Chờ giải cơn 'khát' nhà ở
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án 'Đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030', Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Các doanh nghiệp không chỉ phản ánh bất cập, vướng mắc, mà cần tích cực tham gia kiến nghị, đề xuất giải pháp để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Không thể để những khó khăn vướng mắc cản trở việc phát triển nhà ở xã hội (NOXH), nhà thương mại giá rẻ. Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng chính sách xã hội. Đó không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn rất lâu dài.
Điều rất đáng suy nghĩ là trong khi nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp giá cao đang “tồn kho”; các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) kêu gọi “giải cứu” thì nhà ở giá rẻ, NOXH lại rất thiếu. Người lao động rất “khát” nhà và giấc mơ sở hữu một căn hộ ngày càng trở nên xa vời.
Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm phát triển nhanh NOXH, nhà giá rẻ nhưng sự thay đổi rất chậm chạp. Việc thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hàng hóa BĐS, đặc biệt là đầu tư xây dựng NOXH, nhà ở thương mại giá rẻ... vẫn không nhiều kết quả.
Trong khi đó, mục tiêu về nhà ở được đặt ra là đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27m2 sàn/người, trong đó diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26m2 sàn/người. Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30m2 sàn/người, trong đó diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 28m2 sàn/người.
Ở thời điểm hiện tại, dù lãi suất cho vay của ngân hàng đã giảm nhưng tỷ lệ hấp thụ nhà ở vẫn thấp. Lý do chính vẫn là thu nhập của người dân còn thấp trong khi mức lãi suất đó vẫn cao. Một nghiên cứu cho biết, ở Hà Nội, các căn hộ có giá từ 51 - 70 triệu đồng/m2 chiếm 63% nguồn cung mới. Các căn hộ giá trên 4 tỷ đồng chiếm hơn 42%. Chỉ 3% là số căn hộ giá bán dưới 2 tỷ đồng/căn.
Gần đây, một số ý kiến cho rằng giá BĐS đã “nằm đáy”, vì thế đây là thời điểm thích hợp cho người có nhu cầu thực về nhà ở. Nhưng thực tế lại khác hẳn. Giá căn hộ chung cư vẫn leo thang, lãi suất vay ngân hàng vẫn neo cao, người lao động thu nhập trung bình không thể với tới. Nhiều ý kiến cho rằng, cần khôi phục niềm tin của người dân với thị trường BĐS, nhưng quan trọng nhất vẫn là giá nhà thì lại vẫn lơ lửng trên cao.
Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong vòng hơn 5 năm trở lại đây, giá bán chung cư trên thị trường gia tăng tới 77% so với cuối năm 2018, riêng thị trường Hà Nội ghi nhận giá tăng ở 19 quý liên tiếp. Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, do giá bán liên tục tăng đã khiến việc mua căn hộ chung cư của người dân, đặc biệt là nhóm những gia đình trẻ từ ngoại tỉnh đến Hà Nội sinh sống, làm việc ngày càng trở nên khó khăn bởi thu nhập hạn chế, trong khi nhu cầu ở thực ngày càng tăng, nguồn cung khan hiếm.
Thử tính với căn nhà giá 1 tỷ đồng, tiền thanh toán đợt đầu (có nghĩa là người mua nhà đã có số tiền đó) ít nhất là 30% - tương đương 300 triệu đồng. 700 triệu đồng còn lại phải vay ngân hàng với lãi suất 7 - 10%/năm, nghĩa là khoảng 70 triệu/năm nguyên tiền lãi. Tính ra, lương mỗi tháng của một người sau khi trừ tiền ăn, thì cũng khó trả nổi tiền lãi. Còn nếu căn hộ 2 tỷ đồng, 3 tỷ đồng, số lãi phải trả hàng tháng sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Nhiều nghiên cứu về vấn đề này cho ra kết quả: Nếu 1 người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng thì phải tiết kiệm 32 - 40 năm mới có thể mua được căn hộ từ 2 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng.
Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Hy vọng năm 2024 sẽ là năm “xoay trục” để dần giải cơn “khát” nhà ở cho người dân, công nhân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng chính sách xã hội.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cho-giai-con-khat-nha-o-10274011.html