Chính sách Joe Biden với nền kinh tế Mỹ
Cho dù hiện tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn chưa thật sự hạ màn do các động thái của ngài đương kim Tổng thống Donald Trump, nhưng nếu không có cú sốc hay phát hiện 'động trời' nào trong thời gian tới, nguyên Phó Tổng thống Joe Biden sẽ chính thức trở thành ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng, chấm dứt một nhiệm kỳ đầy biến động của ngài Tổng thống mê Twitter.
Đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng Covid-19
Dưới thời Trump, nền kinh tế Mỹ có những tín hiệu tích cực song bị tổn hại nghiêm trọng do chính sách chống dịch Covid-19 thiếu hiệu quả. Vậy việc ông Biden đắc cử có thể đem lại điều gì cho nền kinh tế Mỹ?
Có thể thấy rõ rằng mục tiêu hàng đầu của ông Biden sau khi nhậm chức sẽ là đưa kinh tế nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Ông Biden đã lên tiếng ủng hộ việc cung cấp thêm gói cứu trợ, bao gồm gia tăng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn cùng các bang gặp vấn đề về tài chính, đồng thời cấp phát thêm tiền cho các hộ gia đình.
Tuy nhiên, vấn đề ông gặp phải là Quốc hội sẽ đồng ý phê chuẩn bao nhiêu? Nếu Đảng Dân chủ không giành được đa số ghế ở Thượng viện sau cuộc bầu cử và Đảng Cộng hòa có thể tìm cách giới hạn quy mô của gói cứu trợ. Bà Nancy Vanden Houten của Oxford Economics lại cho rằng, cho dù Đảng Dân chủ có thắng đa số, họ cũng có thể hạn chế quy mô gói cứu trợ (không quá 1.500 tỷ USD) để phân bổ cho các khoản chi khác.
Kế hoạch chi tiêu
Ngoài gói cứu trợ Covid, ông Biden cũng đề xuất kế hoạch chi tiêu trong 10 năm, tổng cộng 7.300 tỷ USD. Mục đích của gói chi tiêu này bao gồm nâng cấp đường sá, cầu cống, xây dựng nền kinh tế dựa trên năng lượng sạch, vực dậy các ngành sản xuất trong nước, bảo đảm chính phủ và các nhà thầu liên quan mua sản phẩm nội, thiết lập các trường đại học cộng đồng không thu học phí, giúp người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em vừa túi tiền, phổ cập giáo dục mầm non và hỗ trợ người dân mua và thuê nhà.
Theo chuyên gia Mark Zandi của Moody’s, các mục tiêu nói trên sẽ làm gia tăng sản lượng của nền kinh tế, tạo ra hàng triệu việc làm, đào tạo nhân lực trong nước để họ có thể nắm các vị trí cần chuyên môn cao và tăng năng suất lao động.
Tuy nhiên, Zandi cho rằng để gói chi tiêu này được thông qua, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ có thể phải thỏa hiệp với đảng Cộng hòa bằng cách giảm quy mô gói cứu trợ xuống còn 4.000 tỷ USD. Nếu Đảng Cộng hòa vẫn giữ thế đa số ở Thượng viện, họ có thể chấp nhận một số ít trong các mục tiêu nói trên, để đổi lại việc thông qua chính sách giảm thuế cho giới trung lưu.
Thuế
Ông Biden muốn thu nhập thuế trong 10 năm tới đạt mức 4.000 tỷ USD. Các đề xuất của ông chú trọng vào nhóm có thu nhập trên 400.000USD, bao gồm xử lý các lỗ hổng trong luật thuế ở nhóm đối tượng trên, bắt thu nhập trong nhóm này phải chịu mức thuế Bảo hiểm Xã hội (Social Security) 12,4% và loại bỏ khấu trừ từng khoản. Ngoài ra, ông Biden cũng muốn tăng thuế suất thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%, và sử dụng mức thuế suất đánh trên thặng dư vốn và cổ tức ở mức bình thường khi thu nhập trên 1 triệu USD.
Trong khi đó, Oxford Economics cho rằng tác động của chính sách thuế mới lên hoạt động kinh doanh là không đáng kể. Còn Zandi lại cho rằng nó có thể làm giảm lợi nhuận kinh doanh và đầu tư, từ đó làm tăng trưởng kinh tế chậm lại. Đối với các hộ gia đình thu nhập cao, chính sách này lại ít ảnh hưởng nhờ vào các khoản tiết kiệm và đầu tư.
Thương mại
Trong đường lối thương mại của ông Biden, sẽ không có lý do để vội vàng dỡ bỏ các loại thuế, phí “trừng phạt” Trung Quốc của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, thay vì hành động theo lối “võ biền” như ông Trump, ông Biden muốn đối đầu với Trung Quốc theo cách có “nghệ thuật”.
Giới kinh doanh Mỹ kỳ vọng sau khi đắc cử, ông Biden sẽ bãi bỏ các chính sách thương mại khó đoán định dưới thời Trump, vốn đã làm sứt mẻ nghiêm trọng mối quan hệ giao thương với các nước đồng minh.
Tuy nhiên, để thực hiện cam kết với cử tri, ông Biden vẫn sẽ thực hiện đường lối hướng nội, ưu tiên phát triển các ngành sản xuất trong nước và khuyến khích mua hàng nội địa. Hướng đi này không quá khác biệt với các chính sách mang khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm. Mặt trái của việc tiếp tục chính sách bảo hộ trong nước có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu của Mỹ.
Một điểm tương đồng nữa trong đường lối thương mại của ông Biden với ông Trump là vẫn giữ thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Do đó, ông Biden sẽ không có lý do để vội vàng dỡ bỏ các loại thuế, phí “trừng phạt” Trung Quốc (tổng cộng lên đến 360 tỷ USD) của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, thay vì hành động theo lối “võ biền”, gia tăng căng thẳng đến mức các nước đồng minh ngán ngẩm như ông Trump đã làm, ông Biden muốn đối đầu với Trung Quốc theo cách có “nghệ thuật” hơn.
Theo Zandi, ông Biden sẽ gây áp lực với Trung Quốc không phải bằng cách đơn phương gây thương chiến, mà sẽ thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức thương mại đa phương khác để khiến Trung Quốc thay đổi cách hành xử của mình.
Tuy vậy, Zandi cũng cho rằng đến năm 2023, toàn bộ các khoản thuế phí sẽ được dỡ bỏ. Điều này sẽ làm giảm gánh nặng chi phí lên người tiêu dùng trong nước và khiến Trung Quốc dỡ bỏ các thuế phí “trả đũa” khỏi hàng hóa Mỹ, góp phần cải thiện ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Vẫn còn bất định
Mặc dù Đảng Dân chủ đã có những bước chuẩn bị để thực hiện các chính sách đã được ông Biden đề xuất, nhưng tính khả thi của chúng vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Không chỉ do tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội năm nay vẫn chưa thực sự ngã ngũ. Nhiều cử tri phải bỏ phiếu qua bưu điện làm chậm đáng kể quá trình kiểm phiếu, còn ngài đương kim Tổng thống thì kêu gọi điều tra gian lận phiếu bầu.
Ngoài ra, vào thời điểm của bài viết này, vẫn còn 4 ghế của thượng viện Mỹ chưa xác định chủ nhân, và kết quả đảng nào sẽ chiếm đa số chỉ có thể được xác định vào tháng Giêng. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc liệu ông Biden, sau khi quay trở lại Nhà Trắng, có thể thực thi những gì ông đã hứa với cử tri hay không.
Hay những gì đã diễn ra dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, khi các nghị sĩ Cộng hòa liên tục ngăn cản các chính sách của ông sẽ tái diễn?
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/chinh-sach-joe-biden-voi-nen-kinh-te-my-85706.html