Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp

Chiều 21/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm 'Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp' nhằm thảo luận, đánh giá những vấn đề nổi bật liên quan đến thúc đẩy phát triển, quản lý công nghiệp công nghệ số; nội hàm, bản chất của tài sản số; nghĩa vụ thuế liên quan đến tài sản số, việc xác lập quyền sở hữu và bảo vệ người tham gia…

Bám sát các định hướng lớn, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cũng như nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp công nghệ số, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo hết sức sát sao, quyết liệt trong thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ số trên các lĩnh vực cũng như không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách về công nghiệp công nghệ số.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao là đơn vị chủ trì xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi các cấp, các ngành đối với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sắp tới.

Dự thảo luật này có nhiều điểm nổi bật về quản lý, hành lang pháp lý, phát triển công nghệ số, trong đó tài sản số lần đầu tiên được định nghĩa tại Điều 8 của dự thảo luật. Theo đó, dự thảo luật khẳng định: "Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan".

Quy định của luật về tài sản số dự kiến được ban hành cũng đặt ra các yêu cầu quan trọng trong việc hoàn thiện các hành lang pháp lý đầy đủ đi cùng với các quy định về quyền sở hữu, nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành.

Phác họa bức tranh về tài sản số hiện nay tại Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung cho biết, có rất nhiều con số nói về tài sản số tại Việt Nam. Điển hình theo báo cáo của tổ chức Chainalysis chuyên về phân tích thị trường, năm 2022, dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD. Con số này tăng trưởng đến năm 2023 là 120 tỷ USD. Năm 2021-2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số chỉ sau UAE và Hoa Kỳ. Năm 2023, Việt Nam tụt 5 hạng, đứng thứ 7. Đặc biệt, 2 quốc gia tại gần với chúng ta là Thái Lan và Singapore đã vươn lên đứng thứ 5 và thứ 3.

Ông Phan Đức Trung

Ông Phan Đức Trung

“Ở đây, chúng tôi muốn nói tài sản số không chỉ là những con số mang tính chất quy mô về dòng tiền dịch chuyển về Việt Nam, mà còn có quy mô cạnh tranh khu vực. Rất nhiều quốc gia trong khu vực ban hành luật lệ, chính sách để thúc đẩy tạo ra hành lang pháp lý cho những dòng tài sản này đóng góp vào nền kinh tế mang giá trị tích cực chứ không chỉ có cách nhìn tiêu cực là ảnh hưởng tới ổn định kinh tế từng quốc gia nói riêng”, ông Trung nói.

Theo Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, mặc dù tài sản số hay tài sản mã hóa trên thực tiễn đã rất phát triển nhưng về mặt pháp lý dường như chúng ta chưa theo kịp, chưa có một khung khổ pháp lý cho loại tài sản này. Chính vì thế, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số lần đầu tiên (tại Điều 8) có quy định về tài sản số là một trong những điểm nổi bật của dự thảo lần này. Khi có khung khổ chính thức thì hoạt động đầu tư kinh doanh theo lĩnh vực này mới có thể hình thành và phát triển được.

Ông Đậu Anh Tuấn

Ông Đậu Anh Tuấn

“Với sự phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ như hiện tại, chúng tôi mong rằng, Việt Nam cần phải là điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ số. Cho nên, chúng ta từng bước phải xây dựng khung khổ pháp lý cũng là điều rất quan trọng. Khi có pháp lý, công nghiệp công nghệ số dần được hình thành, phát triển mạnh mẽ, quyền và lợi ích của những người tham gia trong lĩnh vực này được bảo vệ”, ông Tuấn nói.

Thực tế, đã có rất nhiều giao dịch liên quan tới tài sản số, nhưng nếu không có khung khổ pháp lý thì các giao dịch này trở nên rủi ro, mong manh, những người liên quan không được bảo vệ.

“Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng nhu cầu có khung khổ pháp lý cho tài sản số, cho các giao dịch liên quan tới tài sản số là điều Việt Nam cần cân nhắc và nhanh chóng thúc đẩy”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Một câu hỏi đặt ra là dưới góc độ chuyên ngành về chính sách thuế, những quy định mới trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số liên quan đến tài sản số sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể sở hữu tài sản số trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, bảo đảm môi trường minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp công nghệ số tham gia thị trường?

Ông Trương Bá Tuấn

Ông Trương Bá Tuấn

Về vấn đề này, ông Trương Bá Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết hiện nay, chúng ta có 3 chính sách thuế liên quan đến điều chỉnh mua bán, chuyển nhượng, giao dịch tài sản, gồm: Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng.

Nếu chúng ta xem tài sản số là loại tài sản cần quy định ở văn bản quy định pháp luật, như chúng ta dự kiến sẽ nằm ở Luật Công nghiệp công nghệ số thì sẽ có căn cứ để thực hiện việc thu thuế với các nghĩa vụ thuế phát sinh liên quan đến giao dịch chuyển nhượng tài sản số đó.

Thực tế hiện nay, 3 Luật thuế trên đã quy định khá rõ về người nộp thuế, đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, phương pháp tính thuế và thuế suất. Trường hợp tài sản số là tài sản thì có căn cứ để thực hiện thu thuế. Tuy nhiên, tài sản số có rất nhiều loại hình mà chúng ta cần định nghĩa rõ. Cho nên, ngay cả về khái niệm chúng ta cũng cần phải thống nhất để phân loại đúng, bởi vì mỗi tài sản số có thể phục vụ cho mục tiêu khác nhau, từ đó mới có căn cứ thực hiện việc thu thuế.

Còn nếu trong trường hợp pháp luật thuế chưa bao quát được các hoạt động liên quan đến tài sản số thì chúng ta không có căn cứ để hoàn thiện pháp luật về thuế. Bởi pháp luật về thuế chỉ quy định về thuế gắn với đặc trưng, đặc điểm, hoạt động quy định ở pháp luật chuyên ngành. Như vậy, chúng ta cần sự đồng bộ trong hoàn thiện các pháp luật có liên quan.

Ông Trần Huyền Dinh

Ông Trần Huyền Dinh

Từ góc độ doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, ông Trần Huyền Dinh, CEO Công ty AlphaTrue rất kỳ vọng, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và các luật, quy định liên quan đến tài sản số sắp tới sẽ mang lại sự minh bạch, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời hạn chế sự chảy máu chất xám, cũng như thu hút nhiều dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. Ông Trần Huyền Dinh cũng cho biết doanh nghiệp cũng đã có các kế hoạch dự kiến triển khai, nâng cao nhận thức để đảm bảo tuân thủ các quy định mới.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chinh-sach-thue-tai-san-so-va-trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-154822.html