Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2023

Quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tại chính quyền địa phương; tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động; hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2023.

Danh mục, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông

Thông tư 01/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực TT&TT tại chính quyền địa phương có hiệu lực từ 17/3/2023. Thông tư nêu rõ danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực TT&TT tại chính quyền địa phương bao gồm lĩnh vực: Báo chí; phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; xuất bản, in và phát hành; bưu chính; công nghệ thông tin.

Thông tư quy định, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 3 năm (36 tháng) đến 5 năm (đủ 60 tháng) không bao gồm thời gian tập sự, thử việc. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính

Thông tư 11/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính có hiệu lực từ ngày 31/3/2023. Theo Thông tư, cơ cấu Hội đồng quản lý, gồm: Đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; đại diện tổ chức, đơn vị liên quan. Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 5 - 11 người. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 5 năm.

Hướng dẫn quản lý, thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội

Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội

Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC, ngày 19/1/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023. Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Người đại diện cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; chủ sở hữu di tích tư nhân tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động

Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động (NLĐ) làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại, có hiệu lực từ ngày 1/3/2023. Mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền. Mức 1 là 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); mức 2 là 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); mức 3 là 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); mức 4 là 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).

Đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng thì mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I của Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng. Cụ thể, nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng. Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng. Trong trường hợp NLĐ làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

Thông tư nêu rõ, việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trường hợp NLĐ làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho NLĐ để NLĐ có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định.

Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của NLĐ; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của NLĐ. Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.

P.V

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-3-2023-a356586.html