Chủ Khu tứ giác Bến Thành lại lỡ hẹn thanh toán 10.000 tỷ đồng trái phiếu

Với 10.000 tỷ đồng trái phiếu huy động, Saigon Glory từng cam kết mua trước hạn theo hai giai đoạn, 1 là không muộn hơn 12/6/2023, còn giai đoạn 2 chậm nhất vào ngày 12/6/2024.

Công ty TNHH Saigon Glory hiện đang là chủ sở hữu dự án The Spirit of Saigon: Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ – căn hộ – khách sạn hay còn gọi là Khu Tứ Giác Bến Thành tại địa chỉ số 1 Phạm Ngũ Lão, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM.

Năm 2020, Saigon Glory phát hành 10 lô lẻ trái phiếu giá trị 10.000 tỷ đồng cho gần 4.000 trái chủ để thực hiện Dự án The Spirit of Saigon. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 - 5 năm và lãi suất tối thiểu năm đầu tiên 11%/năm. Trong đó, 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 6 - 7/2023 và 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 8/2025.

Tài sản đảm bảo là phần vốn góp tại Công ty TNHH Sài Gòn Glory là công trình trên đất hình thành trong tương lai là tháp A - cấu phần khách sạn, văn phòng hình thành trên ô đất dự án. Việc phát hành lô trái phiếu trên thông qua CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI); Tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC - CN tại TP. HCM.

Tháp A của dự án The Spirit of Saigon (Khu tứ giác Bến Thành) được dùng làm tài sản bảo đảm cho 10.000 tỷ đồng trái phiếu do Saigon Glory phát hành. (Nguồn: Bitexco).

Tháp A của dự án The Spirit of Saigon (Khu tứ giác Bến Thành) được dùng làm tài sản bảo đảm cho 10.000 tỷ đồng trái phiếu do Saigon Glory phát hành. (Nguồn: Bitexco).

Trong thông báo gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Saigon Glory cho biết doanh nghiệp đã giải ngân toàn bộ 10.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu trong giai đoạn 12/6 - 28/8/2020. Trong đó, 9.915 tỷ đồng được dùng để hoàn trả công nợ; 85 tỷ đồng để đầu tư vào dự án (đầu tư 45 tỷ, thanh toán tiền cho nhà thầu 22 tỷ, bổ sung vốn kinh doanh 18 tỷ).

Tháng 10/2022, sau những rắc rối về khả năng thanh toán trái phiếu trên thị trường tài chính, Saigon Glory có cam kết mua lại trước hạn toàn bộ 10.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành này theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, công ty mua 5.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn không muộn hơn 12/6/2023, còn giai đoạn 2 không muộn hơn 12/6/2024.

Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung của ngành bất động sản, số trái phiếu này nhiều lần được Saigon Glory thông báo chậm thanh toán. Vào tháng 6, 7 và 8/2023, công ty đã gửi văn bản lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), công bố về việc chậm thanh toán gốc và lãi của 5 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 5.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này có mã SGL-2020.01, SGL-2020.02, SGL-2020.03, SGL-2020.04 và SGL-2020,05, phát hành từ tháng 6 và 7/2020, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào tháng 6, tháng 7/2023.

Lý do công ty nêu là thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi dẫn đến chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán đúng hạn so với kế hoạch.

Đến cuối tháng 1/2024, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, công ty có liên quan mật thiết với Saigon Glory, đã gửi thư đến các trái chủ sở hữu 10.000 tỷ đồng trái phiếu nói trên. Ông Hội cho biết: “Với trách nhiệm của Người đứng đầu Tập đoàn Bitexco, tôi cam kết việc thanh toán các khoản tiền gốc và lãi trái phiếu sẽ được thực hiện đầy đủ theo đúng kế hoạch và phương án thanh toán của nội dung phiếu lấy ý kiến”.

Thực tế cho thấy, số liệu mới nhất trên Chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Cbonds), trong tháng 6/2024, Sài Gòn Glory đã thực hiện mua lại tổng cộng gần 200 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Điều này đã đưa giá trị trái phiếu còn lại sau khi mua lại (theo mệnh giá) còn tới 9.411 tỷ đồng, khác với cam kết ban đầu của doanh nghiệp.

Giá trị trái phiếu còn lại của Saigon Glory sau khi mua lại. (Nguồn: Cbonds).

Giá trị trái phiếu còn lại của Saigon Glory sau khi mua lại. (Nguồn: Cbonds).

Việc huy động lượng lớn trái phiếu cũng đã gây áp lực lên kết quả kinh doanh của Saigon Glory khi phải gánh một khoản nợ vay lớn.

Theo thông tin công bố trên Cbonds, năm 2022, Saigon Glory lỗ sau thuế 152 tỷ đồng, trong khi con số của năm 2021 là lãi sau thuế hơn 290 tỷ. Với vốn chủ sở hữu là 6.847 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là âm 2,22% (cùng kỳ là 4,15%).

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên từ 3,73 lần năm 2021 lên 3,99 lần cho năm 2022. Như vậy, tổng nợ phải trả của chủ Khu tứ giác Bến Thành lên tới hơn 27.300 tỷ đồng, chiếm 80% tổng nguồn vốn tại thời điểm cuối năm 2022.

Minh Hằng

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/bat-dong-san/chu-khu-tu-giac-ben-thanh-lai-lo-hen-thanh-toan-10000-ty-dong-trai-phieu-215299.html