Chính trị - Xã hội Pháp luật - Cuộc sống Làm thế nào đạt mục tiêu chống hàng giả

TTH - Khái niệm hàng nhái nên được xác định đó là hàng giả. Giả tức là không thật, không gây nên nhầm lẫn. Điều này đã có quy định rõ trong Luật Sở hữu trí tuệ; về mặt từ ngữ không cần nói dài dòng 'hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng' mà nên gộp lại, chỉ sử dụng một từ - hàng giả - là đủ. Hàng nào không đúng nguyên bản gốc thì gọi là giả - giả về chất lượng, giả về mẫu mã, giả về nguồn gốc xuất xứ…

Từ khi nền kinh tế phát triển, hàng giả cũng đồng thời tồn tại và có vẻ như chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng trầm trọng thêm. Có những vụ hàng giả được sản xuất với quy mô rất lớn và tồn tại nhiều năm trước khi bị phát hiện. Gần đây nhất là vụ kinh doanh xăng giả đình đám lên đến 2,7 triệu lít bị phát hiện. Còn các loại mặt hàng giả khác có thể nói là đếm không xuể, từ cái quần cái áo đến các loại thực phẩm, mỹ phẩm, các loại đồ ăn thức uống... Gạo ngon nhất TS 25 in hình ông Hồ Quang Cua để chống hàng giả thì vài ngày sau đã có bao bì y như vậy xuất hiện trên thị trường. Ở Huế có những vụ tranh chấp nhãn hiệu (cũng là tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ) đình đám nhất là phấn nụ Bà Tùng và hiệu đàn Tân Châu, bánh bèo nậm lọc Bà Đỏ…

Cái giả phổ biến nhất là giả những thương hiệu nổi tiếng. Không ai (hoặc rất ít) đi giả những mặt hàng “xoàng xĩnh”. Bởi giả như vậy để dễ bán và bán được giá cao. Chính điều này là động lực chính cho kinh doanh hàng giả. Dù những người sản xuất và kinh doanh thừa biết làm như vậy là vi phạm pháp luật, có khi phải chịu những đánh đổi rất lớn. C. Mác từng nói, lợi nhuận đến 300% thì có lên giá treo cổ người ta vẫn làm. Đấy là nói về tư bản. Hàng giả cũng vậy. Vào một quán bar nào đó, khi khách đã chếnh choáng, giá một chai rượu ngoại tùy theo loại đến vài triệu đồng. Ai biết giả hay thật, có phải bất kỳ người nào cũng “sành điệu” như nhau? Nhưng cái có thật là lâu lâu thấy lực lượng chức năng phát hiện cả hàng trăm, hàng ngàn chai rượu nhập lậu, rượu giả. Biết đâu trong số này được tiêu thụ ở khắp nơi và cả quán bar?

Hàng giả chẳng những làm thiệt hại cho người tiêu dùng mà nó là kẻ thù của sự sáng tạo. Sản xuất và xây dựng được một loại hàng hóa có thương hiệu - chưa nói đến thương hiệu nổi tiếng toàn cầu - tốn kém biết bao nhiêu chi phí và công sức. Người ta đã tạo lập nên các thương hiệu rồi còn phải tốn thêm nhiều thứ nữa để chống giả. Người làm giả, hưởng lợi được từ giả thì đương nhiên có người chịu thiệt - ấy là những nhà sản xuất kinh doanh chân chính. Những nhà sản xuất kinh doanh chân chính rất ngại đưa hàng hóa vào những đất nước kiểm soát điều này không tốt… Nói rộng ra làm thiệt hại đến cả nền kinh tế.

Cứ mỗi dịp cận tết, khi hàng hóa lưu thông nhiều, sức mua cao thì Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đều chỉ thị tăng cường chống hàng giả.

Tại một cuộc hội thảo về chống hàng giả mới đây, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, đến năm 2025 đạt mục tiêu 90% các cơ sở phân phối không còn tình trạng bày bán hàng nhập lậu, hàng giả một cách công khai ở cửa hàng, trung tâm mua sắm. Đồng thời 90% các làng nghề, cơ sở cũng không sản xuất hàng nhái, hàng giả, các hộ kinh doanh sẽ tham gia cam kết không tiêu thụ các mặt hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Theo ông Linh, 9 tháng đầu năm 2021 đã phát hiện hàng ngàn vụ vi phạm luật sở hữu trí tuệ, thu nộp vào ngân sách nhà nước và tiêu hủy một lượng hàng hóa giá trị đến 5 triệu USD. Chắc chắn đây là con số không tương ứng với những diễn biến trên thị trường. Trong một tình thế như vậy, làm thế nào để 3 hoặc 4 năm nữa xử lý được cơ bản về nạn hàng giả?

Có thể nói là rất khó. Ngay việc định lượng con số 90% có vẻ như đã “mơ hồ” – 90% là bao nhiêu cơ sở? Kiểm soát ở các làng nghề thì dễ hơn vì nó có địa chỉ cụ thể, mặt hàng cụ thể. Không gian cũng hẹp và chủ yếu phân bổ ở vùng nông thôn, được cho là ít “phức tạp” hơn. Ngoài lực lượng chức năng còn có chính quyền địa phương và thậm chí là cả người dân tham gia giám sát. Việc kiểm soát ở các trung tâm thương mại lớn cũng không khó lắm. Các trung tâm này thường là được đầu tư rất lớn nên những nhà quản lý phải đắn đo nếu có phiêu lưu (bán hàng giả). Nhưng những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ có thể nói là rất khó kiểm soát. Lực lượng này ở Việt Nam rất đông đảo. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có đến 5 triệu hộ kinh tế cá thể. Chúng ta hình dung kiểm soát cho tốt hệ thống này là một việc không dễ dàng. Ở Huế thấy lâu lâu quản lý thị trường ra thông báo ai là chủ nhân của những bao hàng để ở góc đường này, con đường kia liên hệ với cơ quan chức năng. Qua thời gian đó thì lực lượng chức năng sẽ xử lý theo luật định. Chẳng thấy ai đến nhận. Những bao này có thể là hàng giả?

Nhưng khó mấy cũng phải làm, và phải xác định đây là một cuộc chiến lâu dài, liên tục. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng một hệ thống kiểm soát: từ luật và những quy định chế tài; đến lực lượng kiểm soát (vì ngay trong lực lượng kiểm soát cũng có tiêu cực); từ áp dụng công nghệ trong kiểm soát đến đẩy mạnh đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ… đủ mạnh để khắc chế động lực lợi nhuận mà việc sản xuất kinh doanh hàng giả đưa lại, may ra mới hạn chế được những hành vi liên quan đến hàng giả.

Nguyễn An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/lam-the-nao-dat-muc-tieu-chong-hang-gia-a107462.html