Chủ tịch Tp.HCM muốn thành lập Tập đoàn Sài Gòn

Theo Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Văn Được, địa phương này cần ít nhất 2 tập đoàn kinh tế đủ năng lực tham gia các dự án metro, đường vành đai.

UBND Tp.HCM vừa tổ chức phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025. Đây là phiên họp mở rộng đầu tiên của chính quyền TPHCM mới sau khi hợp nhất giữa 3 địa phương Tp.HCM và hai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương.

Phát biểu tại buổi họp trực tuyến đầu tiên với các sở, ngành và 168 xã, phường của Tp.HCM sau hợp nhất, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND Tp.HCM, cho rằng Tp.HCM cần tận dụng, phát huy nguồn lực, tạo ra những lực mới phát triển thành phố.

 Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Văn Được trao đổi tại phiên họp. Ảnh: Trung tâm Báo chí Tp.HCM.

Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Văn Được trao đổi tại phiên họp. Ảnh: Trung tâm Báo chí Tp.HCM.

Sau hợp nhất, thành phố mới có một tập đoàn kinh tế vốn Nhà nước đủ mạnh là Becamex, cần phải có ít nhất 2 tập đoàn kinh tế đủ lớn, đủ nguồn lực cho phát triển.

Trong đó, Becamex mạnh về đầu tư hạ tầng và nguồn vốn. Tp.HCM đang rất cần đầu tư cho hạ tầng. Thành phố có 7 tuyến đường sắt, Becamex có thể lựa chọn tuyến phù hợp, đề xuất cơ chế và nguồn vốn để triển khai thực hiện, theo chủ tịch Tp.HCM.

Ngoài ra, Becamex có thể xem xét đầu tư các đường giao thông đối nội, đối ngoại như quốc lộ 1A, đường dẫn cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, đường Nguyễn Văn Linh nối dài.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex, cho hay, tập đoàn đang có 35 đơn vị thành viên với tổng tài sản là 160.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã tham gia đầu tư, xây dựng gần 200km đường lớn tại tỉnh Bình Dương (cũ), với tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này đang nhắm đến việc đầu tư dự án tại các trục đường lớn như Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13, bởi đây là những tuyến đường đang có áp lực giao thông rất lớn.

Chủ tịch Becamex nhận định, Tp.HCM mới có nhiều dư địa phát triển lớn nhờ Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương (cũ) và thực lực vốn có của Tp.HCM (cũ).

Theo Chi cục Thống kê Tp.HCM, sau sáp nhập, Tp.HCM mới có dân số khoảng 14 triệu người, đóng góp 36,4% thu ngân sách và khoảng 25% GDP cả nước.

Quy mô GDP của Tp.HCM mới tương đương với các đô thị lớn trong khu vực như Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan) và Manila (Philippines).

Với mỗi 1% tăng trưởng GDP, Tp.HCM tạo ra khoảng 17.200 tỷ đồng, tương đương tổng quy mô kinh tế của một số tỉnh như Điện Biên, Lai Châu hay Cao Bằng. Dựa trên dữ liệu tích hợp từ ba địa phương cũ, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Tp.PHCM mới ước đạt khoảng 7,49%.

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chu-tich-tphcm-muon-thanh-lap-tap-doan-sai-gon-d59670.html