Chủ động cho cuộc sống tương lai tốt đẹp nhờ khám sức khỏe tiền hôn nhân

GĐXH - Khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm tránh các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.

Ở các nước phát triển, khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm bắt buộc và được đón nhận một cách nghiêm túc. Đây là những việc rất cần thiết, để giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.

Tại Việt Nam, đã có nhiều người ý thức trong việc khám sức khỏe tiền hôn nhân tuy nhiên vẫn còn một bộ phận thờ ơ, khi chẳng may có điều gì đó xảy ra là lập tức đổ lỗi cho nhau, gây bất hòa, ảnh hưởng tới hạnh phúc... Theo ghi nhận ở nhiều địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trên thực tế nhiều người lâu nay vẫn còn tâm lý e ngại khám sức khỏe trước khi kết hôn. Một số người còn lo sợ nếu chẳng may phát hiện ra bệnh tật sẽ khó lấy vợ, lấy chồng…

TS. BS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều vô cùng cần thiết. Việc làm này giúp cặp đôi đánh giá sức khỏe một cách tổng quát, phát hiện những bệnh lý truyền nhiễm, di truyền, sức khỏe sinh sản. Quan trọng hơn giúp họ điều trị kịp thời, phòng tránh bệnh để chủ động cho tương lai. Ở những người mang gen bệnh, việc khám sức khỏe sớm để phát hiện bệnh sẽ giúp người trong cuộc quyết định có nên lấy nhau hay không hoặc nếu lấy nhau cần chọn biện pháp mang thai thế nào cho phù hợp, có kế hoạch chăm sóc tiền sản kịp thời để tránh có những đứa con dị tật bẩm sinh.

Cũng theo TS. BS Nguyễn Thị Thu Hà, nếu hai người cùng mang gen Thalassemia kết hôn không mà làm xét nghiệm tiền hôn nhân, khi sinh con thì mỗi một lần sinh sẽ có 25% khả năng bị bệnh. Nếu tầm soát, có thể phát hiện bệnh khi thai nhi khoảng 10 - 12 tuần tuổi và có chỉ định can thiệp. Hàng năm tại Viện đã chỉ định cho khoảng 300 cặp vợ chồng sàng lọc, chuẩn đoán trước sinh bệnh Thalassemia. Nhờ đó mà hàng trăm đứa trẻ ra đời khỏe mạnh.

Tư vấn về sức khỏe sinh sản đối với thanh niên. Ảnh minh họa: T.H

Ngoài các bệnh di truyền, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp cặp đôi phát hiện cũng như điều trị kịp thời các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai…; tư vấn phương pháp kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mang thai, tránh mang thai ngoài ý muốn; điều trị các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, gây vô sinh, hiếm muộn…

Thông thường, khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các bác sĩ sẽ thực hiện các bước kiểm tra sức khỏe: Kiểm tra sức khỏe chung: Mạch huyết áp, cân nặng, chiều cao, thị lực, các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm bụng… Khám bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Lậu, giang mai, hạ cam mềm, viên gan siêu vi B, sùi mào gà, nấm… Xem xét tiền sử bệnh của cả vợ và chồng. Bệnh di truyền như: Hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu, tan máu bẩm sinh (thalassemia)… Bệnh truyền nhiễm: Bệnh sởi, thủy đậu, rubella, sốt xuất huyết, bệnh cúm, viêm não, bệnh lao, dịch tả, tiêu chảy…

Theo bác sĩ, các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Đặc biệt đối với những người dự định sinh con ngay, để đảm bảo sức khỏe cho con sau này. Việc tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ cũng được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số. Có nhiều địa chỉ để khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân tại các địa phương như: Bệnh viện phụ sản, bệnh viện đa khoa, Trung tâm DS-KHHGĐ, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Thanh Hằng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/chu-dong-cho-cuoc-song-tuong-lai-tot-dep-nho-kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-172221218155254029.htm