Chưa kết luận hồ chứa nào gây ra động đất ở Kon Tum
Sáng ngày 8/8, một trận động đất có độ lớn 3.2 độ richter lại xảy ra ở Kon Tum. Dù được khẳng định là do động đất kích thích gây ra do hồ chứa thủy điện tích nước song đến nay chưa có kết luận chính thức do hồ chứa nào gây ra.
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó, và lúc 6 giờ 42 phút 11 giây ngày 8/8, một trận động đất có độ lớn 3.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.630 độ vĩ Bắc, 108.330 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó ngày 5/8, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum lại tiếp tục xảy ra 5 trận động đất. Như vậy tính từ 28/7 tới thời điểm này, Kon Tum đã xảy ra 84 trận động đất liên tiếp. Các trận động đất đã xảy ra có độ lớn từ 2.7-3.4 và độ sâu 8.1km. Với trận động đất có độ lớn 3.4, người dân ở khu vực Kon Plông và vùng lân cận cảm thấy rung lắc nhẹ, tuy nhiên không có rủi ro thiên tai. Các chuyên gia dự báo động đất vẫn còn có thể xảy ra tại Kon Tum, không loại trừ khả năng lặp lại các trận động đất mạnh, ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Từ ngày 1/8 đến ngày 5/8, Viện Vật lý địa cầu đã cử Đoàn công tác đi thực địa tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, phối hợp tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân tại khu vực tâm chấn động đất M=5.0, nhằm giảm thiểu những rủi ro do động đất gây ra cũng như phục vụ công tác an dân tại địa phương trong tình hình động đất xảy ra gần đây. Đoàn công tác đã khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn và phát tờ rơi cho người dân về kĩ năng ứng phó với động đất tại địa điểm bị tác động của động đất như các xã: Đắk Tăng, Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút và Măng Càng.
Từ năm 2021 đến nay, khi động đất xuất hiện, Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan chức năng về địa phương tập huấn diễn tập phòng chống thiên tai. Người dân được hướng dẫn cách xây nhà đảm bảo phần nền, tường và mái chịu được lực tốt nhất. Các hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn của Đoàn công tác Viện Vật lý địa cầu đã có tác động tích cực đến người dân, giúp họ trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để ứng phó với động đất, từ đó giảm thiểu thiệt hại và tăng cường sự an toàn cho cộng đồng.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy từ năm 1903 - 2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28/7 có độ lớn 5 độ richter.
Địa phương chờ kết luận động đất do hồ chứa nào tích nước
Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết tỉnh đã đề nghị Viện Vật lý địa cầu cùng các cơ quan chức năng sớm có kết luận chính xác nguyên nhân động đất liên tiếp tại huyện Kon Plông.
Năm 2022, Viện Vật lý địa cầu xác định động đất xảy ra ở Kon Plông là động đất kích thích do tích nước hồ thủy điện. Mới đây, Viện Vật lý địa cầu nhận định các trận động đất liên tiếp gần đây ở Kon Plông là động đất kích thích. Hiện chính quyền địa phương đang chờ kết luận từ cơ quan chức năng để có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Sau trận động đất có cường độ mạnh vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum có văn bản chủ đầu tư các thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh, Đăk Re tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình động đất tương ứng mực nước dâng hồ thủy điện; báo cáo kết quả trước ngày 15/8 để sở tham mưu UBND tỉnh.
Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện kiểm tính ứng với các trường hợp giả định các cấp động đất khác nhau. Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung quy trình vận hành, ứng phó động đất để bảo vệ an toàn đập khi có xảy ra tình huống khẩn cấp.
Đại diện Tổng công ty Phát điện 3 (đơn vị liên kết với chủ đầu tư thủy điện Thượng Kon Tum là Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) cho biết, tổng công ty Phát điện 3 đề nghị Viện Vật lý địa cầu sớm có kết luận về nguyên nhân gây ra động đất tại đây.
Như vậy, Viện Vật lý địa cầu nhận định nguyên nhân là động đất kích thích, có khả năng thủy điện tích nước hồ chứa. Tuy nhiên, chưa xác định do hồ chứa nào tích nước gây ra. "Cần sớm có kết luận cụ thể dựa trên cơ sở khoa học. Nếu động đất kích thích do tích nước gây ra, trách nhiệm của đơn vị nào thì đơn vị đó có trách nhiệm đền bù thiệt hại nếu có", ông Nhất nói.
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, từ tháng 4/2021 đến nay, tại khu vực huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất kích thích, tình trạng trong một ngày có nhiều trận động đất diễn ra thường xuyên. Hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn. Trước và sau một trận động đất lớn thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn thì tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Anh, động đất kích thích liên quan đến các yếu tố mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa. Tuy nhiên cần có nghiên cứu làm rõ cơ chế tác động, mối quan hệ giữa hoạt động tích nước và động đất kích thích. "Có thể hôm nay hồ chứa tích nước, mực nước rất cao, nhưng việc ảnh hưởng có thể sau đó vài tháng, thậm chí vài năm sau nước ngấm xuống sâu bên dưới mới gây ra động đất", TS. Xuân Anh cho hay.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất với 11 trạm ở tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực cũng đã được phê duyệt và đang triển khai. Đây sẽ là cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan động đất kích thích ở khu vực này trong thời gian tới.