Chơi vụ tỷ USD, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang quyết dồn vốn lớn

Tập đoàn Masan của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang tiếp tục có những bước đi mới với số tiền vài nghìn tỷ để hoàn thiện thương vụ tỷ USD, tấn công sang một lĩnh vực đầy triển vọng: bán lẻ.

Masan Group vừa thông báo Nghị quyết HĐQT phê duyệt việc ký hợp đồng tín dụng với một loạt ngân hàng danh tiếng trên thế giới để vay tối đa 200 triệu USD và quyền chọn gia tăng khoản vay thêm 50 triệu USD phục vụ cho thương vụ tỷ USD.

HĐQT Masan quyết định sẽ góp thêm 6.000 tỷ đồng vào The Sherpa thay vì 1.000 tỷ đồng theo phê duyệt trước đó. Vốn của The Sherpa theo đó sẽ tăng mạnh.

Từ đầu năm đến nay, Masan Group và các công ty con liên tục huy động vốn từ thị trường trái phiếu. So với đầu năm, vay nợ ngắn hạn tăng thêm vài nghìn tỷ, trong khi vay dài hạn tăng gần gấp 3 lên gần 32 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu phát sinh từ việc phát hành trái phiếu.

The Sherapa cùng CTCP CrownX được MSN thành lập nhằm hoàn tất giao dịch hợp nhất giữa Vincommerce (Vingroup) và Masan Consumer Holdings (một công ty con của Masan).

Các tỷ phú Việt đang dồn lực vào bán lẻ, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang có Vinmart; Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng phát triển thương hiệu Vinshop lấn sân vào lĩnh vực thương mại điện tử bán buôn, nhắm đến các cửa hàng tạp hóa.

Ông Nguyễn Đăng Quang.

Gần đây, cổ phiếu MSN tăng mạnh, qua đó giúp khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang tăng lên nhanh chóng, lên 1,5 tỷ USD tính tới hết 12/11.

Cổ phiếu MSN tăng dựng ngược trong vòng hơn 1 tháng qua, từ mức khoảng 56.000 đồng/cp lên 95.000 đồng/cp.

Không chỉ bán lẻ, Masan của ông Quang phát triển mạnh mảng thịt mát với thương hiệu MEATLife với doanh thu tăng mạnh trong thời gian gần đây, lên 7.200 tỷ đồng trong nửa đầu 2020.

Mảng khai khoáng cũng phát triển mạnh mẽ. Tại đại hội cổ đông Masan Resources, doanh nghiệp này quyết chi 41 triệu Euro mua lại H.C.Starck và kỳ vọng mang về gấp đôi doanh thu hiện tại.

Không chỉ ngành thực phẩm tiêu dùng nhanh của Masan ghi nhận kết quả kinh doanh tốt giữa lúc khó khăn vì đại dịch Covid, nhiều ngành khác như phân bón, chăn nuôi, bất động sản công nghiệp cũng ghi dấu ấn tốt.

Hàng loạt doanh nghiệp phân bón ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh do giá khí đầu vào giảm, đặc biệt là Đạm Cà Mau (DCM) và Đạm Phú Mỹ (DPM). Các đơn vị sản xuất phân lân và phân NPK như Lafchemco (LAS), Bình Điền (BFC), Phân bón Miền Nam (SFG)... cũng hưởng lợi gián tiếp, khi mà các doanh nghiệp này đang mua nguyên liệu từ các công ty khác.

Đạm Phú Mỹ (DPM) kết thúc quý III thu về 182,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 3 cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, DPM đạt 5.832 tỷ doanh thu, tăng 8%. Đạm Cà Mau (DCM) ghi nhận nhuận gộp tăng vọt, gấp hơn 2 lần lên 257 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lãi sau thuế 462 tỷ đồng; tăng 50% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 13/11, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và đang ở trên ngưỡng 960 điểm.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.

Theo VDSC, chuỗi ngày điều chỉnh của thị trường gần như hoàn thành và mức cân bằng dần ổn định để tiếp tục xu hướng tăng điểm. Do vậy các nhà đầu tư cần nắm giữ cổ phiếu có xu hướng tốt và có thể tích lũy thêm các cổ phiếu bắt đầu vận động trên nền tăng giá để gia tăng lợi nhuận trong thị trường “con bò”.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/11, VN-Index tăng 7,06 điểm lên 959,28 điểm; HNX-Index tăng 2,8 điểm lên 144,62 điểm. Upcom-Index giảm 0,5 điểm xuống 64,52 điểm. Thanh khoản đạt 7.100 tỷ đồng.

V. Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tin-chung-khoan-ngay-13-11-them-vai-nghin-ty-ong-nguyen-dang-quang-tinh-tiep-thuong-vu-ty-usd-688229.html