Chủ tịch UBND tỉnh được áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, Chủ tịch UBND tỉnh được áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong những trường hợp thật cần thiết.

Sáng 19-2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương với đa số phiếu tán thành.

Luật vừa được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, với 50 điều, giữ nguyên về số điều nhưng đã có sự chỉnh lý 41/50 điều so với dự thảo Luật Chính phủ đã trình Quốc hội tại đầu kỳ họp này.

Trước đó, tại báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định luật này là nhằm bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở một số địa phương, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp.

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ phối hợp với Chính phủ tổng kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trong thời gian. Từ đó có cơ sở đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp và thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước theo đúng yêu cầu tại các Nghị quyết, Kết luận của Đảng về cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian qua.

Cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định trong Luật về chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính không tổ chức chính quyền địa phương để phù hợp với các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.

Tiếp thu ý kiến này, khoản 1 Điều 2 của Luật quy định chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh/huyện/xã là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.

Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cụ thể thì chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là UBND.

Ngoài ra, theo cơ quan thường trực của Quốc hội, có ý kiến đề nghị giao Chủ tịch UBND được quyền quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong những trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh nhưng phải kèm theo cơ chế kiểm soát chặt chẽ.

 Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương với đa số phiếu tán thành. Ảnh: QH

Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương với đa số phiếu tán thành. Ảnh: QH

Tiếp thu ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định về thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh được quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong những trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

Quy định này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND trong việc giải quyết các vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đặt ra, đòi hỏi phải có quyết sách nhanh chóng, như khi xảy ra đại dịch COVID-19 hay khi cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp phục vụ phòng chống bão, lũ và khắc phục hậu quả thiên tai…

HĐND bị giải tán khi làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân

Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua dành một chương với bảy điều quy định về tổ chức chính quyền địa phương trong trường hợp thay đổi địa giới hành chính và các trường hợp đặc biệt khác.

Đáng chú ý, Điều 47 của Luật quy định HĐND làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân thì bị giải tán.

Về thẩm quyền, Luật quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải tán HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp tỉnh giải tán HĐND cấp huyện và HĐND cấp huyện giải tán HĐND cấp xã.

Quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định Quốc hội có thẩm quyền giải tán HĐND cấp tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền giải tán HĐND cấp huyện, cấp xã để phù hợp với thẩm quyền quyết định việc nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Về nội dung này, cơ quan thường trực của Quốc hội cho rằng quy định tại Điều 47 nói trên phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 74 của Hiến pháp năm 2013. Trên tinh thần quy định của Hiến pháp, Luật giao HĐND cấp tỉnh giải tán HĐND cấp huyện, HĐND cấp huyện giải tán HĐND cấp xã là bảo đảm tính phù hợp và logic.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chu-tich-ubnd-tinh-duoc-ap-dung-cac-bien-phap-cap-bach-khac-quy-dinh-cua-phap-luat-post834952.html