Chú trọng phòng trừ sâu bệnh hại lúa giai đoạn cuối vụ
Vụ hè thu năm nay toàn tỉnh gieo cấy được 22.580 ha lúa. Hiện nay cây lúa đang ở giai đoạn làm đòng - trổ bông, đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng lúa cả vụ. Để bảo đảm cho cây lúa sinh trưởng tốt, ngành Nông nghiệp, các địa phương đang tích cực chỉ đạo nông dân chủ động theo dõi, kịp thời phát hiện và phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại.
Trao đổi với chúng tôi khi đang kiểm tra sinh trưởng của cây lúa trên đồng ruộng, ông Nguyễn Quân, Phó Giám đốc HTX Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng cho biết, vụ hè thu năm nay HTX gieo cấy được hơn 160 ha lúa với các giống chủ lực như Khang Dân, HT1, HN6... Nhờ tuân thủ đúng khung lịch thời vụ của huyện nên đến thời điểm này cây lúa phát triển tốt và đang vào kì trổ bông đại trà. Tuy nhiên, theo ông Quân với thời tiết nắng nóng cục bộ như hiện nay thì các loại sâu bệnh như rầy các loại, sâu cuốn lá, khô vằn, vàng lá và lem lép hạt… có khả năng phát sinh và gây hại. Do vậy, những ngày này toàn bộ HTX đều tập trung ra đồng kiểm tra sâu bệnh để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ. “Theo dự báo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện từ nay đến cuối vụ thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát sâu bệnh khá cao. Đây lại là giai đoạn quyết định đến năng suất và chất lượng lúa. Vì vậy, HTX đã quán triệt đến tất cả xã viên tuyệt đối không được lơ là, mà cần phải chủ động phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả”, ông Quân cho hay.
Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Hải Lăng Dương Văn Tuấn cho biết, vụ hè thu năm nay toàn huyện gieo cấy gần 6.800 ha lúa với các giống lúa chủ lực như Khang Dân, Ma Lâm, HT1, Thiên Ưu, HN6… Hiện nay cây lúa đang ở giai đoạn trổ bông đại trà, một số địa phương đã bắt đầu chín sáp. Đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với các loại sâu bệnh và ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối vụ. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Trạm TT&BVTV, toàn huyện có gần 50 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn với tỉ lệ hại phổ biến 7%, nơi cao lên đến 15%; hơn 80 ha bị nhiễm bệnh vàng lá sinh lí. Bên cạnh đó còn xuất hiện một số loại sâu bệnh khác như nhện gié, sâu cuốn lá, rầy các loại và chuột gây hại trên diện tích khoảng 20 ha. Nhằm đảm bảo cho năng suất lúa hè thu đạt kết quả cao, hạn chế ảnh hưởng của các loại sâu bệnh thì ngoài các giải pháp thông thường Trạm TT&BVTV đã phối hợp với Công ty VFC tiến hành phun thí điểm một số loại thuốc như Xantoxin, Aproach; chế phẩm điều hòa sinh trưởng Tora, Solo... Đây là các loại thuốc phòng bệnh khô vằn, vàng lá, lem lép hạt, thối gốc cuối vụ, trừ vi khuẩn bạc lá, trừ sâu cuốn lá và kích thích trổ bông, rút ngắn thời gian sinh trưởng, làm chắc hạt nhưng không độc hại, không ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo. Đồng thời cử cán bộ trực tiệp về tận cơ sở cùng với nông dân thăm đồng theo dõi sát diễn biến các đối tượng sâu bệnh gây hại để khuyến cáo các biện pháp phòng trừ kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sâu bệnh gây ra. “Ngoài việc kiểm tra thực tế tại đồng ruộng và hướng dẫn kĩ thuật cho người dân phòng trừ sâu bệnh, Trạm TT&BVTV còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp tăng cường công tác dự tính, dự báo, kiểm tra, khoanh vùng diện tích lúa bị nhiễm cụ thể từng đối tượng sâu bệnh hại để triển khai các biện pháp phòng trừ. Các HTX trong toàn huyện cũng đang tích cực chỉ đạo nông dân tiến hành phun trừ các loại sâu bệnh theo quy trình kĩ thuật “4 đúng” là đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng - nồng độ nhằm ngăn chặn sâu bệnh lây lan trên diện rộng”, ông Tuấn thông tin.
Còn tại huyện Gio Linh, vừa dẫn chúng tôi đi kiểm tra đồng ruộng Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Gio Linh Võ Thị Tuyết Trinh vừa cho biết, vụ hè thu năm nay toàn huyện gieo cấy 3.737 ha lúa. Hiện cây lúa trà sớm đang ở giai đoạn trổ; trà chính vụ đang ở giai đoạn làm đòng. Hiện nay thời tiết khá thuận lợi cho cây lúa phát triển, đồng thời cũng thuận lợi cho các đối tượng dịch hại như chuột, rầy các loại, sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, bạc lá… phát sinh và gây hại. Cụ thể, theo điều tra đồng ruộng của Trạm TT&BVTV, rầy nâu và rầy lưng trắng đã phát sinh gây hại trên diện tích 17 ha ở xã Gio Quang và Gio Mỹ, mật độ rầy phổ biến từ 750 con/m2 , nơi cao lên đến 1.000 con/m2 , gây hại chủ yếu trên giống HC95; ngoài ra còn có 195 ha lúa bị chuột gây hại, trong đó có 26 ha hại nặng. Dự báo thời gian tới các loại sâu bệnh hại như bệnh khô vằn, bạc lá, rầy lưng trắng và rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ... sẽ tiếp tục phát sinh, tích lũy mật độ và gây hại nặng. Theo bà Trinh, đối với diện tích lúa bị nhiễm rầy Trạm TT&BVTV đã trực tiếp về tận đồng ruộng hướng dẫn nông dân tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn, vị độc như Chess 50WG, Starcheck 775WWP, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc tiếp xúc vì sẽ tiệt diệt thiên địch và không diệt được trứng rầy.
Cũng theo bà Trinh, mặc dù đây là giai đoạn lúa vẫn còn mẫn cảm với bệnh lùn sọc đen tuy nhiên chưa phát hiện mẫu rầy dương tính với bệnh lùn sọc đen vì vậy nông dân cần bình tĩnh, thường xuyên thăm đồng, kiểm tra mật độ rầy và chỉ phun thuốc khi mật độ 1.000 con/m2 trở lên; đối với sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân cần tiến hành phun thuốc trừ sau khi sâu trưởng thành ra rộ khoảng một tuần với mật độ trung bình 1 con/m2 , sâu non tuổi 1 - 2 mật độ khoảng 10 con/m2 trở lên. Ngoài ra, cần tập trung chăm sóc, bón phân, tưới nước và phun phân bón lá bổ sung cho cây lúa.
Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV tỉnh, hiện nay cây lúa trà sớm đang ở giai đoạn trổ bông, diện tích trổ khoảng 8.760 ha tập trung ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, thị xã Quảng Trị; diện tích còn lại đang ở giai đoạn làm đòng, dự kiến sẽ trổ tập trung trong những ngày tới. Hiện nay, trên đồng ruộng ngoài gần 800 ha lúa bị chuột cắn phá đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại như sâu keo, sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, bạc lá… ; đặc biệt đã có khoảng 30 ha lúa bị nhiễm rầy các loại với mật độ phổ biến từ 800 - 900 con/m2 , nơi cao lên đến 1.200 - 1.500 con/ m2 . Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nắng nóng thời gian qua đã làm trên 1.000 ha lúa bị khô hạn nặng. Mặc dù sau đợt mưa đầu tháng 7/2019 tình hình khô hạn đã được cải thiện, tuy nhiên do ảnh hưởng của nắng nóng, khô hạn đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa và kéo dài thời gian sinh trưởng từ 5 - 7 ngày. Ngoài ra có gần 3.000 ha lúa gieo cấy chậm so với lịch thời vụ, như vậy dự kiến toàn tỉnh sẽ có trên 4.000 ha lúa thu hoạch từ 5 - 10/9/2019, trễ từ 10 - 15 ngày so với lịch thời vụ của tỉnh.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Trần Minh Tuấn, tuy lúa hè thu đang phát triển tốt nhưng theo nhận định của Chi cục TT&BVTV, giai đoạn này cũng có nhiều yếu tố có thể gây thiệt hại đến năng suất và sản lượng toàn vụ nếu người nông dân chủ quan, thiếu theo dõi và không chủ động áp dụng các biện pháp chăm sóc thích hợp. Hiện tại ngoài chuột còn có bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ gây hại cục bộ; đáng chú ý rầy các loại gây hại đang bắt đầu phát sinh, gia tăng mật độ và gây hại; bệnh lùn sọc đen có thể phát sinh gây hại trên lúa trà muộn. Do đó các địa phương cần hết sức chú ý đến việc thăm đồng, kịp thời phát hiện và chủ động có các biện pháp phòng trừ ngay khi sâu bệnh mới phát sinh.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141250