Chú trọng giá trị lịch sử, văn hóa và tính đại diện trong đặt tên xã, phường mới
Thời gian gần đây dư luận trong nước cũng như trong tỉnh rất quan tâm, đặc biệt theo dõi quá trình thực hiện đặt tên xã, phường sau khi thực hiện sáp nhập. Việc đó hết sức chính đáng, thể hiện sự quan tâm, lòng yêu mến quê hương, đất nước của từng đồng bào, mang tính nhân văn sâu sắc. Trong đó, rất nhiều người sinh ra, lớn lên, gắn kết cả đời người nơi 'chôn nhao cắt rốn' từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần với nền văn minh làng - xã.
Trong việc đặt tên xã, phường cần thực hiện những nguyên tắc chung, như sau: Tuân thủ Nghị quyết số 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; Đảm bảo tên gọi ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ và có tính hệ thống; Phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương; Cân nhắc ý nghĩa lịch sử và văn hóa của tên mới; Tôn trọng nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Tiêu chí lựa chọn là giá trị lịch sử - văn hóa, cần ưu tiên những tên gắn với di tích lịch sử quan trọng, sự kiện tiêu biểu hoặc giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
Lưu ý tính đại diện, với tên gọi cần phản ánh đặc trưng của vùng đất và con người, bao quát được các đặc điểm về địa lý, kinh tế, xã hội. Mức độ phổ biến trong cộng đồng, ưu tiên những địa danh có độ nhận diện cao trong cộng đồng.
Việc áp dụng những nguyên tắc này sẽ giúp đảm bảo tính nhất quán, khoa học và hiệu quả trong quá trình đặt tên cho các đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và sắp xếp theo Nghị quyết 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc đặt tên xã, phường mới sau sáp nhập không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn liên quan đến bản sắc văn hóa và sự đồng thuận của cộng đồng. Cần có sự tham vấn rộng rãi từ cộng đồng dân cư, các nhà nghiên cứu và chuyên gia để đảm bảo cái tên được chọn thực sự phản ánh được tinh thần, lịch sử và khát vọng của vùng đất đó.
Tại bài viết này, tác giả xin cung cấp thông tin chi tiết một số nội dung chi tiết về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã ở tỉnh Bình Thuận như sau:
Số lượng xã, phường của tỉnh Bình Thuận sau sáp nhập sẽ giảm xuống còn 45 đơn vị mới, bao gồm: 36 xã, 8 phường, 1 đặc khu (Phú Quý).
Nhiều địa danh quen thuộc và có ý nghĩa lịch sử được giữ lại sau khi sáp nhập, bao gồm: Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận…
Ngoài ra, một số tên huyện hiện tại của tỉnh cũng được giữ lại làm tên các xã, phường mới như: La Gi, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận, Bắc Bình, Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh.
Một số địa phương chọn đặt tên xã, phường mới theo tính đại diện, địa danh phổ biến trong cộng đồng, như:
Phường Mũi Né (mới): Được hình thành từ việc sáp nhập phường Hàm Tiến, Mũi Né và xã Thiện Nghiệp thuộc TP. Phan Thiết. Phường Phan Thiết: Được hình thành từ việc sáp nhập phường Phú Trinh, Lạc Đạo và Bình Hưng thuộc TP. Phan Thiết. Phường Bình Thuận: Được hình thành từ việc sáp nhập các xã Phong Nẫm, phường Phú Tài (TP. Phan Thiết) và xã Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc). Xã Tuyên Quang: Được hình thành từ việc sáp nhập các xã Hàm Mỹ (huyện Hàm Thuận Nam) và Tiến Lợi (TP. Phan Thiết).
Các địa phương đặt tên mới: Đặc khu Phú Quý, được thành lập mới dựa trên việc sáp nhập 3 xã Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh của huyện đảo Phú Quý. Xã mới Nam Thành được sáp nhập từ xã Mê Pu, xã Sùng Nhơn và xã Đa Kai. Xã mới Hoài Đức được sáp nhập từ xã Đức Tín, thị trấn Đức Tài và xã Đức Hạnh.
Việc sắp xếp này giúp giảm khoảng 62% đơn vị hành chính cấp xã so với trước đây, đồng thời vẫn giữ được nhiều địa danh có ý nghĩa lịch sử và văn hóa của tỉnh Bình Thuận. Việc trên mạng xã hội trong những ngày qua, có một số ý kiến đề xuất nên chọn một xã, phường (ở thị xã La Gi) đặt tên Bình Tuy (tên tỉnh Bình Tuy 1956 - 1976), sau này sáp nhập vào thành tỉnh Thuận Hải). Một số ý kiến đề xuất tên Hòa Đa (tên một quận cũ phía bắc tỉnh) để đặt tên cho một xã ở khu vực phía bắc của tỉnh. Những đề xuất trên đều là nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tỉnh cần lưu ý.
Qua phương án đặt tên đường (dự thảo, đang lấy ý kiến nhân dân), xét thấy việc đề xuất đặt tên xã, phường mới sau sáp nhập, như trên của tỉnh Bình Thuận là tuân thủ chấp hành, đồng thời linh hoạt, vận dụng tốt giá trị lịch sử, văn hóa và tính đại diện trong đặt tên xã, phường mới theo tinh thần nội dung Nghị quyết số 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.