Chủ động phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ sản xuất vụ xuân
Dưới sự chỉ đạo của ngành NN& PTNT, các cơ quan chuyên môn, nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung chăm sóc cây trồng vụ xuân. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các biện pháp phòng trừ đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại trên một số loại cây trồng được chủ động thực hiện để bảo vệ sản xuất.
Trên địa bàn huyện Mai Châu, nông dân đang tập trung chăm sóc lúa và cây màu. Qua khảo sát đồng ruộng cho thấy, một số diện tích lúa có hiện tượng vàng lá và gốc do thiếu nước. Đồng chí Ngần Văn Toàn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Châu cho biết: Để đảm bảo năng suất, chất lượng lúa đến khi thu hoạch, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, ngành chuyên môn cử cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng, kịp thời phối hợp với nông dân xử lý khi có tình huống xảy ra. Các máy bơm dã chiến được chuẩn bị để phục vụ bơm nước tưới cho đồng ruộng. Cùng với đó, nông dân tích cực chăm sóc, bón phân đầy đủ để cây trồng phát triển tốt. Tại các xã, thị trấn, vật tư nông nghiệp được chuẩn bị đầy đủ để kịp thời xử lý khi phát hiện sinh vật, sâu bệnh gây hại trên cây trồng.
Thời điểm này, trong toàn tỉnh diện tích lúa xuân đang giai đoạn đứng cái - phân hóa đòng - ôm đòng - đòng già - trỗ. Các diện tích ngô ở giai đoạn trồng mới - mọc mầm, 5 - 7 lá. Một số loại rau, màu, cây ăn quả đang giai đoạn phát triển mầm, lá... Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), trên các trà lúa, tập đoàn rầy đã xuất hiện và gây hại rải rác ở khu vực TP Hòa Bình, huyện Kim Bôi và một số nơi khác với mật độ phổ biến 20 - 30 con/m2, có nơi mật độ cao 80 - 150 con/m2. Bệnh đạo ôn lá gây hại tại các huyện, thành phố với mật độ phổ biến từ 1 - 3% số lá, có nơi cục bộ tỷ lệ bệnh chiếm 30 - 50% số lá. Ngoài ra, các đối tượng như ruồi đục nõn, sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít đen, bọ trĩ, chuột... đã xuất hiện và gây hại rải rác tại các huyện, thành phố. Sâu keo mùa thu (SKMT) gây hại trên 5,5ha ngô xuân tại huyện Lạc Thủy và TP Hòa Bình với mật độ phổ biến từ 1 - 2 con/m2, mật độ cao 3 - 5 con/m2; sâu xám cũng phát sinh gây hại trên diện tích ngô trồng mới tại huyện Mai Châu với 1 ha. Trên cây ăn quả có múi, nhện nhỏ tiếp tục gây hại trên 11 ha tại huyện Lạc Thủy; bệnh vàng lá thối rễ gây hại diện tích nhiễm 4 ha ở huyện Lạc Thủy. Ngoài ra còn có các đối tượng bệnh chảy gôm, bọ trĩ, sâu vẽ bùa, sâu đục cành, rệp muội, rệp sáp, bệnh loét, bệnh sẹo... tiếp tục gây hại nhẹ rải rác tại các vùng trồng cây có múi...
Dự báo trong thời gian tới, tập đoàn rầy sẽ tăng mật độ trên các trà lúa, mật độ phổ biến 100 - 500 con/m2, cao 700 -1.000 con/m2. Bệnh đạo ôn tiếp tục gây hại trên các giống nhiễm, vùng ổ bệnh cũ nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời. Bệnh bạc lá lúa, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn... cũng sẽ phát sinh gây hại trên trà lúa, những ruộng bón thừa đạm, bón phân không cân đối giai đoạn phân hóa đòng - ôm đòng - trỗ. Chuột tiếp tục gây hại những ruộng cạn nước, ruộng gần gò đồi, ven làng. Ngoài lúa còn gây hại trên các cây trồng cạn khác. Trên cây có múi, sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, rệp muội, nhện nhỏ, bọ trĩ, sâu đục thân, các bệnh ghẻ sẹo, chảy gôm, thán thư, đốm nâu tiếp tục gây hại giai đoạn cây phát triển lộc, đậu quả - phát triển quả. SKMT, sâu xám, sâu khoang, bệnh đốm lá gây hại trên ngô vụ xuân giai đoạn trồng mới - mọc mầm - cây con...
Để đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng vụ xuân, ngành NN&PTNT đề nghị các địa phương thực hiện triệt để theo chỉ đạo tại các chỉ thị, văn bản về tăng cường phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn; tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023; chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa vụ xuân. Theo đó, đối với cây ăn quả có múi cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả non, chăm sóc, bón thúc phân cho vườn giai đoạn đậu quả - nuôi quả non. Chủ động phòng trừ các đối tượng gây hại trên cây có múi. Có thể sử dụng một số thuốc có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam có đăng ký phòng trừ các đối tượng dịch hại.
Đồng chí Vũ Thị Anh Đào, Chi cục phó Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: Để phòng, chống sâu bệnh hại hiệu quả trên các loại cây trồng vụ xuân, cùng với việc tăng cường điều tra, theo dõi sự phát triển, gây hại của sâu bệnh để kịp thời khuyến cáo bà con thực hiện các biện pháp phòng trừ, các địa phương cũng cần chú trọng quản lý chặt chẽ nguồn nước, hồ chứa, điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất; khuyến khích nông dân đặt bẫy bả chua ngọt nhử bắt trưởng thành SKMT, sâu đục thân… trên ngô và rau màu. Đồng thời, duy trì hệ thống bẫy đèn phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại cây trồng đảm bảo chính xác, hiệu quả...