Chợ chuột lớn nhất Việt Nam

- Đây là phiên chợ kỳ khôi ở An Giang, chuyên bán mấy "anh tý" phá hoại ruộng đồng mà nông dân trên khắp mọi miền hễ nghe tên là “sợ”.

"Chợ đầu mối" chuột của cả nước Trên đường đưa tôi đến đại bản doanh của mấy “anh tý”, bác tài xe ôm tên Bình giọng hào hứng: “Chợ chuột Phù Dật tọa lạc tại ấp Bình Chiến, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Từ nơi đây, chuột “chạy” loạn xạ, chạy liên tỉnh, chạy xuyên quốc gia mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi với khối lượng ước tính khoảng 5 tấn/ngày. Nằm bên dòng kênh Phù Dật rộng lớn ven Quốc lộ 91 đông người lại qua, chợ chuột diễn ra vô cùng nhộn nhịp. Trên bến dưới thuyền, cảnh vận chuyển, mua bán chuột làm huyên náo cả một vùng quê. Vừa đặt chân vào Phù Dật, chúng tôi gặp nhiều thanh niên khệ nệ, tíu tít ôm khiêng những chiếc lồng, giỏ sắt đựng đầy chuột đi nghênh ngang khắp mọi ngóc ngách. Được cả làng tôn là “vua chuột” vì có thời gian gắn bó với nghề lâu và bắt được nhiều chuột nhất, anh Khánh Duy, kể chuyện: “Gia đình bên vợ vốn là khách hàng chung thủy của vựa chuột nhà tôi. Sau nhiều năm giao chuột, thấy bả (chị Thu Giang) nhanh nhẹn, tháo vát, tui kết. Lấy nhau rồi, hai đứa đứng ra thuê xe tải thu gom chuột từ các tỉnh về Phù Dật. Đến nay tính ra cũng đã có 16 năm tuổi nghề rồi. Ngày cao điểm, vợ chồng tôi thu gom 2-3 tấn chuột là bình thường”. Theo chị Mình, một trong những “đại gia” chuyên thầu chuột ở chợ: “Mức giá trung bình 20.000 đồng/kg chuột hơi là khoản thu lý tưởng thôi thúc ngày càng nhiều nông dân ở khắp Đồng bằng sông Cửu Long đổ xô săn chuột. Có nhiều người thậm chí vượt sang biên giới Campuchia tuyển chuột về”. “Vua chuột” Khánh Duy từng có thời gian dài sống ở Campuchia, thành thạo tiếng bản địa và đường đi lối lại nên anh cũng thường xuyên sang tận Công Pông Chàm và thủ đô Phnôm Pênh để thu mua chuột. Anh bật mí mỗi ngày, mùa cao điểm (từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch), bạn hàng ở Campuchia cung cấp cho Phù Dật từ 1,5 - 2 tấn chuột sống. Từ Phù Dật, chuột được xé lẻ lạ khắp các chợ nhỏ, hàng quán đặc sản trên khắp cả nước. Cuộc sống trông cả vào... chuột Dân xóm chuột cũng rành đặc tính của từng giống chuột, rành giá cả lên xuống nhưng khi hỏi thăm “Chợ có từ bao giờ?” thì chẳng ai trả lời cụ thể. Một bà cụ lúc đang mổ chuột thuê cho một chủ vựa bộc bạch: “Ông già tui trước cũng làm nghề này, bây giờ đám con cháu cũng gắn đời, sống nhờ chuột. Tính ra vùng này có ít nhớt 4 đời được chuột nuôi ăn nuôi lớn rồi đấy”. Sau khi được gom về Phù Dật, chuột sẽ được làm thịt. Việc “mần” thịt chuột hoàn toàn thủ công. Người thợ kinh nghiệm có thể bắt đầu bằng việc loại đầu, tứ chi, rạch bụng, lột da, bỏ ruột và làm sạch hoàn tất một con chỉ trong vòng chưa đầy một phút. Chị Bình, một “công nhân” chuyên mổ chuột, tâm sự: “Nghề này thu nhập không cao nhưng được cái quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có việc làm. Thu nhập của dân mổ chuột không phải tính ký mà tính con. Tụi em làm ăn theo sản lượng, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Dân chuyên làm thịt chuột như em kiếm mỗi ngày bốn, năm chục ngàn. Cũng sống được”. Thu nhập của dân săn chuột cao hơn dân mổ chuột rất nhiều. Ông Sáu Xẹm, có thâm niên hơn 20 năm rập chuột, cười khà khà khi nói về thu nhập: “Ai có sức khỏe, có kinh nghiệm và chịu khó thì một ngày thu vô vài ba trăm ngàn dễ như cạn ly rượu đế”. Tính, một thợ săn chuột sau khi rít điếu thuốc cháy dở e hèm: “Lúc chuột vãn mùa (mùa lũ, chuột rủ nhau “di cư” sang các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn hoặc các vùng có nhiều đê bao), nếu có sức chạy theo nó thì thu nhập khá lắm. Khổ nổi chạy theo chuột cực lắm”. Chuột chữa lang ben, hắc lào Trưởng “ấp chuột” Bình Chiến, ông Nguyễn Duy Lộc cho biết, chợ chuột Phù Dật nói riêng và làng chuột Phù Dật nói chung có tổng cộng 670 hộ dân, trong đó đã có trên 300 hộ chuyên sống bằng nghề săn bắt, mua bán, hoặc làm thịt chuột. Nhờ chuột mà tỷ lệ hộ nghèo cần giúp đỡ ở địa phương hầu như không đáng kể. Với cư dân chợ chuột, chuột là đặc sản, tuy có “nhan sắc” gớm giếc nhưng nếu biết chế biến sẽ cho ra những món ngon nhớ đời như chuột luộc cơm mẻ, chùa khìa nước dừa, chuột nướng lu, chuột trộn mít non… Nười làng chuột còn truyền nhau bài thuốc “gia truyền” chữa lang ben, lác, hắc lào từ thịt chuột cống lang rất hiệu nghiệm, chỉ cần chế biến tùy thích và ăn vào là khỏi?! Nhiều du khách khi đến tham quan Phù Dật thường tìm đến các quán đặc sản chuột thưởng thức món “chuột trinh nữ kén chồng”. Để làm món này, đầu bếp chọn ra những nàng chuột non tơ, làm thịt và ướp thịt với các gia vị. Tiếp đó, lần lượt cho nấm mèo, thịt heo ba chỉ, gan heo, đậu xanh nguyên vỏ dồn vào bụng chuột rồi khâu lại. Công đoạn cuối cùng là chiên cho thật vàng rồi sắp vào nồi đất, đổ nước dừa tươi lấp xấp nấu cho đến khi sền sệt. Món ăn hoàn tất có hương vị thơm ngon, béo ngậy. Thành Dũng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1988/2009/07/1714196/