Chủ tịch sáng lập WEF trao đổi về kinh tế tri thức với giới trẻ TP.HCM
Theo GS. Klaus Schwab, độ tuổi trung vị của dân số Việt Nam chỉ hơn 30, đây là một quốc gia trẻ với tiềm năng lớn để trở thành nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD vào năm 2050.
Mỗi ý tưởng, sáng kiến... đều góp phần vào sự phát triển của đất nước
Ngày 6/10, UBND TP.HCM tổ chức talkshow truyền cảm hứng giữa giới trẻ với GS. Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Chương trình nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần 5 năm 2024 (HEF 2024).
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TP.HCM đang trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để thúc đẩy đà tăng trưởng. Do đó, kinh tế tri thức gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang được lãnh đạo TP.HCM đánh giá cao.
“Hơn ai hết, thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam. Mỗi bước đi của các bạn, mỗi ý tưởng khởi nghiệp, mỗi sáng kiến cải tiến đều góp phần vào sự thịnh vượng chung. Đất nước đang cần những cá nhân có bản lĩnh, có trí tuệ và lòng yêu nước để xây dựng và đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng trong tương lai”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, Việt Nam với hơn 100 triệu dân, GDP năm 2024 dự kiến đạt 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP dao động từ 6-7% và độ tuổi trung vị của dân số chỉ hơn 30 tuổi, là một quốc gia trẻ với tiềm năng lớn để trở thành nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD vào năm 2050.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện chủ yếu phụ thuộc vào các ngành công nghiệp và xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và sản xuất. Nhưng đến năm 2050, cấu trúc kinh tế - xã hội sẽ thay đổi đáng kể với sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại mà ông gọi là “Kỷ nguyên trí tuệ”. Do đó, khi bước vào kỷ nguyên này, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.
“Chúng ta đã nói nhiều về nền kinh tế tri thức, nền kinh tế số nhưng đến nay, tôi nghĩ chúng ta cần phải có bước đi xa hơn về một nền kinh tế thông minh để cách mạng hóa các ngành nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa, y tế…”, Chủ tịch WEF chia sẻ và thông tin thêm, có 4 lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình bối cảnh của Việt Nam gồm: AI và tự động hóa trong sản xuất, thương mại điện tử và dịch vụ số, hạ tầng số và đô thị thông minh, phát triển bền vững và công nghệ xanh.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục, GS. Klaus Schwab cho rằng, hệ thống giáo dục của Việt Nam từ lâu đã là một điểm mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Tuy nhiên, để tham gia toàn diện vào kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hệ thống giáo dục của mình, đảm bảo học sinh được trang bị những kỹ năng của tương lai, bao gồm tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và kỹ năng số.
Lời khuyên cho thế hệ trẻ
“Kỷ nguyên trí tuệ thường được coi là thời đại của sự gián đoạn, nhưng tôi thấy đây là một thời kỳ đầy cơ hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, internet vạn vật, công nghệ sinh học… đang mở ra những không gian cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chưa từng tồn tại trước đây”, nhà sáng lập WEF nhận định.
Tuy nhiên, để thành công trong kỷ nguyên trí tuệ không chỉ đòi hỏi kỹ năng công nghệ mà còn sự sáng tạo, kiên trì và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Khi thế giới sắp bước chân vào một thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt và một trong những phẩm chất quan trọng nhất mà giới trẻ cần phát triển chính là cam kết học tập suốt đời.
“Những công việc của ngày hôm nay có thể sẽ không còn tồn tại vào ngày mai. Những kỹ năng mà các bạn học ở trường ngày nay có thể sẽ cần được cập nhật chỉ trong vài năm tới. Quá trình học tập liên tục này vừa là thử thách, vừa là cơ hội. Người nào có đam mê, sẵn sàng thích nghi, phát triển và học hỏi những kỹ năng mới có thể thành công. Không có đam mê là sự thất bại”, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới chia sẻ.
Một trong những thách thức và cũng khó khăn nhất mà thế hệ trẻ Việt Nam đối mặt chính là đảm bảo sao cho công nghệ được sử dụng một cách có đạo đức và có trách nhiệm.
Trong kỷ nguyên trí tuệ, khi tạo ra những hệ thống AI ngày càng mạnh, hệ thống dữ liệu ngày càng thâm nhập sâu, lan tỏa rộng và mạng lưới kỹ thuật số ngày càng được tích hợp… thì những người trẻ càng phải phát huy vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết các mối quan tâm về tính đạo đức.
Do đó, người sáng lập WEF cho rằng, thế hệ trẻ có thể xem kỹ năng lãnh đạo như cơ thể con người, 5 yếu tố thiết yếu này phải phối hợp chặt chẽ với nhau để dẫn dắt một cách có hiệu quả và có mục đích. Cụ thể, linh hồn đại diện cho mục đích, bộ não đại diện cho tri thức, trái tim đại diện cho đam mê và lòng trắc ẩn, cơ bắp đại diện cho hành động và hệ thần kinh đại diện cho sự kiên cường.
“Trong kỷ nguyên trí tuệ, chúng ta cần những nhà lãnh đạo không chỉ có đam mê đổi mới và thành công, mà còn biết đồng cảm với những người và những cộng đồng mà họ phục vụ. Do đó, lòng trắc ẩn giúp đảm bảo rằng chúng ta sẽ xây dựng xã hội mang tính bao trùm, bình đẳng, nơi mọi người đều có cơ hội tham gia vào nền kinh tế số”, GS. Klaus Schwab chia sẻ.