Chỗ dựa tin cậy ở cơ sở

Đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình để trở thành chỗ dựa tin cậy của hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Dòng sự kiện: Cuộc thi về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai năm 2024

18/06 Cán bộ xã làm bí thư chi bộ thôn, làng: Chủ trương đúng, hiệu quả cao 15/06 Chỗ dựa tin cậy ở cơ sở 11/06 Phú Thiện học và làm theo Bác gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị

Xem thêm

Những cán bộ thôn năng nổ, nhiệt huyết

Trong vai trò Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1 (xã Lơ Ku), bà Hoàng Thị Huyền luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao để trở thành chỗ dựa tin cậy ở cơ sở. Bà đã cùng với Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận thôn tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện đóng góp hơn 190 triệu đồng, hiến hơn 10.000 m² đất và hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, hàng năm, bà Huyền triển khai thu các khoản đóng góp trong dân đều đạt 100% kế hoạch, vận động xây dựng quỹ thôn được hơn 40 triệu đồng; đồng thời luôn quan tâm đối với các hộ khó khăn, hoạn nạn. Bà cùng các hội, đoàn thể trong thôn đã kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ hơn 30 triệu đồng cho 1 học sinh dân tộc thiểu số bị bệnh hiểm nghèo; đề xuất cấp trên hỗ trợ làm nhà ở cho 7 hộ nghèo trong thôn.

Bà Hoàng Thị Huyền (bìa phải)-Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1 (xã Lơ Ku) luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao để trở thành chỗ dựa tin cậy ở cơ sở. Ảnh: M.P

Bà Hoàng Thị Huyền (bìa phải)-Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1 (xã Lơ Ku) luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao để trở thành chỗ dựa tin cậy ở cơ sở. Ảnh: M.P

Tương tự, ngoài việc cùng với cấp ủy chi bộ triển khai thực hiện tốt nghị quyết đề ra, chị Đinh Thị Nên-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lợk (xã Nghĩa An) còn tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động người dân tham gia thực hiện các tiêu chí làng nông thôn mới. Đến nay, hệ thống giao thông làng Lợk được quy hoạch bài bản với 3 tuyến đường chính, 12 đường nhánh trồng cây xanh và hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Theo chị Nên, để người dân nghe và làm theo, chị đã gương mẫu đi đầu trong việc chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ, trồng hoa, cây xanh quanh nhà mình; đồng thời vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để người dân tham gia trồng và chăm sóc hoa, cây xanh dọc trên các tuyến đường làng. Giờ đây, hai bên con đường chính dẫn vào làng dài hơn 500 m đã được phủ xanh bằng những hàng cây, khóm hoa rực rỡ sắc màu.

Ông Nguyễn Mạnh Cường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: “Huyện thường xuyên mở lớp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc cho người có uy tín, giúp họ nắm bắt được đường lối của Trung ương và địa phương đối với công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện. Mặt khác, huyện luôn tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để người có uy tín phát huy vai trò, ảnh hưởng tích cực của mình trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương”.

Chị Nên cho biết: Làng có 191 hộ với 717 khẩu, trong đó, hơn 90% là người dân tộc Bahnar. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết bà con không biết tận dụng những khoảnh vườn xung quanh nhà để trồng rau, trồng cây ăn quả cải thiện thu nhập mà bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Trước thực tế đó, chị Nên phối hợp cùng các ban, ngành, hội, đoàn thể của xã hướng dẫn các hộ dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Chị đến từng nhà vận động người dân cải tạo vườn tạp, tìm kinh phí hỗ trợ mỗi hộ một phần cây giống.

Đến nay, làng có 43 hộ tham gia mô hình trồng dừa xiêm trong vườn với hơn 450 cây; nhiều hộ trồng rau, cây ăn quả khác. Trong số này, một số hộ đã có thu nhập từ mô hình cải tạo vườn tạp.

Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An Hoàng Long Vỹ đánh giá: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đinh Thị Nên là cán bộ trẻ, có năng lực vận động quần chúng, nhiệt tình với công việc của Đảng, chính quyền giao.

Đặc biệt, chị luôn tích cực vận động người dân đóng góp tiền của, ngày công lao động tham gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, chị còn tuyên truyền, vận động thanh-thiếu niên chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông; thực hiện các giải pháp ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nên nhiều năm nay trong thôn không xảy ra trường hợp nào.

“Chị Nên là hạt nhân đoàn kết, giải quyết kịp thời những phát sinh trong làng; duy trì chế độ sinh hoạt chi bộ, triển khai nhiều nghị quyết của chi bộ trong việc vận động người dân thực hiện “10 nếp nghĩ, 10 cách làm” nhằm thay đổi tư duy sản xuất, tổ chức sản xuất phù hợp để nâng cao thu nhập”-Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An nhận xét.

Người uy tín phát huy vai trò “điểm tựa” của cộng đồng

Năm 2023, ông A Hing (làng Kon Ktonh, xã Kon Pne) là cá nhân duy nhất của huyện Kbang được biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội. Cùng với cấp ủy chi bộ và các chi hội đoàn thể làng, ông A Hing đã triển khai thực hiện tốt nghị quyết của chi bộ đề ra, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận và các đoàn thể xã phát động.

Đều đặn mỗi tháng 2 lần, ông phối hợp với các chi hội đoàn thể làng tuyên truyền, vận động giảm thiểu nạn tự tử, tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, vào các buổi sinh hoạt chi hội đoàn thể và buổi họp làng, ông còn thường xuyên vận động người dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Người dân làng Lợk (xã Nghĩa An) thực hiện mô hình hàng rào xanh, con đường hoa, tạo cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp. Ảnh: M.P

Người dân làng Lợk (xã Nghĩa An) thực hiện mô hình hàng rào xanh, con đường hoa, tạo cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp. Ảnh: M.P

Ông Nguyễn Mạnh Cường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Ngoài ông A Hing, trên địa bàn huyện Kbang còn có 75 người có uy tín. Đây là những điển hình tiêu biểu có nhiều đóng góp tích cực xây dựng nông thôn mới ở địa phương; tuyên truyền, vận động đồng bào Bahnar chăm lo sản xuất, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn chặn nạn tảo hôn.

Điển hình như các ông: Đinh Yem (xã Đông) vận động người dân hiến 3.500 m2 đất; Đinh Đuih (xã Đăk Smar) vận động 10 hộ dân hiến 1.000 m2 đất làm đường; ông Bàn Văn Thịnh (xã Lơ Ku) cùng các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động để ngăn ngừa, giảm thiểu và xóa bỏ tình trạng tảo hôn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang đánh giá: Người có uy tín thực sự là lực lượng nòng cốt, “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với người dân trong việc tuyên truyền, vận động bà con phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, họ còn kịp thời giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn phát sinh của người dân ngay từ cơ sở. Họ là những hạt nhân tiên phong gương mẫu trong các phong trào, cuộc vận động, từ đó vận động quần chúng nhân dân làm theo.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cho-dua-tin-cay-o-co-so-post281234.html