Chủ động '4 tại chỗ' và '3 sẵn sàng'
Trước những diễn biến phức tạp về thời tiết trên khắp cả nước trong thời gian qua, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống và sản xuất, liên tiếp trong những ngày đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung cho công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét gây ra (Công điện số 732/CĐ-TTg; Công điện số 726/CĐ-TTg; Công điện số 725/CĐ-TTg).
Đặc biệt, mới đây, tại Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2023, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, nhất là bão, lũ, nguy cơ sạt lở; chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai.
Có thể thấy, từ trước khi bước vào mùa mưa bão năm nay, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo đó, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 1.750 sự cố thiên tai, làm chết 267 người, mất tích 78 người, bị thương 291 người. Đáng chú ý, số lượng cơn bão và áp thấp trên Biển Đông chỉ bằng một nửa so với mọi năm nhưng đã xuất hiện 2 siêu bão. Trong khi đó, tổng lượng mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn 50-100% so với mức trung bình cùng kỳ những năm trước.
Mưa lớn đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của nhân dân. Đáng nói, nhiều tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây tâm lý bất an trong nhân dân, nhất là ở một số tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự báo từ nay đến cuối năm, vùng biển nước ta có khả năng xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, chủ yếu tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 9) và từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía Nam (từ tháng 10 đến tháng 12). Đặc biệt, cơ quan Khí tượng thủy văn dự báo vẫn còn khả năng tiếp tục xảy ra các đợt mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 8 và tháng 9.
Với tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp như vậy, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nắm chắc tình hình, chủ động mọi phương án, triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão, lũ, sạt lở đất gây ra.
Hiện nay, nhiệm vụ trọng yếu là các địa phương cần khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét khi mưa lớn xảy ra. Trong đó, phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để bị động, bất ngờ khi xảy ra bất kỳ tình huống nào.
Cùng với đó, phải tăng cường công tác dự báo, cảnh báo về mưa, bão, lũ, sạt lở đất, bảo đảm kịp thời, chuẩn xác. Từ đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến người dân một cách sớm nhất để nâng cao ý thức và có biện pháp phòng tránh chủ động, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ, dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở, lũ quét, trang bị kỹ năng ứng phó để chủ động sơ tán, di dời trước khi xảy ra sự cố.
Tựu trung, trong công tác phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân phải luôn chủ động phương châm “4 tại chỗ” là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; và “3 sẵn sàng” là: Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chu-dong-4-tai-cho-va-3-san-sang-638134.html