Chủ dự án khu 'đất vàng' khiến hàng loạt nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Thuận vướng lao lý là ai?
Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư, kinh doanh bất động sản, tư vấn môi giới đấu giá bất động sản, dịch vụ lưu trú ngắn ngày…
Chuyển đổi dự án sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị
Căn cứ kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Công ty cổ phần Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) có trụ sở chính tại đường Tôn Đức Thắng, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận được thành lập ngày 06/9/2007. Đến năm 2021, Công ty này đã đăng ký thay đổi lần thứ 33, vốn điều lệ là 4.500.000.000.000 đồng.
Người đại diện theo pháp luật là bà Trịnh Thị Phương Hiền, Tổng giám đốc; Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Văn Đông.
Các ngành nghề kinh doanh chính gồm: Xây dựng công trình dân dụng, giao thông, sân bay, đường bộ, đường sắt, công trình thủy lợi; trồng rừng, chăm sóc rừng; các dịch vụ liên quan đến vận tải, thu phí cẩu đường; tư vấn môi giới, đấu giá bất động sản, quyền sử dụng đất; khai thác đá, cát; dịch vụ du lịch...
Ngày 8/9/2013, Công ty Rạng Đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Công ty Regent International OverSeas Corp tại Công ty TNHH MTV Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết với giá 2.500.000 USD.
Sau đó, Công ty Rạng Đông nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH MTV Golf và Câu lạc bộ Golf Phan Thiết từ 100% vốn nước ngoài sang 100% vốn trong nước.
Ngày 15/11/2013, bị can Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký Cấp giấy chứng nhận đầu tư số 481043000325 (thay đổi lần thứ tư), điều chỉnh nhà đầu tư từ "Công ty Regent International OverSeas Corp" thành "Công ty cổ phần Rạng Đông".
Theo đó, Công ty cổ phần Rạng Đông có trách nhiệm kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, quyền và lợi ích của chủ đầu tư công ty, cũng như Dự án Ocean Dunes Golf Club (Dự án sân golf Phan Thiết) tại khu đất có diện tích 620.656 m2 thuộc phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết (đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1994, hình thức thuê đất trả tiền hằng năm).
Trong các ngày 02/12 và 24/12/2013, Công ty Rạng Đông có Văn bản số 810CV và 204BC/TH-RĐ gửi Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf sang đất ở đô thị tại dự án Ocean Dunes Golf Club.
Cáo trạng của VKSND Tối cao nêu rõ, trên cơ sở các văn bản đề nghị của Công ty Rạng Đông và ý kiến tham mưu của các sở, ngành, ngày 13/3/2014, Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký Công văn số 839/UBND-VXDL báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương về chuyển đổi mục đích sử dụng đất của sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị, theo như đề nghị của Công ty Rạng Đông.
Ngày 06/5/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức họp và thống nhất kết luận đồng ý để UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ diện tích 620.656m2 đất sân golf sang xây dựng khu đô thị tại dự án Ocean Dunes Golf Club của Công ty Rạng Đông.
Ngày 28/10/2014, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 2117/TTg-KTN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Bình Thuận về việc điều chỉnh sân golf Phan Thiết, nội dung đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 đã được phê duyệt tại quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009; được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 25/5/2014; UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết các vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Chuyển mục đích sử dụng đất, gây thiệt hại tài sản Nhà nước
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo xin chủ trương và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý; sau đó chỉ đạo các sở, ngành tham mưu, làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.Phan Thiết, cấp giấy phép quy hoạch khu đô thị tại khu vực dự án sân golf Phan Thiết; hướng dẫn Công ty Rạng Đông lập quy hoạch chi tiết; cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của TP.Phan Thiết và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP.Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận.
Ngày 26/3/2015, theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, bị can Lê Tiến Phương ký giấy chứng nhận đầu tư (thay đổi lần thứ sáu) điều chỉnh nội dung đầu tư từ Dự án Ocean Dunes Golf Club (Dự án sân golf Phan Thiết) thành Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; đồng thời điều chỉnh ngành nghề kinh doanh thành kinh doanh bất động sản, tư vấn môi giới đấu giá bất động sản, dịch vụ lưu trú ngắn ngày…
Đến ngày 6/4/2015, trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành chuyên môn và tham mưu của Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, bị can Lê Tiến Phương ký ban hành Quyết định số 909/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, tỉ lệ 1/500 đối với khu đất sân golf tại phường Phú Thủy (TP.Phan Thiết).
Trong đó, cơ cấu sử dụng đất gồm 363.534m2 đất ở kết hợp thương mại dịch vụ, còn lại là diện tích đất công cộng, công trình giao thông, công viên, cây xanh...và không bố trí 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.
Đến ngày 10/4/2015, bị can Lê Tiến Phương tiếp tục ký ban hành Quyết định số 997/QĐ-UBND cho phép chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích 363.523,6m2 (giảm 10m2 so với quy hoạch chi tiết do có sai số trong quá trình đo đạc) đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao sang đất ở đô thị; giao Sở Tài nguyên và Môi trường luân chuyển hồ sơ để xác định nghĩa vụ tài chính.
Sau đó, Lê Tiến Phương và các bị can tại các sở, ngành, đơn vị liên quan đã thực hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc xây dựng, thẩm định phương án giá đất và phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất đối với diện tích 363.523,6m2 được phép chuyển mục đích sử dụng đất của dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 17 bị can về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong đó, đáng chú ý có ông Lê Tiến Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; ông Thuận Nguyễn Ngọc, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Đỗ Ngọc Diệp, nguyên Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết và Nguyễn Xuân Phong, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận.