghiệp) trên địa bàn miền Trung từng bước trở thành điểm nhấn du lịch, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của vùng. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển loại hình du lịch này tương xứng với tiềm năng đang là câu hỏi lớn đặt ra với các địa phương...

Có bước phát triển nhưng còn nhiều hạn chế

Cách trung tâm TP Hội An (Quảng Nam) chừng 3km về phía đông, rừng dừa Bảy Mẫu (phường Cẩm Thanh) được ví như vùng sông nước miền Tây giữa miền Trung. Đây là vùng sinh thái độc đáo với hệ rừng ngập mặn, trải rộng hơn một trăm héc-ta và trở thành điểm du lịch sinh thái thú vị đối với du khách khi đến thăm đô thị cổ Hội An. Hiện nay, lượng khách đến tham quan trải nghiệm tại khu rừng dừa ngày càng tăng. Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, năm 2017, địa phương đã đón gần 6 triệu lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt 9.200 tỷ đồng. Trong đó, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp là lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến với Quảng Nam.

Du khách nước ngoài trải nghiệm tour du lịch trồng lúa tại Hội An (Quảng Nam).

Tại Đà Nẵng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch nông nghiệp được thành phố quan tâm và đã hình thành một số điểm đến hấp dẫn, như các làng rau sạch: La Hường, Hòa Phú Thành… Trên địa bàn TP Đà Nẵng đã hình thành 6 cánh đồng lúa hữu cơ, diện tích gần 150ha. Định hướng đến năm 2020, thành phố mở rộng 500ha lúa hữu cơ, tiếp tục phát triển, nhân rộng sản xuất hữu cơ trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng rau, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản… Việc tạo ra sản phẩm hữu cơ với sự phát triển đồng bộ, hiệu quả sẽ khai thác tối đa tiềm năng hoạt động du lịch sinh thái, góp phần tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển.

Tại Hội thảo “Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp nông thôn" do Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức, các chuyên gia về du lịch đánh giá: Dù đã có những bước phát triển đáng mừng nhưng còn nhiều vấn đề khiến sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp hiện nay chưa đạt yêu cầu. Nhiều địa phương có tiềm năng, nhưng khai thác chưa hiệu quả, nhất là còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành du lịch và nông nghiệp; chưa lồng ghép các tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn đánh giá cơ sở đạt chuẩn du lịch… khiến nhiều khu du lịch sinh thái dịch vụ nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Mặt khác, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, kém chất lượng... Do vậy, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Đâu là giải pháp?

Theo TS Vũ Nam, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch, du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá có tốc độ phát triển nhanh thuộc tốp 10 thế giới và đứng đầu châu Á. Trong đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp đóng vai trò tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, đóng góp vào việc xóa đói, giảm nghèo, giảm khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn. Do vậy, cần có một chiến lược phát triển riêng cho loại hình du lịch này. TS Vũ Nam cho biết: “Du lịch nông nghiệp cần được phát triển gắn với sự phát triển cộng đồng ở các khu vực nông thôn, miền núi và các loại hình du lịch khác. Việc xác định các sản phẩm chủ đạo, khai thác yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, tạo điểm nhấn của mỗi địa phương là hết sức quan trọng. Đồng thời, Nhà nước, các tổ chức xã hội, hiệp hội cùng các doanh nghiệp cần chủ động hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương, các cơ sở sản xuất nông nghiệp tham gia vào phát triển loại hình du lịch này”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay, sở đang tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt “Đề án quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng Quảng Nam đến năm 2025” nhằm hỗ trợ đầu tư cho các điểm du lịch cộng đồng để phát triển du lịch, trong đó có du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới phát triển du lịch bền vững”.

Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Để phát huy tốt tiềm năng du lịch nông nghiệp, ngành du lịch và nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn. Việc xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp phải cân đối hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Tại các điểm du lịch nông nghiệp nên thành lập ban quản lý mà thành phần không thể thiếu là đại diện cộng đồng dân cư để tham gia quản lý, tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt nhất, thực sự mang đến lợi ích cho cộng đồng, khi đó sản phẩm du lịch nông nghiệp mới có sức sống và phát triển bền vững.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/chua-tuong-xung-voi-tiem-nang-542961