Chưa đủ 16 tuổi có được đứng tên sổ đỏ?

Tôi xin hỏi vấn đề như sau: Tôi có người cháu năm nay chưa tròn 16 tuổi. Mẹ cháu mất vì tai nạn. Gia đình chúng tôi muốn cháu được đứng tên trên một phần tài sản của cha mẹ cháu (cha cháu cũng đồng ý). Tài sản này sẽ để cho cháu sử dụng khi cháu đến tuổi đi du học. Vậy theo luật hiện hành cháu có được đứng tên sở hữu số tài sản đó không? Xin tư vấn cho chúng tôi cách làm?

Ảnh minh hóa

Ảnh minh hóa

Theo câu hỏi của bạn thì chúng tôi hiểu rằng “đứng tên trên một phần tài sản của cha mẹ cháu” nghĩa là được ghi vào giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với bất động sản hoặc động sản như là người sở hữu (một phần hoặc toàn bộ) bất động sản, động sản đó.

Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: về người chưa thành niên như sau:

“2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”.

Khoản 2 Điều 77 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự như sau: “Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ”.

Mặc dù Bộ luật Dân sự quy định, cá nhân từ khi sinh ra đến trước thời điểm chết, dù ở độ tuổi nào đều có quyền sở hữu tài sản, QSDĐ, nhưng pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định cụ thể việc cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp người có quyền QSDĐ là người chưa thành niên, nên việc thực hiện không thống nhất:

+ Có địa Phương cấp GCN QSDĐ đối với người dưới 16 tuổi vẫn có thể được đứng tên trên giấy chứng nhận, nhưng kèm theo đó phải có tên của người đại diện hoặc người giám hộ; hoặc người đại diện hay người giám hộ sẽ đứng tên và trong giấy chứng nhận sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên.

+ Có địa phương từ chối cấp Giấy chứng nhận đối với người chưa thành niên vì chưa có hướng dẫn.

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Hôn nhân Gia đình 2014 thì cháu của anh có quyền sở hữu trên một phần tài sản của cha mẹ cháu và có thể được đứng tên trên giấy chứng nhận nhưng phải kèm theo tên của cha là người đại diện theo pháp luật của cháu, giấy chứng nhận sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên. Tuy nhiên cũng có thể cơ quan có thẩm quyền sẽ từ chối cấp giấy chứng nhận vì chưa có hướng dẫn cụ thể cho trường hợp này.

Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật

Ban Bạn đọc

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/chua-du-16-tuoi-co-duoc-dung-ten-so-do-426091.html