Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Đại diện các cơ quan kiểm tra công tác PCCCR năm 2021 tại khu rừng trồng của Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên ở huyện Sơn Hòa. Ảnh: ANH NGỌC

Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra xong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2021 đối với các chủ rừng và một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các chủ rừng và địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung phương án PCCCR sát với thực tế, mua sắm thêm trang thiết bị chữa cháy và chủ động ứng phó khi xảy ra cháy rừng.

Xây dựng phương án, kiện toàn lực lượng

Theo Chi cục Kiểm lâm, tình trạng nắng nóng đang diễn biến phức tạp, hiện thảm thực bì ở một số khu rừng trên địa bàn tỉnh đã khô, nếu không cẩn thận rất dễ phát sinh lửa và gây cháy rừng, nhất là các địa phương ở miền núi. Để chủ động ứng phó, đến nay hầu hết các địa phương, chủ rừng đã xây dựng phương án, kiện toàn ban chỉ huy và thành lập các tổ, đội bảo vệ và PCCCR.

Theo UBND xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp ở địa phương hơn 2.240ha, trong đó diện tích đất có rừng trồng đến nay hơn 2.280ha. Ông Trần Quốc Thạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, cho biết: Do địa hình phức tạp với độ dốc cao nên gặp khó khăn trong việc đi lại, ảnh hưởng đến công tác huy động nhân lực, trang thiết bị, dụng cụ PCCCR khi có cháy rừng xảy ra. Kinh phí cho việc mua sắm các trang thiết bị PCCCR chưa được cấp trên phân bổ nên chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Địa phương kiến nghị tỉnh và huyện quan tâm bố trí kinh phí bảo vệ rừng và PCCCR hàng năm kịp thời, đầy đủ để hoạt động lâm nghiệp tại địa phương thuận lợi hơn; đồng thời tiến hành xây mới, sửa chữa các hệ thống bảng, biển tuyên truyền, bảng cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn để phát huy vai trò công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR.

Ông Trương Hiếu Hoàng, Trưởng ban Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả, cho biết: Tổng diện tích tự nhiên được giao cho đơn vị quản lý là hơn 7.315ha, trong đó diện tích đất, rừng quy hoạch đặc dụng khoảng 5.690ha, còn lại là diện tích đất, rừng quy hoạch sản xuất. Hiện nay, các công trình PCCCR chủ yếu là các băng cản lửa của rừng trồng, nhưng do không có kinh phí duy tu, sửa chữa dẫn đến khu vực rừng trồng tại các tiểu khu 350, 352, 348, 349 có lượng thực bì nhiều, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả kiến nghị Sở NN-PTNT, UBND tỉnh xem xét, cấp kinh phí duy tu, sửa chữa các công trình PCCCR và hỗ trợ kinh phí cho công tác PCCCR của các lực lượng tham gia.

Ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, cho biết: Thời tiết hiện nay nắng nóng kéo dài, thực bì dưới tán rừng, gần rừng hầu hết là cỏ tranh, lau lách nên rất dễ bén lửa. Diện tích rừng của đơn vị quản lý phân bố rộng, tiếp giáp nhiều địa phương, có nhiều ngõ ngách để người dân vào rừng nên khó kiểm soát. Nhiều người dân sống gần rừng còn thiếu ý thức trong việc sử dụng lửa trong rừng, gần rừng và thiếu kỹ năng, kỹ thuật khi đốt thực bì nương rẫy gần rừng. Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân kiến nghị tỉnh và huyện tăng hạn mức đầu tư, giải quyết kinh phí kịp thời để triển khai thực hiện tốt phương án PCCCR.

Thường xuyên cập nhật thông tin

Mới đây, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác PCCCR trên địa bàn 7 huyện, thị gồm 8 đơn vị là chủ rừng (các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các tổ chức trồng rừng kinh tế), 2 hạt kiểm lâm và 6 UBND cấp xã. Ông Nguyễn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Tất cả đơn vị được kiểm tra đã xây dựng phương án PCCCR, tuy nhiên phương án của UBND các xã về nội dung chưa thật sự cụ thể, còn chung chung, khả năng áp dụng vào thực tế chưa cao, đa phần chưa đảm bảo các nội dung theo quy định, chưa đề cập tình huống cháy để có đề xuất từng giải pháp triển khai huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần chữa cháy rừng cho phù hợp với đặc điểm từng vùng, địa hình trọng điểm cháy trên diện tích quản lý. Các hạt kiểm lâm đã góp ý về phương án PCCCR của các chủ rừng và UBND xã, tuy nhiên việc góp ý chưa đạt hiệu quả cao. Các hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng xây dựng phương án PCCCR đạt tỉ lệ rất thấp. Công tác tuyên truyền các quy định về bảo vệ rừng và PCCCR có triển khai, nhưng chưa được thường xuyên, sâu rộng, chưa phù hợp với thực tế ở một số địa phương. Việc xây dựng quy chế phối hợp giữa địa phương và các chủ rừng ở một số địa phương còn hạn chế, đặc biệt là đối với chủ rừng là tổ chức trồng rừng kinh tế. Đối với các chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, lực lượng tổ, đội bảo vệ rừng và PCCCR số lượng ít, nên bổ sung lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng vào các tổ, đội để tăng về số lượng đáp ứng nhu cầu thực tế. Hầu hết công trình PCCCR (bảng tuyên truyền, bảng cấp dự báo cháy, bảng cấm lửa...) của các hạt kiểm lâm, UBND xã đều hư hỏng; các trang, thiết bị phục vụ PCCCR của UBND xã chủ yếu là công cụ thô sơ như dao, rựa, cuốc... chưa đảm bảo cho công tác chữa cháy, nếu xảy ra cháy rừng.

Qua kiểm tra hiện trường, một số khu vực rừng sau khi khai thác, thực bì chưa được xử lý, có nguy cơ dẫn đến cháy rừng. Đối với rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân tại các địa phương, hầu hết chưa thực hiện việc tạo đường băng cản lửa.

Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Nhiều khu vực rừng trồng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cháy cao. Vì vậy các địa phương và các chủ rừng khẩn trương bổ sung, hoàn thiện các phương án PCCCR, khắc phục những thiếu sót mà đoàn kiểm tra công tác PCCCR đã nêu. Hiện Phú Yên nằm trong khu vực báo động nguy cơ cháy rừng, các địa phương cần thông báo rộng rãi cho chủ rừng và người dân biết để tạm dừng mọi hoạt động có sử dụng lửa trong rừng, ven rừng và dùng lửa đốt thực bì trong suốt mùa khô năm nay. Các đơn vị liên quan cần thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng, kịp thời thông báo cho các chủ rừng và người dân biết để chủ động phòng cháy rừng và triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/256299/chu-dong-phong-chay-chua-chay-rung.html