Chủ tịch Hồ Chí Minh và định hướng 'Xây dựng Thái Nguyên thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại'

Trong bối cảnh miền Bắc tăng cường cơ sở vật chất xây dựng Chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ đã có chủ trương: 'Ra sức phát triển công nghiệp sản xuất các tư liệu sản xuất'. Theo đó, năm 1959, Thái Nguyên vinh dự được lựa chọn xây dựng Khu công nghiệp Gang thép - cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim cả nước. Đây chính là nền móng vững chắc, có tính chất định hình từ sớm cho Thái Nguyên trong chiến lược phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực và vùng Thủ đô Hà Nội.

Dấu mốc mang tên Gang thép

Ngày 4/6/1959 là dấu mốc cực kỳ quan trọng đối với một tỉnh trung du, miền núi còn khó khăn như Thái Nguyên. Đúng ngày này, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên. Việc lựa chọn Thái Nguyên là bởi tỉnh ta có lợi thế về tài nguyên đất đai, khoáng sản, song có lẽ cũng bởi tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ về tiến trình phát triển kinh tế lâu dài của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Lò cao, Khu Gang Thép Thái Nguyên ngày 1/1/1964. Ảnh: T.L

Điều đáng nói là Bác Hồ rất quan tâm tới Thái Nguyên và ngành công nghiệp khai khoáng luyện kim của tỉnh. Bằng chứng là chỉ sau 4 ngày có quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép, Người đã đến thăm, động viên anh chị em công nhân lao động tại đây. Bác nhắc nhở mọi người phải ra sức đoàn kết, thi đua nhanh chóng hoàn thành kế hoạch xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên.

Khắc ghi lời Bác, 2,2 vạn cán bộ, công nhân Gang thép đã nỗ lực lao động ngày đêm, biến một vùng đồi núi hoang sơ thành Khu công nghiệp đồ sộ. Và tháng 11-1963, mẻ gang đầu tiên của lò cao số 1 tại Khu Gang thép chính thức ra lò. Tiếp đó, năm 1964, lò cao số 2 và nhà máy luyện cốc đi vào sản xuất…

Trong quá trình xây dựng và đưa Khu Gang thép vào sản xuất, Bác Hồ đã 2 lần về thăm. Lần thứ 2, ngày 1/1/1964, Người đã căn dặn: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang…”. Bác cũng đã từng nói: “Chính sách của Đảng là làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi (…) Với Khu Gang thép, đồng bào Thái Nguyên có thể tự hào rằng, về công nghiệp nặng thì miền xuôi cần thi đua với miền núi”.

Nền móng định hình tỉnh công nghiệp

Sau khi đi vào hoạt động, cùng với công nghiệp địa phương, Khu Gang thép đã có những đóng góp tích cực cho giá trị ngành công nghiệp của tỉnh lúc bấy giờ. Năm 1964, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh vượt 4,26% kế hoạch, tăng 8,7% so với năm trước, tăng bình quân trong 4 năm là 12%/năm. Sự xuất hiện của Khu Gang thép là động lực thúc đẩy các khu vực công nghiệp thế mạnh khác của tỉnh phát triển.

Về công nghiệp quốc doanh, giai đoạn này có thêm 32 xí nghiệp, trong đó có xưởng cơ khí 3-2, xưởng phốt phát Núi Văn, xưởng sản xuất đường Minh Lập, bột giấy Đại Từ, xưởng gỗ Tháng Tám và nhiều xưởng cơ khí nhỏ ở các huyện… Trong năm 1964, Thái Nguyên sản xuất được trên 25 nghìn tấn vôi, gần 2.900 tấn phốt phát, 35 nghìn tấn than, 32 triệu viên gạch, 64 tấn bột giấy…

Chính nhờ phát triển công nghiệp từ sớm với nòng cốt là Khu Gang thép mà qua nhiều giai đoạn, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng. Giai đoạn 1997, sau khi tách tỉnh Bắc Thái thành Thái Nguyên và Bắc Kạn, chúng ta có cơ cấu kinh tế là: Nông, lâm nghiệp và thủy sản (33,63%) - công nghiệp, xây dựng (32,27%) - thương mại, dịch vụ (31,29%). Tuy nhiên, 10 năm sau (2007) cơ cấu kinh tế đã dịch chuyển rõ rệt, lúc này công nghiệp - xây dựng đã bắt đầu chiếm tỷ trọng cao nhất. Và 23 năm sau (2020), cơ cấu đã là: Công nghiệp, xây dựng (59%) - dịch vụ (31%) - nông, lâm nghiệp, thủy sản (10%).

Phát triển tương xứng

Ngược dòng lịch sử, ngày 1/1/1964, lần cuối cùng Bác Hồ về thăm Thái Nguyên, nói chuyện với cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh, Người khẳng định: “Tỉnh ta sẵn có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hóa, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có đức tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Ghi nhớ lời dạy của Người, lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh nhà xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, với sự tin tưởng, đặt nền móng phát triển công nghiệp ngay từ sớm của Trung ương, Chính phủ và Bác Hồ.

Thái Nguyên hiện nay có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. 5 năm qua, trung bình hàng năm tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 11,1%. Trong đó, khu vực công nghiệp có giá trị sản xuất tăng bình quân 16,3%/năm. Điểm nhấn của công nghiệp Thái Nguyên chính là bên cạnh phát huy thế mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn truyền thống (luyện kim, khai khoáng, vật liệu xây dựng, may mặc) đã dịch chuyển mạnh sang công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện với môi trường (chiếm tới 99% tổng giá trị sản xuất toàn ngành).

KCN Điềm Thụy thu hút nhiều dự án FDI phát triển sản xuất công nghệ cao. Ảnh: T.L

Sản xuất điện thoại thông minh tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (Khu công nghiệp Yên Bình). Ảnh: T.L

Tập trung phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tập trung, thu hút các dự án FDI với quy mô đầu tư lên tới hàng tỷ đô la Mỹ, trong đó có Samsung - tập đoàn điện tử uy tín toàn cầu. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt trên 800 nghìn tỷ đồng/năm, đứng thứ tư cả nước.

Hiện nay, Thái Nguyên là một trong những địa phương có sức hút đầu tư lớn nhất cả nước. Tỉnh tập trung phát triển mạnh về khu vực phía Nam với quy hoạch đường động lực kết nối vùng Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Bắc Giang, đường vành đai V vùng Thủ đô cùng với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên kết nối các khu, cụm công nghiệp tập trung của tỉnh để tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển công nghiệp những năm tới, góp phần thực hiện thành công mục tiêu lớn đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là: “Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”.

Sơn Trường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/chu-tich-ho-chi-minh-va-dinh-huong-%E2%80%9Cxay-dung-thai-nguyen-thanh-trung-tam-kinh-te-cong-nghiep-hien-dai%E2%80%9D-284684-97.html