Chớ lo thủ tục hành chính rườm rà, khó khăn sau khi sáp nhập tỉnh

Nhiều người lo lắng khi sáp nhập tỉnh, việc thực hiện thủ tục hành chính sẽ khó khăn vì đi lại xa xôi, lạ lẫm.

Từ ngày 15/4, tỉnh Hải Dương thực hiện thí điểm tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại "bộ phận" một cửa thị trấn Ninh Giang

Từ ngày 15/4, tỉnh Hải Dương thực hiện thí điểm tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại "bộ phận" một cửa thị trấn Ninh Giang

Ngày 14/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tiếp xúc cử tri một số xã ở các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang.

Buổi tiếp xúc cử tri diễn ra ngay sau khi có Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu dự kiến hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Hải Phòng hiện nay. Nhiều ý kiến cử tri bày tỏ băn khoăn, lo lắng việc thực hiện thủ tục hành chính tới đây sẽ khó khăn vì đi lại xa xôi, lạ lẫm.

Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều người dân, doanh nghiệp trước thông tin sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị so với hiện nay.

Nỗi lo này cũng là chính đáng vì nhiều người dân chưa thành thạo thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến mà chủ yếu đi làm trực tiếp tại bộ phận "một cửa" cấp tỉnh, huyện và cấp xã. Hiện nay, người dân trong tỉnh Hải Dương có nhu cầu làm thủ tục tại bộ phận "một cửa" huyện, tỉnh có thể chỉ cần di chuyển quãng đường ngắn. Tới đây, theo dự kiến trung tâm hành chính mới ở TP Thủy Nguyên, quãng đường này có thể tăng gấp đôi, gấp ba...

Tuy nhiên, người dân chớ lo quá về vấn đề này.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, tăng cường phân cấp cho cấp cơ sở, phục vụ, giải quyết vấn đề cho người dân ngay từ cơ sở.

Khi sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, nhiều thủ tục hành chính từ 2 cấp này sẽ chuyển về thực hiện ngay tại cấp xã.

Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 vừa được ban hành ngày 14/4 nêu rõ nguyên tắc "gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất".

Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg, ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sau sáp nhập, UBND cấp xã định hướng sẽ có các phòng chuyên môn. Ở xã, phường sẽ có trung tâm hành chính công.

Cùng với đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, chất lượng từ cấp huyện về (có thể cả từ cấp tỉnh), việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thuận tiện và sẽ được tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Thay vì phải lên tỉnh, lên huyện, người dân có thể chỉ cần ra xã, phường để làm thủ tục.

Việc cải cách bộ máy luôn gắn liền và hướng tới mục tiêu cải cách hành chính. UBND tỉnh Hải Dương đã công bố Chỉ số cải cách hành chính đối với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh năm 2024. Theo kết quả, giá trị trung bình của 12 UBND cấp huyện tăng so với năm 2023.

Trước đó, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các địa phương. TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương cùng trong nhóm dẫn đầu, TP Hải Phòng xếp thứ nhất.

Đặc biệt, Hải Phòng và Hải Dương đều thuộc top 5 Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. TP Hải Phòng xếp thứ nhất, tỉnh Hải Dương xếp thứ ba toàn quốc.

2 tỉnh, thành phố giữ vững kết quả tích cực và có xu hướng tăng so với các năm trước.

Với đà tăng trưởng này, chúng ta có thêm cơ sở để tin tưởng, kỳ vọng nếu sáp nhập, việc cải cách hành chính của đơn vị mới sẽ càng phát triển với tiềm năng sẵn có, kết quả tích cực của 2 địa phương hiện nay.

Đồng thời, từ ngày 15/4, tỉnh Hải Dương đang thực hiện thí điểm tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính. Tỉnh cũng đang xây dựng chính sách miễn phí với người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến và nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Mỗi công dân cần năng động hơn trong thời đại số, chủ động học hỏi, tiếp cận thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng để thuận lợi cho chính mình, góp phần cùng chính quyền địa phương trong thực hiện cải cách hành chính khi cải cách bộ máy, phát triển nhanh và bền vững hơn.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cho-lo-thu-tuc-hanh-chinh-ruom-ra-kho-khan-sau-khi-sap-nhap-tinh-409552.html