Chú trọng phát triển đàn bò lai ở Hải Ba

Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có dồi dào từ phụ phẩm nông nghiệp và nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhiều hộ nông dân ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò theo hướng bò lai. Đến nay nhiều hộ chăn nuôi bò đã từng bước thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định để nâng cao cuộc sống.

 Mô hình chăn nuôi bò lai nhốt chuồng của gia đình bà Khổng Thị Tuyết. Ảnh: ĐV

Mô hình chăn nuôi bò lai nhốt chuồng của gia đình bà Khổng Thị Tuyết. Ảnh: ĐV

Hải Ba là địa phương thuần nông với cơ cấu kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp “chân đồng, chân cát” nên các loại phụ phẩm nông nghiệp khá dồi dào, phù hợp với chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò. Tận dụng lợi thế này, những năm qua, chính quyền địa phương đã khuyến khích, vận động và có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi trâu, bò lai trên địa bàn. Cụ thể, từ nhiều năm nay xã đã hỗ trợ nguồn vốn linh động cho nông hộ vay với lãi suất 0% trong vòng 3 năm, nhờ đó nhiều hộ đã tận dụng được nguồn vốn để chăn nuôi gia súc như heo, bò… tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần giúp thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ngoài ra, xã cũng đã triển khai dự án giảm nghèo bền vững, đa dạng hóa sinh kế thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, cho 7 hộ nghèo vay với tổng kinh phí 90 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, con giống chăn nuôi bò, lợn. Ngoài chính sách của xã, các HTX cũng đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp như cho vay không lãi suất một phần vốn để hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi đền bù thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi, trong đó có chuyển đổi phát triển nuôi bò theo hướng lai tạo.

Nhờ những chính sách hỗ trợ từ các kênh vốn ưu đãi, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn phát triển đàn bò, trong đó chú trọng lai tạo bò lai để nâng cao giá trị thu nhập. Như hộ ông Võ Viết Đoan, Võ Viết Phương, nhờ có sự hỗ trợ ban đầu mà đến nay đã phát triển đàn bò của gia đình lên từ 5- 9 con. Hay như gia đình bà Khổng Thị Tuyết thuộc hộ gia đình khó khăn trong nhiều năm, cũng nhờ phát triển chăn nuôi bò mà dần thoát nghèo và có điều kiện hơn về kinh tế. Bà Tuyết cho biết, đến nay gia đình bà đã có tổng đàn bò 10 con, chăn nuôi theo kiểu bán chăn thả và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như cỏ, rơm. Bà Tuyết cho biết: “Một năm gia đình tôi bán được khoảng 3-4 con bò với giá bình quân từ 15-20 triệu đồng/con, trừ chi phí, công cán cũng cho nguồn thu nhập ổn định. Hiện gia đình còn 10 con, trong đó có 6 bò cái lai sinh sản nên số bê con sinh sản sắp tới cũng khá. Chúng tôi mong muốn thời gian tới được các cấp tạo điều kiện hỗ trợ về đất trồng, cỏ giống để trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Ba Lê Đức Duy cho biết, từ năm 2016 đến nay xã đã hỗ trợ cho 12 hộ vay vốn ưu đãi để đầu tư làm chuồng trại, mua con giống để chăn nuôi bò lai. Cứ sau 3 năm thì thu hồi nguồn vốn vay này để hỗ trợ tiếp cho những hộ nông dân khác vay vốn tiếp tục phát triển chăn nuôi bò để xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy vậy, do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế, ngân sách dành cho vay chăn nuôi nói chung và bò lai nói riêng chủ yếu là nhờ phân bổ từ cấp trên, nguồn thu tại chỗ chưa cao nên việc mở rộng mô hình chăn nuôi bò lai trên địa bàn xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn dù nhu cầu vay của người dân còn tương đối nhiều.

Cùng với các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên, những năm qua xã Hải Ba đã đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò của xã và đến nay đã mang lại hiệu quả khá khả quan. Địa phương đã tiến hành thực hiện thiến bò đực cóc, lai tạo bò lai Sind, bò lai 3B. Đến nay toàn xã đã phát triển được tổng đàn bò đạt 656 con, trong đó số lượng bò lai chiếm gần 60% tổng đàn. Trong năm 2019, toàn xã đã xuất chuồng được 153 con, qua đó mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Để phát triển đàn bò bền vững, bên cạnh chú trọng công tác lai tạo, xây dựng chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn, địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân duy trì và mở rộng đàn bò; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục vận động các hộ chăn nuôi, trong đó có các hộ chăn nuôi bò lai nhốt chuồng di dời chuồng trại ra xa khu dân cư và xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường.

Chủ tịch UBND xã Hải Ba Mai Văn Căn cho biết, trong những năm tới xã sẽ tiếp tục duy trì và phát triển có hiệu quả các mô hình chăn nuôi như lợn, dê, gia cầm; trong đó tiếp tục tập trung phát triển mô hình bò lai nhốt chuồng vì đây là loại con nuôi đạt hiệu quả kinh tế khá cao và có tính bền vững, phù hợp với địa phương. Chú trọng phát triển mở rộng mô hình chăn nuôi bò lai nhốt chuồng kết hợp trồng cỏ, đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo để tăng tỉ lệ bò lai, vận động người dân thiến, bài đực cóc, phát triển chăn nuôi lợn theo hướng gia trại và di chuyển ra vùng chăn nuôi tập trung; sử dụng hầm Biogas nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Ông Căn chia sẻ thêm: “Trong số những loại con nuôi chủ lực thì xã phấn đấu năm 2020 phát triển được tổng đàn bò lên 700 con, trong đó bò lai phải chiếm tỉ lệ từ 60% trở lên. Chúng tôi kỳ vọng những năm tới Hải Ba sẽ trở thành địa phương có mô hình chăn nuôi bò lai nhốt chuồng đạt hiệu quả cả về số lượng, chất lượng và giá trị kinh tế cao của huyện”.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=148016