Chư Sê phát huy vai trò tổ truyền thông cộng đồng

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nội dung, từng đối tượng; được đông đảo người dân đón nhận và bước đầu đem lại những kết quả khả quan.

Vào buổi tối, các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng làng Sur A (xã Ia Ko) thường đến từng nhà trong làng để thăm hỏi và tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như những quy định của địa phương.

Ông Kpuih Ten-Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng làng Sur A-cho biết: Năm 2022, Tổ truyền thông cộng đồng làng Sur A được thành lập với 7 thành viên. Để tổ hoạt động hiệu quả, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền hàng tháng. Các thành viên trong tổ đến từng gia đình để tuyên truyền theo hình thức truyền thông nhóm nhỏ.

Trên cơ sở hướng dẫn của Hội LHPN xã, tổ đã tuyên truyền tập trung vào các chủ đề cụ thể, sát với tình hình địa phương. Hội LHPN xã cũng theo dõi, hỗ trợ tài liệu tuyên truyền và giám sát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ.

Hội LHPN huyện Chư Sê đã tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng, góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: M.K

Hội LHPN huyện Chư Sê đã tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng, góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: M.K

Tương tự, nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, năm 2022, Hội LHPN huyện Chư Sê đã thành lập Tổ truyền thông cộng đồng tại làng Ia Doa (xã Al Bá). Tổ truyền thông gồm 8 thành viên là bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên, nhân viên y tế thôn và các đoàn thể ở địa phương.

Ông Đinh Hân-Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng làng Ia Doa-cho hay: Ban điều hành gồm 3 thành viên có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động, lựa chọn nội dung, hình thức truyền thông phù hợp tại địa phương và duy trì giao ban tổ định kỳ 1 tháng/lần. Tổ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và lao động sản xuất.

Đồng thời, tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng; tìm hiểu những định kiến và khuôn mẫu giới tồn tại trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại địa phương. Từ đó, kịp thời phản ánh với Ban điều hành tổ về các vấn đề phát hiện ở địa bàn.

Hội LHPN huyện Chư Sê hiện có 126 chi hội thôn, làng, tổ dân phố. Những năm qua, Hội phối hợp với Phòng Dân tộc huyện triển khai thực hiện Dự án 8 tại 15 làng đặc biệt khó khăn. Năm 2022 và 2023, Hội LHPN huyện đã chủ trì phối hợp thành lập, ra mắt và duy trì hoạt động 9 tổ truyền thông cộng đồng, mỗi tổ có 7-10 thành viên. Hội LHPN huyện hỗ trợ mỗi tổ 3 triệu đồng để mua sắm trang-thiết bị.

Sau khi thành lập, Hội cũng tổ chức nhiều hội nghị truyền thông về giới và bình đẳng giới cho hội viên phụ nữ các làng đặc biệt khó khăn; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng điều hành cho ban điều hành và các thành viên.

Mỗi tổ truyền thông cộng đồng được Hội LHPN huyện hỗ trợ 3 triệu đồng mua sắm trang-thiết bị phục vụ hoạt động. Ảnh: Mai Ka

Mỗi tổ truyền thông cộng đồng được Hội LHPN huyện hỗ trợ 3 triệu đồng mua sắm trang-thiết bị phục vụ hoạt động. Ảnh: Mai Ka

Theo bà U Ran H’Na-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện: Mặc dù hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng chủ yếu dựa trên nguyên tắc tự nguyện nhưng ban điều hành và các thành viên đã phối hợp tốt với hệ thống chính trị ở cơ sở tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân.

Từ đó, các tổ góp phần làm thay đổi đáng kể nhận thức của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, từng bước giảm nghèo bền vững, tích cực hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do các cấp, các ngành và địa phương phát động.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-se-phat-huy-vai-tro-to-truyen-thong-cong-dong-post281890.html