Chủ động thoát nghèo

Được ví như những 'đốm lửa nhỏ' ở xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) từ vài năm trước, những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo, đến nay đã bừng lên, lan tỏa tại nhiều thôn, bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Khơi thông nhận thức

Người nghèo không muốn thoát nghèo là thực trạng diễn ra nhiều năm qua, ở nhiều địa phương trong cả nước. “Thích nghèo” là tâm lý chung của không ít hộ nghèo, mục đích là để được quan tâm, thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ (từ lít dầu, chai mắm, gói muối, đến chiếc thẻ bảo hiểm y tế, cây con giống...)

Trong phân loại nguyên nhân dẫn đến nghèo mà ngành chức năng tỉnh Điện Biên thực hiện qua các năm thì số hộ nghèo vì lý do ốm đau bệnh tật, vì thiên tai bất khả kháng chiếm rất ít so với các nguyên nhân chủ quan khác, như: Lười lao động, đông con, thiếu kiến thức... Đây chính là “lực cản” trong công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi vẫn còn những người nghèo không muốn thoát nghèo, thì dù có “rót” bao nhiêu chương trình, dự án hỗ trợ, triển khai bao nhiêu giải pháp, cuối cùng kết quả đạt được cũng bằng không hoặc thiếu bền vững.

Việc tuyên truyền vận động người nghèo chủ động thoát nghèo được chính quyền, đoàn thể các cấp đẩy mạnh.

Phong trào “Khu dân cư không còn hộ nghèo” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TX. Mường Lay phát động, sau hơn 1 năm đã có 5 trong tổng số 38 khu dân cư toàn thị xã không còn hộ nghèo.

Bà Hà Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã chia sẻ, đây là trách nhiệm chung, phát huy nội lực trong dân, đoàn kết cùng nhau xóa nghèo. Với cách làm này, kết quả quan trọng nhất là làm thay đổi tư duy của người nghèo, nhiều trường hợp từng nằm trong diện “nghèo bền vững” đều tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

“Muốn làm được vậy, trước tiên, bà con phải tự bảo ban nhau, giúp người nghèo hiểu được mình đang được quan tâm như thế nào. Trách nhiệm của mình với chính bản thân, gia đình và cộng đồng, khu dân cư ra sao. Từ đó, các khu dân cư sẽ toàn quyền quyết định, lựa chọn hộ nào sẽ thoát nghèo trong năm, cho họ ký cam kết. Trên cơ sở này mới đề xuất lên các cấp để bố trí các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ.” - bà Tuyết cho biết.

Nhân lên những “điểm sáng”

Kể từ khi triển khai kế hoạch phân công đảng viên, tổ chức đảng phụ trách hộ nghèo, huyện Điện Biên đã xuất hiện nhiều “điểm sáng” xóa đói giảm nghèo. Có thể kể đến các bản: Sơn Tống (xã Na Tông); Công Binh (xã Hẹ Muông); Pom Mỏ Thổ (xã Thanh Chăn)... Đây đều từng được xem là “vùng lõm” trong công tác xóa đói giảm nghèo, song giờ lại được nhắc đến như cách để nêu gương, nhân rộng mô hình, cách làm hay về giảm nghèo.

“Trong mỗi địa bàn dân cư, các chi bộ cũng lựa chọn, giới thiệu những tấm gương cụ thể nỗ lực thoát nghèo để động viên, khích lệ, thúc đẩy phong trào này. Người thật, việc thật thông qua “mắt thấy tai nghe” có tác động rất lớn trong cộng đồng bà con ngay tại bản. Khơi gợi được khát vọng vươn lên của nhiều hộ nghèo khác, cùng nỗ lực học tập và làm theo để sớm thoát được nghèo.” - ông Vì Văn Biến, Chủ tịch UBND xã Na Tông chia sẻ.

Những ngôi nhà đại đoàn kết là nguồn động lực để nhiều hộ nghèo ở xã Na Tông, huyện Điện Biên vươn lên thoát nghèo.

Cũng với cách làm này, ở bản vùng cao Pú Múa, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà), ông Mùa A Tủa là tấm gương tiêu biểu thường được nhắc đến trong phong trào tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Mới chỉ năm 2022, tại cuộc bình xét hộ nghèo của bản, ông còn “cương quyết” bảo vệ “danh hiệu” hộ nghèo cho gia đình. Sau khi xác định gia đình ông có đầy đủ các điều kiện để phát triển kinh tế (đất sản xuất, sức lao động, trâu cày...) nhưng lại “nghèo” ý chí vươn lên, Chi bộ bản kiên trì nhiều lần đến động viên, khích lệ ông Tủa tự nguyện đăng ký thoát nghèo.

Cùng với việc hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà, ông Tủa được giới thiệu đi làm công nhân cao su theo hình thức khoán việc. Thời gian còn lại, ông và vợ chịu khó canh tác ruộng, nương và chăm sóc tốt 4 con trâu. Mới đây ông Tủa chính thức nhận quyết định thoát nghèo. “Ngày xưa tôi cứ nghĩ chỉ cần làm mảnh nương, có vài chục bao thóc ăn cả năm là đủ. Nhưng nhiều thứ cần phải mua mà không có tiền; rồi mọi người, mọi nơi đều vươn lên thì mình không thể ở đằng sau mãi được. Nhà nước cho nhà, cho giống rồi mà mình không chịu làm ăn, cứ mãi nghèo đói thì là lỗi của mình”. - ông Tủa giãi bày.

Đón tết trong “niềm vui kép”

Nhiều năm trước, bản Mường Tùng, xã Mường Tùng (huyện Mường Chà) từng được xem là “vùng lõm” về công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Hôm nay, dẫn chúng tôi đi trên con đường nội bản đổ bê tông sạch đẹp, Trưởng bản Khoàng Văn Biên tỏ ra đầy phấn khởi, tự hào. Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà gỗ khang trang còn thơm mùi sơn mới của gia đình anh Mào Văn Hùng vừa hoàn thành trung tuần tháng 12.

Anh Hùng kể, ngay khi được bà con trong bản đồng thuận chọn gia đình anh để hỗ trợ làm nhà cũng là thời điểm anh đặt bút ký vào lá đơn xin thoát nghèo. “Tôi hiện còn phải nuôi người chị tàn tật và 1 đứa cháu. Cuộc sống nhiều khó khăn nên nếu không là hộ nghèo nữa thì sẽ mất hết các quyền lợi. Nhưng tôi là đàn ông có sức vóc, cái lo lớn nhất là có căn nhà kiên cố thì đã được hỗ trợ rồi, nếu cứ mang cái mác hộ nghèo mãi thì xấu hổ lắm!” - anh Hùng bộc bạch.

Đón chung niềm vui có nhà mới, ông Lường Văn Chiên, bản Ho Luông 2, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) cũng vừa chính thức được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của bản. Những ngày cuối năm 2023 của đôi vợ chồng già đầy bận rộn, song ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Những đứa con ông Chiên đều đã dựng vợ, gả chồng đi ở xa, nay về giúp bố mẹ lau dọn và vận chuyển đồ đạc vào nhà mới. Còn ông chỉ việc lo sắp xếp bàn thờ tổ tiên, treo cờ và ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất. Chỉ tay về khu vực chuồng lợn phía sau nhà, ông Chiên khoe: Ngoài 1 con lợn nái và đàn lợn con, gia đình đã chuẩn bị sẵn 1 con lợn thịt, dịp tết này sẽ mổ làm cỗ, mời bà con trong bản đến mừng nhà mới, đón “niềm vui kép”!

Bài, ảnh: Hà Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/212072/chu-dong-thoat-ngheo