Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt Đoàn ĐBQH các khóa tỉnh Hậu Giang
Chiều 29/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì buổi gặp mặt với Đoàn ĐBQH các khóa tỉnh Hậu Giang nhân dịp Đoàn tổ chức về nguồn, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội (6/1/1946 – 6/1/2026).

Quang cảnh buổi gặp
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh.
Về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang có đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang; các ĐBQH các khóa từ khóa XII đến khóa XV.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, sau hơn 20 năm thành lập, tỉnh Hậu Giang đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Hậu Giang đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ giao đều đạt và vượt. Có được kết quả này là nhờ sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp mặt Đoàn ĐBQH các khóa tỉnh Hậu Giang
Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về đề án sáp nhập tỉnh, trong đó sáp nhập Hậu Giang, Sóc Trăng với thành phố Cần Thơ, khi đó Hậu Giang và Sóc Trăng cũng được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố Cần Thơ như: Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Việc sáp nhập này để có dư địa phát triển thế mạnh của từng địa phương, trong đó Sóc Trăng phát triển kinh tế biển, Hậu Giang phát triển nông nghiệp, thành phố Cần Thơ phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, y tế.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ Kỳ họp thứ 8 và Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, những nội dung gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định khung và giao Chính phủ ban hành Nghị định, Thông tư, nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội linh hoạt hơn, phù hợp với sự thay đổi của tình hình thế giới và trong nước.

Đại biểu tham dự buổi gặp
Thông báo nhanh về kết quả đợt 1 Kỳ họp thứ 9 (kết thúc ngày 29/5), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, sau 22 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, dân chủ, trách nhiệm cao, đến thời điểm này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình Đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đa số các nội dung của Kỳ họp đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến một bước để làm cơ sở cho các cơ quan chỉnh lý, hoàn thiện; đồng thời, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 08 nghị quyết để triển khai sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và quyết định nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết khác để triển khai ngay các nghị quyết của Bộ Chính trị.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ sửa 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 để phục vụ cho việc tinh gọn bộ máy, trong đó có việc kết thúc hoạt động của cấp huyện. Quốc hội cũng xem xét, thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), sắp xếp từ 63 tỉnh, thành phố còn 34 tỉnh, thành phố.
Quốc hội cũng xem xét thông qua nhiều nội quan trọng, như bố trí nguồn chi lương, chi chế độ chính sách sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy; chi 3% ngân sách cho lĩnh vực khoa học công nghệ. Đặc biệt Quốc hội đang xem xét việc miễn học phí các cấp học – đây là quyết định chưa từng có trong lịch sử, mặc dù đất nước còn khó khăn.

Đại biểu tham dự buổi gặp
Cũng tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thông tin với đại biểu Quốc hội các khóa tỉnh Hậu Giang về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng nhằm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhiệm của của Quốc hội thời gian tới rất nặng nề, trong đó tập trung vào 3 điểm nghẽn: Thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân và đất nước phát triển.
Dự kiến ngày 6/1/2026 sẽ kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tổ chức hoạt động về nguồn như tham quan tại tỉnh Tuyên Quang, nơi có Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào là rất ý nghĩa; nhấn mạnh đây là một hoạt động ý nghĩa nhằm thiết thực để các đại biểu ôn lại truyền thống, ý nghĩa lịch sử 80 năm hoạt động của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội gửi tới Đoàn ĐBQH các khóa tỉnh Hậu Giang lời chúc sức khỏe và mong muốn các đại biểu tiếp tục đóng góp các ý kiến trí tuệ, tâm huyết vào các hoạt động của Quốc hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang Nguyễn Tuấn Anh
Tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang Nguyễn Tuấn Anh đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội khái quát tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các cơ chế, chính sách để Hậu Giang tiếp tục phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt Đoàn ĐBQH các khóa tỉnh Hậu Giang

Đại biểu tham gia buổi gặp

Đại biểu tham gia buổi gặp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94365