Chớ nên đùa rượu, bởi nhiều mối nguy

Rượu, trong bản thể tinh túy cao quý có một khả năng là làm thăng hoa hồn người. Nhưng tiếc thay có những người lạm dụng rượu, coi rượu như cái cớ để đùa cợt, để ra vẻ ta đây sành điệu đến độ 'thái quá bất cập', không làm chủ được hành vi, 'Quá khẩu thành tàn', thậm chí có thể hủy hoại cả nhân cách, thân thể của mình.

Muôn kiểu đùa rượu

Anh X. vốn tính tình vui vẻ. Gặp điều thú vị là cũng hay gieo vần thả tứ, rồi hồn nhiên “nhã nhạc”. Khi uống rượu tập thể, anh cầm ly đi từng mâm hát “quan họ... rượu”, theo làn điệu bài “Còn duyên”-dân ca quan họ Bắc Ninh: Còn ly là ly ta uống, uống cho say/ Hết ly là ly lại có, có chai đầy là đầy chai vơi/ Đừng thấy chai hết rượu mà buồn/ Tuy rằng chai hết rượu, nhưng vẫn còn là còn trong can/ Tính tinh tinh tính tình tình tinh...”. Cứ thế, lần lượt thay “can” bằng “phuy”, “phuy” bằng “chum”, “chum” bằng “dân”: Đừng thấy dân hết rượu mà buồn/ Tuy rằng dân hết rượu, nhưng vẫn còn mùa màng bội thu/ Cứ yên tâm cất gạo thành cao/ ha hội hà, hư hội hừ... Đám thực khách lúc đầu cũng chỉ là “cơm rượu” bình thường, về sau khi nghe hát, men tình quyện men đời, thế là cùng đứng dậy khoe giọng. Cứ “rượu vào lời ra”, lời ra rượu vào, kiểu “Con kiến mà leo cành đa” rồi sa vào... nốc rượu lúc nào không hay.

Ông Y. thì khác với anh X. Ông không “quan họ... rượu” mà “cò lả... rượu”: Rượu ngon lại gặp bạn hiền/ Vui mừng xúc động, uống liền ba ly... Bạn hiền ở khắp nơi trong cuộc giao lưu, thành ra rượu cũng “trôi chảy” ở mọi bàn nhậu. Thế là từ người uống rượu tiến lên “rượu uống rượu”, phát triển nhanh chóng thành “rượu uống người”. Đến độ ấy thì rõ là “ba cách xa”. Đã có trường hợp nhân viên phục vụ bảo nhau: “Đứng cách xa con trâu dữ 10m, cách xa con hổ 30m và cách xa người say rượu... 50m”. Một số ví von liên tưởng thật đau lòng!

 Uống nhiều rượu có thể hủy hoại cả nhân cách, thân thể của mình. Ảnh minh họa/TTXVN.

Uống nhiều rượu có thể hủy hoại cả nhân cách, thân thể của mình. Ảnh minh họa/TTXVN.

Lão Z., sau chuyến thăm đồng đội cũ ở chiến trường xưa trở về, duy trì lối uống rượu “độc trản”. Mâm 10 người, dùng một cái chén uống xoay vòng. Chủ xị rót rượu đầy chén, một nhát tự cạn rồi rót tiếp chén dành cho người bên cạnh theo chiều kim đồng hồ. “Tuần tự nhi tiến”. Đủ độ thì lão Z. cũng đưa hát vào, “bài chòi” hẳn hoi: Mười người như thể một người/ Chén chung, dốc cạn, mới xuôi cõi lòng...

Lại có “rượu... 6Đ” mới lạ. Đội hình gia chủ đến chúc rượu thượng khách được bố trí rất bài bản. Từng “thê đội” nối nhau để không lộn xộn, theo đúng kiểu 6Đ: “Đến-đứng-đợi-đầy-đổ-đi” (đến, chưa tới lượt thì đứng đợi. Tới lượt thì rót rượu đầy chén, đổ vào miệng mình. Xong rồi thì đi). Nếu ai mang rượu bia từ nơi khác đến thì bị kết tội “mang tài liệu vào phòng thi” và chịu phạt uống hết rồi mới nhập cuộc...

Các kiểu đùa rượu, kể ra thì còn nhiều lắm. Ở đây chỉ dẫn vài ví dụ như thế, cốt để truy xét nguyên do.

Vậy, đùa rượu sinh ra từ đâu?

Đùa rượu có nguyên nhân chính là người thích uống rượu, lại muốn lấy cái sự nhiều người cùng uống cho vui. Cũng có người muốn xung quanh để ý đến mình, coi mình như trưởng trò, chủ xị...

Đùa rượu thường thể hiện qua sự huyễn hoặc, kiểu: Rượu từ ngũ cốc mà ra/ Ta uống một chén cũng là ăn cơm, Nam vô tửu như kỳ vô phong (đàn ông không có rượu thì như lá cờ đứng ở nơi không có gió). Thế nên, uống rượu thay cơm là điều... bình thường! Đàn ông muốn có “phong độ” là phải uống rượu! Có ông ngâm nga rất tâm đắc: Anh như chai rượu có chân/ Ngất nga ngất ngưởng, lúc gần lúc xa/ Anh như cột mục trong nhà/ Để thì vướng víu, tháo ra đổ tường, ngụ ý vai trò của người đàn ông được chứng tỏ rõ hơn khi đã ngấm rượu...

Một trò khác, là mượn những câu nói vốn thành ý như: "Hạnh phúc là rượu chảy thành sông, bánh mì chất thành núi" (nói chung về sự no ấm, phồn thịnh), “Tình bạn là ở đáy chén” (uống với nhau một chén rượu thì được coi là có thể hợp tác với nhau)... để làm cái cớ tung hô, cổ xúy nhau uống rượu...

Thuật “đánh tráo khái niệm” cũng thường được các “sâu rượu” vận dụng, khiến người khác hiểu sai về bản chất của tửu sự thông thường, nhằm đùa rượu ngày càng sâu! Đọc bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến khóc tiễn biệt cử nhân Dương Khuê (là bạn đồng khoa, sinh năm 1839, Tổng đốc Nam Định dưới triều Nguyễn) qua đời, thấy câu thơ: Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua, không phải không tiền không mua, thì lộng ngôn cho rằng đến cả “Thánh hiền còn tán rượu nữa là!”. Thực ra, “rượu ngon, bạn hiền” mà cụ Nguyễn Khuyến đề cập là để chỉ sự an lành thân hữu. Rượu ngon là rượu tốt, không phải đồ dởm; bạn hiền thì không mượn rượu làm bậy, không nài ép uống. Uống rượu ngon với bạn hiền là “thưởng rượu”, “chén tạc chén thù”, là “tiên tửu”, là văn hóa.

Có thể nói, sự đùa rượu như đề cập ở trên là một trong những điều góp phần vào tệ nạn lạm dụng rượu bia, chẳng nên khuyến khích. Muốn nó không tái diễn, trước hết phải vô hiệu cái “ngòi nổ”-sự hưng phấn ở những người có thói quen bày diễn nó. Trước cuộc liên hoan, giao lưu có dùng rượu bia, số đông cần tỏ thái độ không hưởng ứng, chỉ ra sự vô bổ, phản văn hóa của trò đùa rượu, làm cho nó nguội tắt ngay từ đầu.

Đừng để “ngộ ra thì đã muộn rồi”

Đùa rượu đến độ quá chén thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Vừa rồi, chính người hay hát “quan họ... rượu” bảo tôi: “Chớ có đùa với rượu! Vui rượu quá xá dễ đến với tử thần”. Chả là, chỉ số men gan tăng cao gấp nhiều lần so với bình thường, bác sĩ hỏi về gia cảnh xong, bảo: “Nếu còn muốn báo hiếu cha mẹ khi các cụ còn sống thì không được uống rượu bia nữa!”. Anh bàng hoàng nghĩ đến câu chuyện người bạn đồng môn “bị gan do rượu” mới chết; khi liệm, ông chú ruột phải đặt cái khăn xô vào trong áo quan, để đến khi bố mẹ qua đời thì ở dưới âm ty còn có khăn để tang!

Ông “cò lả...rượu” thì khước từ lời mời của đồng đội cũ về việc dự liên hoan mừng nhận sổ hưu, với lý do vừa mới “họa vô đơn chí”: Giữa trưa bị công an phạt mấy chục triệu đồng vì lái xe ô tô tham gia giao thông mà hơi thở sặc mùi rượu. Đến nửa đêm khát nước quá, tự bước thấp bước cao xuống cầu thang, trượt chân, tai biến nhẹ... May mà gượng dậy được.

Còn một ông biết chữ Nho, hay ngâm nga: Trời cao thì mặc trời cao/ Chồng em ngất ngưởng còn cao hơn trời (chơi chữ: Phu nghĩa là chồng, có nét sổ ở trên cùng, cao hơn Thiên nghĩa là trời), thì cách nay hơn tuần cũng tự than: Rượu vào, ngất ngưởng coi trời bằng vung, vượt đèn đỏ, bị công an tóm, lại gân cổ ra cãi... Thế là thêm tội. Tiền phạt tăng gấp đôi...

Ngẫm ra, mọi sự rượu cũng là tại ở con người! Người khôn ngoan, biết thương mình và yêu thương cộng đồng sẽ có cách đối xử với rượu bia hợp lẽ phải. Họ không đùa với rượu và không dùng rượu để làm trò đùa.

PHẠM XƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/dien-dan-van-hoa-ruou-bia/cho-nen-dua-ruou-boi-nhieu-moi-nguy-640870