Chủ động khắc phục nhanh hậu quả của đợt mưa úng, hạn chế thiệt hại đến sản xuất vụ mùa 2024

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT): Do ảnh hưởng đợt mưa lớn từ ngày 14 đến 18/7/2024 trùng vào thời điểm triều cường và xả lũ từ các hồ thủy điện, việc tiêu úng rất khó khăn đã gây ngập úng, có nguy cơ gây thiệt hại nặng cho các trà lúa mùa (ước tính toàn tỉnh có khoảng 35 nghìn ha lúa, bằng 50% diện tích) phải gieo cấy lại và dặm tỉa, tập trung ở các huyện: Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh.

Tranh thủ trời không mưa, nước rút, nông dân xã Trung Thành (Vụ Bản) đã ra đồng cáy dặm những diện tích lúa bị ngập không còn khả năng phục hồi để bảo đảm mật độ lúa mùa.

Tranh thủ trời không mưa, nước rút, nông dân xã Trung Thành (Vụ Bản) đã ra đồng cáy dặm những diện tích lúa bị ngập không còn khả năng phục hồi để bảo đảm mật độ lúa mùa.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới tiếp tục có mưa cùng với mực nước trên các sông lớn, nguy cơ ngập úng trên diện rộng còn tiếp diễn. Trước tình hình trên, UBND tỉnh vừa có Công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động khắc phục nhanh hậu quả của đợt mưa úng, hạn chế thiệt hại đến sản xuất vụ mùa 2024. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn bằng mọi biện pháp khẩn trương tiêu úng cứu lúa. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại lúa, màu ở từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp khắc phục và chăm sóc kịp thời, phù hợp; tuyệt đối không để ruộng bỏ hoang. Đối với những diện tích lúa bị thiệt hại nặng (trên 50%), không có khả năng phục hồi (gốc thân nhũn, rễ đen) phải khẩn trương tổ chức gieo mạ bổ sung ngay bằng các giống lúa ngắn ngày như: Đài thơm 8, Dự hương, TH3-3, Khang dân 18, TBR225, QR1, Nếp 97… theo phương thức mạ nền đảm bảo cấy xong trước ngày 8/8/2024. Đối với những diện tích lúa bị thiệt hại dưới 50%, còn khả năng hồi phục (rễ trắng, gốc cứng, lá xanh) có thể cấy dặm, cấy dồn bằng mạ dự phòng hoặc tỉa khóm ở những ruộng lúa tốt, ruộng gieo sạ có mật độ dày. UBND các huyện phân công, tăng cường cán bộ về cơ sở trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả của mưa úng; phối hợp thống kê, tổng hợp diện tích cây trồng bị ngập úng và kết quả khắc phục, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh.

Sở NN và PTNT tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo việc làm đất, bón phân; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống lúa đảm bảo đủ số lượng và chất lượng cho người dân để gieo cấy lại, chăm sóc, bảo vệ lúa mùa an toàn, hiệu quả trong khung thời vụ. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các đơn vị, cá nhân không tuân thủ các quy định về buôn bán vật tư nông nghiệp, lợi dụng tình hình để bán tăng giá, hàng hóa chất lượng kém. Các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL vận hành tối đa năng lực công trình để tiêu thoát nước ngập úng cho diện tích lúa đã gieo cấy, đặc biệt là diện tích lúa mới sạ, mới cấy nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Phối hợp với các xã, thị trấn điều tiết nước, đảm bảo mực nước phù hợp cho việc tổ chức cấy lại trên những diện tích lúa bị thiệt hại nặng. Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định phối hợp với Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật chống úng và khắc phục khó khăn trong sản xuất lúa mùa 2024.

Tin, ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202407/chu-dong-khac-phuc-nhanh-hau-qua-cua-dot-mua-ung-han-che-thiet-hai-den-san-xuat-vu-mua-2024-39a4baa/