Chính sách kịp thời, triển khai 'tắc nghẽn'!

Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 42) và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Quyết định số 15) với tổng số tiền lên đến 62.000 tỷ đồng. Đến nay, việc giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng cơ bản tương đối tốt, song tổng số tiền hỗ trợ doanh nghiệp thì chưa giải ngân được đồng nào.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Nghị quyết 42 của Chính phủ đã quy định người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng với lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%/năm (gói hỗ trợ16.000 tỷ đồng dự kiến cho doanh nghiệp vay để hỗ trợ chi trả lương, trợ cấp cho khoảng 3 triệu người lao động).

Tuy nhiên, theo thông tin tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2020 diễn ra sáng 22/9, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, hiện cả nước mới chỉ có 1 doanh nghiệp đủ điều kiện vay gói tín dụng 16.000 tỷ đồng. Song do vướng thủ tục, đến nay doanh nghiệp này đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động nên không vay nữa.

Như vậy, gói 16.000 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa được giải ngân cho doanh nghiệp nào. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, về phía cơ quan này đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay. Nhưng theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ cho người lao động do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong khi, theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội, thì điều kiện để doanh nghiệp vay vốn bao gồm: Có từ 20%, hoặc từ 30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.

Nói một cách ngắn gọn, tiêu chí cho vay quá cao, doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn. Vì vậy, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu Chính phủ hạ tiêu chí cho vay.

Đây là trách nhiệm của các cơ quan hoạch định chính sách. Các cụ xưa có câu “một miếng khi đói bằng cả gói khi no”, trong lúc cộng đồng doanh nghiệp, người lao động phải “gồng mình” chống chọi với đại dịch Covid-19, để trực tiếp giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, Chính phủ đã quyết định dành gói tín dụng 16.000 tỷ đồng (trong gói 62.000 tỷ đồng) cho doanh nghiệp vay để họ có điều kiện trả lương, các chế độ cho người lao động. Thế nhưng, đến nay đã được hơn 5 tháng, số tiền giải ngân vẫn là con số không tròn trĩnh!

Khi cộng đồng doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng rất nhanh, rất cụ thể và giao cho các đầu mối thực hiện rất rõ ràng. Vậy mà khâu “thực thi” thì rất, rất chậm! Người lao động trong những doanh nghiệp thuộc diện hỗ trợ của gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, họ đã tạm thời “đi qua cơn đói”, giờ đây (nếu dịch không tiếp tục bùng phát) thì đối với họ cũng không quá quan trọng. Cái đáng trách, khi họ khó khăn, Chính phủ kịp thời hỗ trợ, thì dòng tiền lại bị “tắc nghẽn” ở khâu triển khai. Đây là câu chuyện muôn thuở có lẽ cũng cần có những phương thuốc đặc trị.

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chinh-sach-kip-thoi-trien-khai-tac-nghen-113482.html