Cho phép ngân hàng mua lại TPDN: Thị trường trái phiếu sẽ khơi thông?
Kể từ ngày 24/4 đến 31/12, các ngân hàng được phép mua lại ngay TPDN đã bán mà không phải chờ tới 12 tháng-Đây là nội dung được đánh giá góp phần gỡ khó cho thị trường TPDN trong Thông tư số 03/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021 ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN do NHNN vừa ban hành.:27
Trong thời gian kể từ ngày Thông tư 03 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023, tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa niêm yết đã bán và/hoặc TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi đáp ứng một số điều kiện tại Thông tư số 03/2023. Theo các chuyên gia, Thông tư 03 được NHNN ban hành trong thời điểm này là kịp thời, góp phần tháo gỡ khó khăn với thị trường TPDN, nhất là trong bối cảnh các khoản nợ TPDN đáo hạn rơi vào quý II, IV năm nay khá nhiều. Các ngân hàng được tham gia sâu hơn trong việc mua bán lại TPDN kể từ ngày 24/4 sẽ góp phần thúc đẩy cho thị trường bất động sản. Từ đó, các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn từ kênh trái phiếu thuận lợi hơn. Thông thường, các doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 20% lượng phát hành trái phiếu trên thị trường Việt Nam nhưng hiện là lĩnh vực đang gặp khó khăn nhiều nhất.
“Trong 2 năm 2023 – 2024, tổng giá trị trái phiếu đến hạn về bất động sản có thể lên đến 230.000 tỷ đồng, cho nên việc tạm ngưng thực hiện điều 4, Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước là để các doanh nghiệp có điều kiện đàm phán với các trái chủ về vấn đề xử lý trái phiếu đến hạn theo tinh thần, quy định của Nghị định 08”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh đánh giá.
Kể từ ngày 24/4 đến 31/12, các ngân hàng được phép mua lại ngay TPDN đã bán mà không phải chờ tới 12 tháng. (Ảnh minh họa: KT)
Thông tư 03/2023 cũng sẽ làm tăng thêm tính linh hoạt, chủ động cho các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư, xem xét mua lại trái phiếu doanh nghiệp, tất nhiên bảo đảm an toàn kiểm soát rủi ro cho cả doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Như vậy, Thông tư 03 sẽ góp phần khơi thông, tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng nguồn lực về vốn cho doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ từ đó thúc đẩy tăng trưởng đến cuối năm và năm tới.
“Trái phiếu khác với các khoản vay ngân hàng là nó chỉ có một giao dịch và tính thanh khoản thấp, các ngân hàng được quyền mua lại, bán lại trái phiếu thì sẽ tạo ra tính thanh khoản cao, hỗ trợ hơn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu”, bà Đinh Quỳnh Vân, Giám đốc công ty tư vấn thuế PWC Việt Nam nhận định.
Theo FiinRatings, đến cuối năm 2022, TPDN chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng, nhưng khi TPDN bị “nhảy” nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống. Một số ngân hàng đang nắm giữ lượng TPDN lớn hiện nay là: Ngân hàng Quốc dân khoảng 6,6% tổng tài sản, TPBank (khoảng 6,6% tổng tài sản), Ngân hàng Quân đội MB (khoảng 6,4% tổng tài sản)…
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, Thông tư 03/2023 có thể sẽ làm thị trường trái phiếu sôi động hơn, tính thanh khoản cao hơn, tuy nhiên, việc ngân hàng có thể mua lại TPDN nếu không cẩn trọng có thể sẽ đẩy rủi ro từ trái chủ sang ngân hàng, như vậy rủi ro của chính trái phiếu đó vẫn còn hiện hữu, chưa được giải quyết triệt để.
“Tôi chưa thấy rủi ro giảm thiểu cho nhà phát hành, nếu doanh nghiệp phát hành tình hình tài chính không ổn định thì việc chuyển giao trái phiếu không giúp gì cho nhà phát hành. Tuy nhiên, việc NH có thể mua lại trái phiếu có thể kích thích thị trường trái phiếu sôi động hơn, còn việc khi trái phiếu đến hạn có được thanh toán hay không thì việc chuyển giao này không có tác động”, TS. Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn chỉ rõ.
Trong báo cáo "Góc nhìn thị trường trái phiếu doanh nghiệp" mới được công bố, VIS Rating ước tính tỷ lệ nợ xấu TPDN tính đến cuối tháng 3/2023 đã tăng lên gần 10%, cao hơn đáng kể so với mức 1,2% vào cuối tháng 9/2022. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu TPDN của ngành bất động sản là 17% và của nhóm ngành tiện ích là 31%. Đáng chú ý, gần 95% trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán là do các tổ chức phát hành trái phiếu không thực hiện thanh toán lãi trái phiếu khi tới hạn thanh toán. VIS Rating nhận định: Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang có dòng tiền mặt yếu, không cân đối được dòng tiền kinh doanh với các khoản trả nợ trái phiếu./.