Chống hàng giả, nhái: chỉ trông chờ....người tiêu dùng, doanh nghiệp bó tay

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu là một cuộc chiến cam go, nhiều gian nan. Và để cuộc chiến thắng lợi thì người tiêu dùng có vai trò vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói quan trọng số 1.

 Phối hợp với cơ quan chức năng để hàng nhái, hàng giả được kiểm soát là việc mà doanh nghiệp cần và nên làm. Trong ảnh: Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra sản phẩm tại một cơ sở. Ảnh: Vũ Yến

Phối hợp với cơ quan chức năng để hàng nhái, hàng giả được kiểm soát là việc mà doanh nghiệp cần và nên làm. Trong ảnh: Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra sản phẩm tại một cơ sở. Ảnh: Vũ Yến

Mới đây, tập đoàn Fast Retailing, chủ sở hữu thương hiệu quần áo Uniqlo - khá phổ biến ở Việt Nam đã mong muốn phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để hàng nhái, hàng buôn lậu sản phẩm mang thương hiệu Uniqlo sẽ được kiểm soát tại thị trường Việt Nam.

Trước đây, thương hiệu Lascoste sau khi phát hiện nhiều nơi bán hàng giả thương hiệu của họ đã nhờ luật sư đại diện làm việc với quản lý thị trường Việt Nam để kiểm tra nhiều điểm kinh doanh mặt hàng quần áo và nước hoa giả mang nhãn hiệu Lacoste, có logo hình "cá sấu".

Không phải tất cả, nhưng dường như các doanh nghiệp nước ngoài thường có nhiều động thái hơn trong việc bảo vệ thương hiệu, chống lại hàng hóa giả mạo thương hiệu, nhãn mác của họ so với các doanh nghiệp trong nước.

Làm sao chống?

Giám đốc một công ty sản xuất giày không muốn nêu tên tại TPHCM cho rằng, trong tình hình hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay thì việc chống của doanh nghiệp là rất khó.

“Các cơ sở, điểm sản xuất hàng giả, hàng nhái có ở nhiều nơi; hàng hóa giả mạo xuất hiện từ trung tâm thương mại lớn, nhỏ cho tới chợ, đường phố… cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở, đóng cửa nơi này lại mọc lên ở nơi khác; thu giữ sản phẩm ở nơi này thì người ta lại mang bán ở nơi khác. Cơ quan chức năng còn làm không nổi vậy thì doanh nghiệp chống kiểu gì, làm sao chống”, vị này nhấn mạnh.

Vị giám đốc cũng cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp “ngại”, không thực sự tích cực, thậm chí không có bất kỳ động tác nào phối hợp với các cơ quan chức năng tìm, phát hiện, xử lý hàng giả, hàng nhái là bởi không có thời gian, không muốn ồn ào.

“Kiểm tra, phát hiện, có thu giữ hàng giả, hàng nhái rồi đâu cũng vào đó thôi. Chân rết của họ mọc lên khắp nơi. Nếu đến bước kiện ra tòa thì quá ồn ào, chúng tôi không muốn”, ông chia sẻ.

Ông Nguyễn Trí Kiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Minh Tiến (Miti) cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp trong nước thường ít tập trung trong việc phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả, hàng nhái là bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ nhiều, phải lo quá nhiều việc.

Đồng thời, nguyên nhân quan trọng, theo ông Kiên là quy mô thị trường của doanh nghiệp trong nước chưa lớn; doanh nghiệp cũng chưa đủ mạnh, đủ lớn, vì thế chưa ý thức sâu sắc việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu, bảo vệ sản phẩm.

“Công ty tôi cũng đã phát hiện một số nơi làm giả, nhái sản phẩm của mình nhưng thường là làm việc trực tiếp với cơ sở làm giả, nhái chứ không báo cơ quan quản lý”, ông Kiên nói.

Ông Nguyễn Tiệp, Giám đốc truyền thông Công ty thời trang Nem cho biết, hàng giả, hàng nhái là vấn đề khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong ngành thời trang, may mặc đau đầu. Và thực tế, cho tới bây giờ chưa thể nào quản lý, kiểm soát nổi tình trạng này.

Cũng theo ông Tiệp, quy định và khung xử phạt hiện nay cũng khiến việc “lách” của các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái dễ hơn.

“Tôi lấy ví dụ, một mẫu đầm của Nem mới ra mắt buổi sáng thì chỉ hôm sau hoặc chậm nhất là vài ngày sau đã xuất hiện hàng giả, nhái. Nhưng nếu Nem sử dụng họa tiết nơ màu hồng thì họ biến tấu thành không có nơ; đầm có đai màu trắng thì họ làm thành đai màu hồng, thêm viền ở cổ… Thế nên, rõ ràng là mẫu của Nem nhưng một số chi tiết được biến tấu thì Nem không chứng minh được là họ làm giả, làm nhái. Kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng cũng chỉ là hơi giống, chứ không phải hàng nhái, giả nên không thể xử lý”, ông Tiệp phân tích.

Một trong những khó khăn của doanh nghiệp trong việc phát hiện, phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt-May-Thêu-Đan TPHCM chính là doanh nghiệp không có nhân lực để theo dõi, phát hiện cơ sở, đơn vị sản xuất hàng giả, hàng nhái.

Trông chờ vào người tiêu dùng

Từ những vấn đề trên, ông Nguyễn Tiệp của Nem cho rằng, mấu chốt quan trọng nằm ở người tiêu dùng. Người tiêu dùng hiện có nhiều kênh thông tin, thế nên, cũng không quá khó khăn để họ biết địa chỉ mua sản phẩm chính hãng.

“Không loại trừ trường hợp người tiêu dùng dù biết giả, nhái mà vẫn mua do điều kiện kinh tế không cho phép”, ông Tiệp nói thêm.

Ngoài ra, ông Tiệp cũng cho rằng, giải pháp để người tiêu dùng ngày càng được sử dụng sản phẩm thật, sản phẩm tốt nhiều hơn đó là doanh nghiệp cần sốt sắng, mạnh mẽ hơn trong việc phối hợp với lực lượng quản lý. Thực tế không ít doanh nghiệp có ý thức cao trong việc phối hợp với cơ quan chức năng chống hàng giả, hàng nhái.

Đối với Nem, phát hiện hàng giả, nhái qua việc nhận phản hồi của người tiêu dùng và các nhân viên, quản lý cũng có trách nhiệm để ý, kiểm tra xem sản phẩm của công ty có bị xâm phạm nhãn hiệu hay không. Nếu có sẽ trực tiếp báo cho hệ thống tổng của công ty và bộ phận này sẽ làm việc, phối hợp với quản lý thị trường ở địa phương cụ thể để giải quyết.

“Theo tôi, xây dựng uy tín cho hàng Việt, cho thương hiệu Việt cũng phải gắn kết với hoạt động chống hàng giả, chống gian lận thương mại. Mà ở đó, ngoài vai trò quan trọng là người tiêu dùng thì sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, nhất là ở địa phương cũng cần được chú trọng”, ông Tiệp nhấn mạnh.

Giám đốc công ty sản xuất giày không muốn nêu tên phía trên thì cho rằng, việc quan trọng của doanh nghiệp chính là tập trung sản xuất ra sản phẩm tốt, giá cả hợp lý. Bởi theo ông, điều người tiêu dùng cần luôn là chất lượng và giá hợp lý. Và người tiêu dùng đủ thông tin để biết đâu là sản phẩm tốt thực sự, đâu là hàng giả, hàng nhái.

Trao đổi qua điện thoại ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ cũng cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khi bỏ qua hay chưa quan tâm nhiều tới công tác chống hàng gian, hàng giả; việc phối hợp với cơ quan chức năng cũng chưa mạnh, tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn rất ý thức về việc này.

Vũ Yến

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291940/chong-hang-gia-nhai-chi-trong-chonguoi-tieu-dung-doanh-nghiep-bo-tay-.html